Quản lý, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Hà Tĩnh


Thực tế cho thấy, loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo người dân tham gia. Bài viết nghiên cứu tình hình quản lý phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Hà Tĩnh những năm qua, từ đó gợi ý một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại bảo hiểm xã hội Hà Tĩnh.

Đặt vấn đề

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/01/2008, đây là một trong những chính sách an sinh xã hội có nhiều ưu việt và mang lại ý nghĩa quan trọng đối với người dân, chính sách BHXH mở ra cơ hội cho nhân dân lao động tự do được hưởng chế độ về lương hưu, tử tuất, bảo hiểm y tế, góp phần bảo đảm cuộc sống của người dân khi về già. BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận và quỹ BHXH tự nguyện được Nhà nước bảo hộ.

Thống kê đến hết năm 2020, Hà Tĩnh có số người tham gia BHXH bắt buộc là 84.622 người, 28.197 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2015 và 2,23 lần so với năm 2019 (bình quân cả nước là 1,8 lần), tuy nhiên tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện hàng năm còn ở mức thấp.

Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH (bao gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện) mới chỉ đạt 15,4%. Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW, BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Thực trạng quản lý, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Hà Tĩnh

Kết quả tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Trong 4 năm (2014-2020), thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 11/3/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng mạnh. Cụ thể, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt 28.197 người, tăng 2,23 lần năm 2019 và tăng 20.361 người so với năm 2017. Mặc dù năm 2020, kết quả phát triển BHXH tự nguyện của Hà Tĩnh vượt 102% so với kế hoạch được BHXH Việt Nam giao, nhưng đến nay tỷ lệ này mới đạt 4,2% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Quản lý, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tại tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh 1

Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Hà Tĩnh đều vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao hàng năm, cơ bản các đơn vị BHXH cấp huyện trực thuộc BHXH tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện được giao, các đơn vị thuộc khu vực thành thị có tốc độ phát triển nhanh hơn.

Hằng năm, BHXH tỉnh Hà Tĩnh xác định đối tượng trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng vận động tham gia BHXH tự nguyện, trên cơ sở đó làm căn cứ để giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng BHXH cấp huyện trực thuộc.

Năm 2020 có 694.050 người từ 15 tuổi trở lên đang làm việc, trong đó có 84.617 người đã tham gia BHXH bắt buộc, như vậy đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện là rất lớn, đây là một lợi thế  để BHXH tỉnh Hà Tĩnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Công tác quản lý, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thứ nhất, về bộ máy quản lý phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Bộ máy quản lý tại BHXH tỉnh Hà Tĩnh được phân định rõ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, viên chức được đào tạo bài bản, 100% có trình độ từ đại học trở lên, có nhiều năm kinh nghiệm, vững chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực, tuy nhiên, biên chế còn ít; trong khi đó, khối lượng công việc nhiều, địa bàn rộng, do đó thiếu nhân sự để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, đảm bảo việc bao quát, kiểm tra quản lý phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ở BHXH huyện chưa phân công riêng viên chức quản lý phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mà đang kiêm nhiệm lĩnh vực BHXH bắt buộc.

Thứ hai, về kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh Hà Tĩnh đã chú trọng phân tích đầy đủ, sát đúng các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài, bên trong, bám sát kế hoạch được BHXH Việt Nam giao hàng năm để xây dựng kế hoạch của BHXH Tỉnh và giao kế hoạch cho các BHXH cấp huyện trực thuộc.

BHXH tỉnh Hà Tĩnh chưa hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chí để xây dựng kế hoạch như tỷ lệ đối tượng trong độ tuổi theo khu đã tham gia BHXH tự nguyện, bình quân số tiền tham gia trên 1 người... chưa huy động sự tham mưu của BHXH huyện trong việc lập kế hoạch.

Thứ ba, về tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhân viên thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Công tác truyền thông thực hiện đa dạng như: Ký kết chương trình phối hợp (năm 2020 ký kết với 15 đơn vị), tổ chức hội thi tuyên truyền, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng và chú trọng đối thoại trực tiếp với người lao động trong độ tham gia BHXH tự nguyện (năm 2020 tổ chức 435 cuộc tuyên truyền, đối thoại); toàn Tỉnh hiện có 1.054 cộng tác viên tuyên truyền tại xã, phường, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao.

Từ năm 2019, BHXH Hà Tĩnh tiến hành giao kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện hàng năm, tuy nhiên chưa tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống tiêu chí, định mức phục vụ cho lập kế hoạch và mới chỉ thực hiện với một số đại lý: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Bưu điện Tỉnh… và còn mang tính tượng trưng, chưa có chế tài trong trường hợp các đại lý không hoàn thành kế hoạch được giao và chưa có cơ chế thù lao lũy tiến để khuyến khích đại lý.

Thứ tư, về kiểm soát quản lý phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. BHXH Hà Tĩnh chú trọng kiểm soát công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhất là kiểm soát thường xuyên; Thông qua kiểm soát để thường xuyên đôn đốc các đơn vị BHXH cấp huyện trực thuộc, các đại lý bám sát kế hoạch được giao để thực hiện bảo đảm tiến độ và hoàn thành vào cuối năm.

