Đồng bộ hóa ấn chỉ điện tử trong bảo hiểm, không dễ
(Tài chính) Để giảm thiểu những rủi ro, mất mát trong việc phát hành ấn chỉ giấy (giấy chứng nhận bảo hiểm),
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong cuộc họp với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mới đây, đã khuyến cáo các doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu triển khai ấn chỉ điện tử, có thể thông qua internet hoặc điện thoại di động nhằm giúp cho khâu quản lý trở nên chặt chẽ hơn.
Thực tế, việc triển khai phát hành ấn chỉ điện tử cũng là mong muốn từ lâu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều vụ in ấn chỉ giả bị phát hiện, không những gây thất thu mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của một số công ty bảo hiểm bị làm giả ấn chỉ.
Việc quản lý ấn chỉ giấy, theo phản ánh của các công ty bảo hiểm cũng rất khó khăn, nhất là các công ty bảo hiểm có hệ thống đại lý và cộng tác viên lớn. Một số công ty bảo hiểm đã từng bị vạ lây vì đại lý bảo hiểm sau khi được cấp các cuốn ấn chỉ, đã thông báo mất một vài cuốn nhưng vẫn bán sản phẩm tai nạn dân sự bắt buộc cho khách hàng lấy tiền bỏ túi riêng. Công ty bảo hiểm công bố những cuốn ấn chỉ đó đã mất nên không có giá trị sử dụng nhưng khách hàng không biết vẫn mua, nên khi có sự kiện bồi thường xảy ra chỉ có khách hàng là thiệt…
Chính vì vậy, không đợi đến khi cơ quan chức năng muốn đồng bộ hóa việc sử dụng ấn chỉ điện tử, một số công ty bảo hiểm đã tính tới phương án này, đặc biệt là đối với những công ty bảo hiểm có định hướng phát triển kênh bán hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, để triển khai hệ thống này thì chi phí đầu tư ít nhất cũng phải khoảng 2 triệu USD và thời gian từ lúc triển khai dự án tới lúc hoàn thiện phải mất từ 1 đến 2 năm, từ khâu lên mời thầu, chấm thầu, chọn thầu, phân tích khoảng cách, chỉnh sửa phần mềm, thiết lập hệ thống, huấn luyện và triển khai thực hiện.
Bên cạnh vấn đề về vốn đầu tư, các công ty bảo hiểm lớn còn gặp trở ngại trong việc khó để có được sự đồng thuận và hợp tác từ tất cả các cán bộ quản lý có liên quan, trong việc thay đổi và đồng bộ hóa những quy trình, quy định theo các chuẩn mực quốc tế…. Do đó, nhiều công ty bảo hiểm lớn dù đã muốn làm từ lâu nhưng vẫn chưa tiến hành thực hiện ấn chỉ điện tử được.
Hiện tại, trên thị trường bảo hiểm cũng đã có vài công ty bảo hiểm đưa ứng dụng ấn chỉ điện tử vào việc bán bảo hiểm, đặc biệt đối với hình thức bán bảo hiểm trực tuyến và qua điện thoại, có thể kể ra như bảo hiểm Liberrty, bảo hiểm BIC. Đây cũng là hai công ty có hệ thống bán bảo hiểm trực tuyến được đầu tư khá bài bản và đồng nhất ngay từ ban đầu.
Đại diện công ty bảo hiểm Liberty cho biết, công ty đã áp dụng ấn chỉ điện tử từ vài năm nay đối với hình thức bán bảo hiểm trực tuyến và qua điện thoại. Ngay cả khi mua bảo hiểm từ nhân viên kinh doanh hay đại lý, thì khách hàng của bảo hiểm Liberty cũng chỉ nhận giấy chứng nhận bảo hiểm với chữ ký và con dấu điện tử. Vì thế, việc nhận giấy chứng nhận bảo hiểm qua email hay bản in thì cũng có giá trị pháp lý như nhau.
Được biết bảo hiểm BIC đang sử dụng ấn chỉ điện cho tất cả các sản phẩm bảo hiểm đang bán qua kênh trực tuyến. Bảo hiểm Bưu điện PTI cũng đã sử dụng hình thức giấy chứng nhận điện tử cho các khách hàng đăng ký mua sản phẩm bảo hiểm thông qua website bán hàng trực tuyến www.epti.vn như: bảo hiểm du lịch, bảo hiểm nhà tư nhân.
Giấy chứng nhận điện tử được nhìn nhận sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới bởi sự thuận tiện mà nó đem lại cho khách hàng. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty bảo hiểm, xu hướng này dù thiết thực cũng chưa thể thực hiện trong thời gian tới đây. Thậm chí, cả với một số công ty bảo hiểm phi nhân thọ đang triển khai kênh bán bảo hiểm trực tuyến cũng khó có thể áp dụng ấn chỉ điện tử cho các đơn bảo hiểm, bởi ngoài lý do phải có tiền để đầu tư, thì việc đồng bộ hóa toàn hệ thống cũng là điều vô cùng quan trọng trong quy trình này.