Đồng bộ giải pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển nhanh và bền vững


Trong bối cảnh thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cả về thanh khoản, quy mô thị trường, cơ sở nhà đầu tư..., tới đây, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn lại một số kết quả tích cực

Trong 6 tháng đầu năm, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, thị trường trái phiếu tiếp tục gặt hái được một số kết quả tích cực. Cụ thể, đối với thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), tính đến ngày 21/6/2019, Bộ Tài chính đã huy động được 102.673 tỷ đồng TPCP (không tính 7.000 tỷ đồng phát hành TPCP để nhận nợ với BHXH), bằng 33,4% kế hoạch năm.

Khối lượng trả nợ gốc 6 tháng đầu năm là 98.995 tỷ đồng, theo đó khối lượng huy động ròng (trừ trả nợ gốc) là 3.678 tỷ đồng. 100% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 92% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân duy trì ở mức cao đạt 13,26 năm.

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%.

Lãi suất phát hành TPCP đã được điều hành phù hợp cung cầu của thị trường và diễn biến thị trường tiền tệ. Theo đó, lãi suất phát hành bình quân ở mức 4,97% năm, tiếp tục duy trì ở mức thấp. Lãi suất phát hành thời điểm cuối tháng 6/2019 thấp hơn 0,2% - 0,5% so với thời điểm cuối năm 2018 ở tất cả các kỳ hạn.

Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP có sự cải thiện căn bản với vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức phi ngân hàng và giảm dần tỷ trọng nắm giữ TPCP của các ngân hàng thương mại. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nắm giữ TPCP của các nhà đầu tư là tổ chức tài chính phi ngân hàng tiếp tục tăng, đạt khoảng 53% (tăng 0,8% so với mức 52,2% tại thời điểm cuối năm 2018), tỷ lệ nắm giữ của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 47%.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 6 tháng đầu năm 2019, khối lượng TPDN phát hành đạt 89.483 tỷ đồng, bằng 134% so với cùng kỳ năm 2018.

Tính đến thời điểm 24/6/2019 dư nợ thị trường TPCN đạt 10,22% GDP năm 2018, tăng 19,2% so với cuối năm 2018 (8,6% GDP). Như vậy, quy mô thị trường TPDN đến nay đã vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt 7% GDP vào năm 2020.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ lộ trình triển khai các sản phẩm chứng khoán trên TTCK giai đoạn 2019-2025, trong đó giới thiệu các sản phẩm HĐTL trên chỉ số mới (ngoài chỉ số VN30); Hợp đồng quyền chọn chỉ số; HĐTL/HĐQC cổ phiếu đơn lẻ… trong những năm tiếp theo. Vừa qua đã cho ra mắt hai sản phẩm mới đó là sản phẩm chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai TPCP.

"Nhận diện" hạn chế, thách thức

Bộ Tài chính nhận định, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành TPCP mới chỉ đạt 33,4% kế hoạch năm, dẫn đến khối lượng huy động bị dồn vào 6 tháng cuối năm. Quy mô thị trường TPCP còn nhỏ, thanh khoản trên thị trường thứ cấp chưa ổn định, chịu ảnh hưởng, tác động mạnh của diễn biến trên thị trường tiền tệ. Trường hợp thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến bất lợi, sẽ gây khó khăn cho ngân sách nhà nước trong công tác huy động vốn TPCP.

Trong khi đó, thanh khoản thị trường TPDN còn hạn chế, mặc dù đã có sự phát triển nhưng quy mô của thị trường TPDN còn nhỏ. Theo đó, các doanh nghiệp chủ yếu vay vốn tín dụng ngân hàng thay vì phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Bên cạnh đó, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu cũng chưa đa dạng, thiếu vắng nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh như các quỹ hưu trí, các quỹ đầu tư, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế...

Giải pháp đồng bộ thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển

Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Đối với thị trường TPCP:

Một là, tăng thanh khoản trên thị trường thông qua các giải pháp: (i) phát hành TPCP chuẩn để nhà tạo lập thị trường chào giá cam kết chắc chắn (ii) hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch TPCP (ii) cải thiện hệ thống thông tin của thị trường, xây dựng chuyên trang trái phiếu bằng tiếng Anh (iii) phát triển hệ thống nhà tạo lập thị trường TPCP với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp (iv) rút ngắn thời gian từ khâu phát hành đến niêm yết, giao dịch TPCP.

Hai là, thực hiện các giải pháp đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư TPCP theo hướng phát triển nhà đầu tư dài hạn như BHXH, các doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện và quỹ đầu tư trái phiếu. Nghiên cứu đưa TPCP Việt Nam vào một số chỉ số trái phiếu Quốc tế có uy tín để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. 

Ba là, tiếp tục tái cơ cấu danh mục nợ TPCP theo hướng tập trung phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm giảm áp lực trả nợ của NSNN trong ngắn hạn; triển khai hoán đổi để kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ và hài hòa nghĩa vụ trả nợ giữa các năm, giảm đỉnh nợ.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với NHNN để điều hành về khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường, đảm bảo huy động được vốn cho NSNN với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.

Năm là, nghiên cứu, triển khai các sản phẩm mới theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu.

Đối với thị trường TPDN:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý về phát hành TPDN. Theo đó, trình Quốc hội dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, theo hướng (i) doanh nghiệp phát hành TPDN ra công chúng phải xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính công khai, minh bạch;  (ii) gắn việc phát hành TPDN ra công chúng với niêm yết, giao dịch trên TTCK để nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu; (iii) TPDN phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành, giao dịch giữa các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Hai là, phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường TPDN.

Ba làphát triển cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPDN, bao gồm các định chế đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân đầu tư chuyên nghiệp để đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư.

Bốn là, vận hành và nâng cấp chuyên trang thông tin tập trung về TPDN tại HNX để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.

Năm là, đối với TPDN phát hành ra công chúng, rà soát để rút ngắn quá trình chấp thuận. Đối với việc niêm yết, giao dịch tại HNX, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giao dịch trái phiếu để chuẩn hóa quy trình niêm yết, giao dịch, tăng tính thanh khoản của trái phiếu.