Động lực cho tăng trưởng kinh tế 2021

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Động lực tăng trưởng chính năm 2021 đến từ cả ba khu vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và một số lĩnh vực dịch vụ cũng như đến từ cỗ xe tam mã.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nghiên cứu về Động lực và kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021.

Ba kịch bản tăng trưởng

Theo đó, các chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 cả về phía tổng cung và tổng cầu theo 3 kịch bản.

Trong đó, động lực tăng trưởng chính đến từ cả ba khu vực nông-lâm-thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo và một số lĩnh vực dịch vụ cũng như đến từ cỗ xe tam mã gồm xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.

Ở kịch bản thứ nhất, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 6,5-7%. Tại kịch bản cơ sở này dịch bệnh tiếp tục được khống chế, môi trường kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng xanh, bền vững hơn trên nền tảng đổi mới sáng tạo, quá trình cơ cấu lại được thúc đẩy triển khai, thu hút vốn đầu tư (cả trong và ngoài nước) hồi phục tạo cơ sở để nền kinh tế tăng trưởng tích cực.

Với kịch bản tích cực, tại Việt Nam, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt; kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được nhanh chóng ban hành và triển khai; quá trình cơ cấu lại, chuyển đổi số được thúc đẩy; thu hút đầu tư trong và ngoài nước hồi phục...v.v. Khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 7,5-8%.

Với kịch bản tiêu cực, tới cuối năm 2021 dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát một phần, vắc xin chậm đưa vào tiêm chủng, quá trình phục hồi tại các nước khó khăn, hoạt động thương mại và đầu tư toàn cầu chỉ phục hồi nhẹ.

Tại Việt Nam, dịch bệnh mặc dù được khống chế, các chính sách sách hỗ trợ doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng 4-4,5%.

Theo hướng tổng cầu, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể đạt 6,5-7% với động lực từ cả xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trong đó, xuất khẩu dự kiến đóng góp 0,39 điểm % trong mức tăng trưởng chung của Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ đóng góp 2,41 điểm % trong mức tăng trưởng chung. Trong khi đó, tiêu dùng dự kiến đóng góp 0,53 điểm % trong mức tăng trưởng chung.

Ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 có thể đạt 7,5-8% với các động lực chính là xuất khẩu (tăng 10-12%), vốn đầu tư (tăng 5-6%), tiêu dùng (tăng 10-11%) và chi tiêu của chính phủ (tăng 2-2,5%).

Ở kịch bản tiêu cực, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 chỉ đạt 4-4,5% với xuất khẩu chỉ tăng 4-5%, vốn đầu tư tăng 4,5-5% và tiêu dùng tăng 2-3% và chi tiêu của Chính phủ chỉ tăng 1-2%. 

Chín nhóm khuyến nghị 

Nhóm tác giả đánh giá, trong trung và dài hạn, các động lực tăng trưởng chính sẽ ngày càng được củng cố nhờ quá trình chuyển đổi số, đầu tư phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của nền kinh tế. 

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ nhằm cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa.
Công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ nhằm cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa.

Do đó, 9 nhóm khuyến nghị được đưa ra. Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút và sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng. Trong đó, thực thi hiệu quả nhằm tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới. Thực thi hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 50 (2019) của Bộ Chính trị về định hướng, sàng lọc thu hút FDI đến năm 2030.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thể chế theo các cam kết hội nhập. Thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác (cả thương mại và đầu tư) nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường hay đối tác.

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài. 

Thứ tư, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế và khai thác thị trường nội địa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi (giảm thuế, phí…) để phát triển sản xuất và thương mại trong nước nhằm thúc đẩy thị trường nội địa.

Thứ năm, không sớm rút lại các gói hỗ trợ hiện tại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắc xin tại Việt Nam. Theo đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện ban hành các chính sách, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ; rà soát, mở rộng và kéo dài các gói hỗ trợ (nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động mạnh như du lịch, hàng không…) để giúp doanh nghiệp vượt khó, cũng là nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế và nguồn thu ngân sách lâu dài. 

Thứ sáu, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế tạo đột phá thực sự trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, cần hoàn thiện thể chế, ưu tiên thể chế, chính sách phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các mô hình kinh doanh mới và cơ sở dữ liệu quốc gia…

Thứ bảy, phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, lan tỏa nhất là Hà Nội và TP HCM… từ đó tạo động lực, lan tỏa thúc đẩy tăng trưởng của các địa phương khác. Bên cạnh đó, cũng cần phát huy nội lực của các địa bàn động lực có nhiều tiềm năng tăng trưởng như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai…

Thứ tám, xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích phục hồi, tăng trưởng xanh nhằm tăng trưởng bền vững hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu, mà theo đánh giá của WB là có thể gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 5-8% GDP/năm.

Cuối cùng, coi tăng năng suất là chìa khóa phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, các Bộ, ngành, địa phương cần sớm triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo như tinh thần của Nghị quyết 01, 02 và Quyết định 36 (ngày 11/1/2021) của Chính phủ về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021–2030.