Số đơn vị BHXH cấp huyện và các đại lý thu hàng năm được kiểm tra chưa nhiều, còn chiếm tỷ lệ thấp. Công tác kiểm soát thực hiện kế hoạch chưa tốt, số cuộc kiểm tra định kỳ, đột xuất còn quá ít. Việc gửi tin nhắn chủ động đến số điện thoại của người tham gia BHXH tự nguyện để người tham gia cùng kiểm soát số tiền đóng cũng như quá trình tham gia BHXH tự nguyện của họ chưa được tốt và đầy đủ.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
tại Hà Tĩnh

Hoàn thiện bộ máy quản lý đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

- Bổ sung nhân lực cho phòng Khai thác và Thu nợ, phòng Thanh tra - Kiểm tra, bố trí nhân lực chuyên trách thực hiện quản lý phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại BHXH cấp huyện trực thuộc; Đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền, năng lực quản lý; Xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, bảo đảm điều kiện làm việc; Tăng cường trang thiết bị cho công tác truyền thông.

- Đề xuất BHXH Việt Nam cắt giảm các điều kiện để mở rộng hệ thống đại lý đến các thôn, xóm; Tổ chức đào tạo, tập huấn, cấp chứng chỉ đại lý để nhân viên các đại lý có cơ sở pháp lý trong hoạt động, Phối hợp tốt với UBND cấp xã trong việc lựa chọn, giới thiệu các nhân viên đại lý có năng lực, có chế độ thưởng, phạt tương xứng để phát huy năng lực đội ngũ đại lý.

Hoàn thiện lập kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

- Ban hành các quy định, hệ thống định mức, tiêu chí, quy trình xây dựng và giao kế hoạch, quy định thời gian lập kế hoạch để bảo đảm tính pháp lý, sự chủ động đảm bảo sát đúng thực tế với nguồn lực của đơn vị được giao kế hoạch. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của BHXH cấp huyện.

- Lập kế hoạch theo từng giai đoạn thời gian 3 năm, 5 năm trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cho từng năm, trong quá trình tổ chức thực hiện có điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp.

Hoàn thiện tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Để truyền thông đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện của Nhà nước, tính ưu việt, quyền lợi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước tới các đối tượng tham gia, trong thời gian tới, BHXH tỉnh Hà Tĩnh cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

- Phân tích, lựa chọn đúng nhóm đối tượng có khả năng và nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện để tổ chức tuyên truyền, vận động hướng dẫn họ lập hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện; Tăng cường tư vấn, đối thoại trực tiếp đối với người có khả năng tham gia BHXH tự nguyện cao.

- Phối hợp với đài truyền hình xây dựng các chương trình về BHXH tự nguyện; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện, thi tuyên truyền viên giỏi, viết bài, ảnh về BHXH  tự nguyện trên mạng xã hội; Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hệ thống phát thanh phường xã … để truyền thông về BHXH tự nguyện.

- Xây dựng cơ chế tài chính về chi thù lao đối với các đại lý theo hướng thù lao lũy tiến với doanh thu thay thế cách tính thù lao cố định; Phát triển đội ngũ  nhân viên đại lý là một tuyên truyền viên am hiểu, trực tiếp bám sát người dân để truyền thông, hướng dẫn kê khai hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.

- Phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán điện tử song phương, hỗ trợ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chuyển nộp tiền tự động qua điện thoại thông minh.

Hoàn thiện kiểm soát phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

Trong thời gian tới, công tác kiểm soát cần tập trung hoàn thiện theo các nội dung sau:

- Tăng cường nhân lực cho công tác kiểm soát, bố trí bộ phận chuyên trách công tác kiểm soát thường xuyên thông qua báo cáo định kỳ, đột xuất, dữ liệu quản lý tập trung để đánh giá, phân tích một cách toàn diện để tham mưu quyết định quản lý cho lãnh đạo.

- Tăng cường giám sát thường xuyên thông qua gửi tin nhắn, thực hiện in thông báo quá trình tham gia BHXH tự nguyện chuyển phát đến người tham gia BHXH tự nguyện để họ theo dõi, giám sát quá trình đã tham gia BHXH tự nguyện.

- Tăng cường kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị BHXH cấp huyện, các đại lý về: Quy trình thực hiện nghiệp vụ, quản lý và sử dụng biên lai thu tiền BHXH tự nguyện… nhằm chấn chỉnh, những tồn tại, hạn chế trong quản lý, phát triển đối tượng tham gia BHXH ở cấp huyện trực thuộc và các đại lý thu BHXH tự nguyện...           

Tài liệu tham khảo:

1.Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh (2017, 2018, 2019, 2020), Báo cáo thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;    

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh (2017, 2018, 2019, 2020), Quyết định giao dự toán thu chi Hoàng Bích Hồng (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Tạp chí Tài chính.

(*) ThS. Lê Thị Thu Hoài, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Hà Tĩnh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 5/2021.