Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:
Đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp hữu ích, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội nói chung và đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế. Trong bối cảng đó, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; Phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, doanh nghiệp được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao, các doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa…
BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, hỗ trợ người lao động thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày, thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt, hoặc qua tài khoản cá nhân). Nếu trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.
Với sự vào cuộc quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đó, BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước tích cực triển khai thực hiện. Theo đó, cơ quan BHXH các địa phương đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch hoặc văn bản triển khai thực hiện các giải pháp trên. Đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để các chính sách hỗ trợ nhanh chóng đến với doanh nghiệp, người lao động, BHXH Viêt Nam đã ban hàng Công văn số 1988/BHXH-TST hướng dẫn. BHXH các tỉnh, thành phố đều có văn bản gửi tới các đơn vị sử dụng lao động về thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Đến ngày 16/7/2021, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện xong chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ BHTNLĐ, BNN. Qua đó, giúp doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện chủ động khắc phục khó khăn, hỗ trợ người lao động phòng chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, BHXH các tỉnh, thành phố đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 11.238.437 lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào quỹ BHTNLĐ, BNN (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng.
TP.Hồ Chí Minh là địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng.
TP.Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động; tổng số tiền hỗ trợ trên 640 tỷ đồng. Tiếp theo Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng cao.
Theo BHXH Việt Nam, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, BHXH các địa phương đã rất chủ động thực hiện nhiều giải pháp hữu ích.
Điển hình như, BHXH TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 01 ngày làm việc với các thủ tục: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; đồng thời, tổ chức làm việc ngoài giờ hành xử lý hồ sơ được nhanh chóng.
BHXH TP. Hà Nội đã thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, BHXH TP.Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện nêu cao trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian tối đa để người lao động, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ nhanh nhất.
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, BHXH Đồng Nai cũng đã tích cực phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai trên địa bàn; Đồng thời, BHXH Đồng Nai đã thành lập Ban chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn; gửi thông báo và ban hành quyết định giảm đóng vào quỹ BHTNLĐ, BNN đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn với tổng số tiền hỗ trợ hơn 330 tỷ đồng.
Hiện nay, BHXH các tỉnh, thành phố đã hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giải quyết chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo thẩm quyền và xác nhận các danh sách: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người lao động ngừng việc; Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo quy định...
Với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19.