Hải quan Quảng Ninh:
Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Năm 2021, tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành “mục tiêu kép”, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện và mang đến kết quả khả quan; trong đó có đóng góp tích cực từ Cục Hải quan Quảng Ninh
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, triển khai chỉ đạo của các cấp, nhất là Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 131/CTr-UBND ngày 02/7/2021 của UBND tỉnh… Cục Hải quan tỉnh đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, năm 2021, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành rà soát, đánh giá để đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với 02 thủ tục hành chính và rà soát để kiến nghị việc công bố đối với 03 thủ tục hành chính (kiến nghị bãi bỏ) nhằm rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện TTHC, giảm chi phí tuân thủ TTHC, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK.
Chủ động rà soát và kiến nghị cắt giảm, thống nhất đầu mối quản lý, thay đổi phương thức kiểm tra đối với 03 nhóm mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra, quản lý chuyên ngành (quạt điện; tủ lạnh, tủ kết đông; máy in).
Tích cực trong xây dựng Chính phủ điện tử, bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về xây dựng Đề án tái thiết kế Hệ thống công nghệ thông tin, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tham gia xây dựng mô hình hải quan thông minh, đảm bảo các nội dung, bài toán nghiệp vụ được phân công đối với các lĩnh vực được giao chủ trì (lĩnh vực điều tra chống buôn lậu) và phối hợp thực hiện (lĩnh vực giám sát quản lý).
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hải quan, trong năm 2021, Hải quan Quảng Ninh đã triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia với 226 thủ tục của 13 Bộ, Ngành và một cửa ASEAN theo đúng lộ trình của Tổng cục Hải quan, giúp giảm thời gian và chi phí trong việc nộp/xuất trình hồ sơ của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bên có liên quan; Hệ thống miễn, giảm, hoàn, không thu thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa điện tử (hệ thống MGH) giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện rà soát triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Áp dụng hiệu quả seal định vị điện tử GPS phục vụ công tác giám sát hải quan.
Đặc biệt, đã chủ động nghiên cứu xây dựng phần mềm “Quản lý hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới theo các quy định của Thông tư số 80/2019/TT-BTC ngày 15/11/20219 của Bộ Tài chính”; “Quản trị và điều hành của lãnh đạo các cấp trên nền tảng đám mây nội bộ” đáp ứng yêu cầu công tác. Kết quả, số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành được trả kết quả trên hệ thống một cửa quốc gia là 2.206 tờ khai; tổng số C/O form D được cung cấp qua hệ thống một cửa ASEAN là 430 C/O; tổng số doanh nghiệp tham gia là 471 doanh nghiệp, tiếp nhận và xử lý 3.531 hồ sơ, với tổng số 22 thủ tục trên DVCTT HQ36a; 3.840 lượt phương tiện được làm thủ tục XC, NC trên hệ thống Emainifest.
Kết quả đo thời gian giải phóng hàng năm 2021 cho thấy, thời gian thông quan đối với hàng nhập khẩu đạt 4 giờ 48 phút 13 giây, tăng 00:02:19 tương ứng 0,8% so với năm 2020 (04:45:54); giảm 06:58:47 tương ứng 59,23% so với chỉ tiêu tại kế hoạch 32/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh (11:47:00). Hàng xuất khẩu đạt 01 giờ 27 phút 08 giây, giảm 00:05:54 tương ứng 6,3% so với năm 2020 (01:33:02); giảm 01:20:00 tương ứng 47,9% so với chỉ tiêu tại Kế hoạch 32/KH-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh (02:47:00).
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục có những ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, Cục Hải tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng công tác nắm bắt thông tin, tiên phong đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp với những hành động cụ thể, hiệu quả.
Cụ thể, tăng cường ký kết thỏa thuận hợp tác Hải quan – Doanh nghiệp với các doanh nghiệp làm thủ tục qua địa bàn; Thành lập Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan tại cấp Cục và cấp Chi cục; duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; Tổ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, thủ tục hải quan và đồng hành cùng doanh nghiệp; Tổ tư vấn Hải quan – Doanh nghiệp; Tổ giải quyết vướng mắc thuộc lĩnh vực nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, Cục Hải quan tỉnh đã Tổ chức 05 hội nghị đối thoại cấp Cục, 15 hội nghị đối thoại cấp Chi cục; thành lập 136 đoàn công tác trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc làm việc với 225 doanh nghiệp; tiếp nhận giải quyết 245 vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền. Qua đó, kịp thời nắm bắt, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động XNK, thu hút doanh nghiệp mới về làm thủ tục hải quan qua địa bàn.
Cụ thể: Chủ động tham mưu, đề xuất với Tỉnh 10 nhóm vấn đề, giải pháp để phát triển hạ tầng tại các khu công nghiệp, tại các cửa khẩu cảng biển, cửa khẩu biên giới đường bộ, thu hút hãng tàu, doanh nghiệp tham gia hoạt động XNK về làm thủ tục hải quan trên địa bàn.
Báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan giải quyết trên 30 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu.
Trao đổi 38 vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban ngành thuộc các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, cảng biển, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động thương mại, giao thương hàng hóa trên địa bàn.
Rà soát, đánh giá công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thống nhất các giải pháp tăng cường công tác phối hợp quản lý, thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục qua cảng Hòn Gai; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách triển khai cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…
Thiết thực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, năm 2021, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh duy trì triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp cơ sở (CDCI) của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh nhằm thúc đấy sự cạnh tranh, thi đua nâng cao hiệu quả chất lượng quản lý điều hành, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp của 06 Chi cục Hải quan.
Tỷ lệ phản hồi phiếu khảo sát CDCI của Cục Hải quan tỉnh năm 2021 đạt 60,67%, đây là kết quả rất tốt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình hoạt động XNK của các doanh nghiệp, thể hiện sự quan tâm và tín nhiệm của khối doanh nghiệp đối với nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ và công tác hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong và sau dịch của Cục Hải quan tỉnh.
Kết quả, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời qua hình thức khảo sát trực tuyến chiếm 96,02% cho thấy doanh nghiệp đã ngày càng ủng hộ cơ quan hải quan trong những cách làm mới, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính hải quan đã góp phần tích cực tạo môi trường XNK thông thoáng, thu hút doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan qua địa bàn. Đã thu hút 1.322 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua địa bàn (385 doanh nghiệp trong tỉnh, 937 doanh nghiệp ngoài tỉnh), tăng 6,9% so với năm 2020.
Thực hiện thủ tục hải quan qua Hệ thống VNACCS/VCIS cho 91.000 tờ khai với tổng kim ngạch các loại hình là 12.280 triệu USD, tăng 34% về tờ khai và tăng 36% về kim ngạch so với năm 2020. Giải quyết thủ tục XNC cho 114.632 lượt phương tiện (XC 53.282 lượt, NC 61.350) tăng 53% so với năm 2020 và 171.045 lượt hành khách XNC (XC 85.540 lượt, NC 85.505 lượt), giảm 83% so với năm 2020. Trong đó, đặc biệt phải kể đến 103 chuyến bay hạ cánh tại Sân bay Vân Đồn với 19.318 lượt hành khách, 23.937 kiện hành lý, hơn 80% trong số này là các chuyến bay “giải cứu” đều được giải quyết thủ tục đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh hết sức phức tạp.
Hiệu quả cải cách hành chính mạnh mẽ của Hải quan Quảng Ninh đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. 3 năm liên tiếp 2017, 2018, 2019 Cục Hải quan Quảng Ninh đứng đầu khối sở, ban, ngành trên bảng xếp hạng DDCI tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Năm 2020, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đã dẫn đầu các tỉnh, thành phố đồng thời cả 4 chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Năm thứ 4 liên tiếp giữ vị trí dẫn đầu Chỉ số PCI, PAR index; năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; năm đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu chỉ số PAPI và năm thứ 2 liên tiếp giữ vị trí thứ 3 toàn quốc về chỉ số ICT Index.