Động lực mới cho kinh tế tập thể
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), là hướng đi đúng đắn và nhất quán. Thực tế cũng cho thấy, KTTT đã và đang phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, cần có thêm động lực mới.
Chuyển biến cả “lượng” và “chất”
Với sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy Kon Tum, HĐND-UBND tỉnh Kon Tum trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX của Nhà nước trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng KHKT và công nghệ mới, hỗ trợ tiếp cận vốn…, KTTT đã có những chuyển biến rõ nét cả về số lượng và chất lượng.
Số liệu thống kê từ Liên minh HTX tỉnh Kon Tum cho thấy, dù gặp rất nhiều khó khăn, khiến một số HTX phải ngưng hoạt động, thậm chí giải thể, nhưng đến nay, toàn tỉnh vẫn có 190 HTX và liên hiệp HTX, tăng 46 HTX so với năm 2021, đạt 120% kế hoạch năm.
Trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm ưu thế áp đảo, với hơn 71%, tương ứng 135 HTX. Các HTX, liên hiệp HTX đã thu hút được 9.698 thành viên và người lao động, đạt 103,5% kế hoạch năm (9.538 thành viên).
Về THT, hiện toàn tỉnh có 205 THT, trong đó có 145 THT có đăng ký hoạt động với chính quyền xã/phường/thị trấn, thu hút được 2.150 thành viên, đạt 102,3% kế hoạch năm
Số lượng HTX, THT tăng cho thấy nhận thức của người dân về làm ăn hợp tác ngày càng được nâng lên. Thấy rõ những lợi ích của việc hợp tác sản xuất so với làm ăn cá thể, nhỏ lẻ, người dân đã chủ động tham gia.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, không chỉ phát triển về số lượng, khu vực KTTT, nòng cốt là HTX, THT đã có sự phát triển về chất lượng, từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài. Đã xuất hiện một số mô hình có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ thành viên; tạo được niềm tin vào triển vọng phát triển của HTX.
Doanh thu trung bình của các THT khoảng 187 triệu đồng/THT/năm, đạt 98,9% kế hoạch; lợi nhuận trung bình 39 triệu đồng/THT/năm, đạt 95% kế hoạch, thu nhập bình quân của thành viên 20 triệu đồng/người/năm.
Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX trên tất cả các lĩnh vực đạt 273 tỷ đồng; bình quân nguồn vốn hoạt động của 01 HTX là 1,7 tỷ đồng. Ước doanh thu bình quân năm 2021 của HTX là 1,5 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân khoảng 270 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX là 47 triệu đồng/người.
Đặc biệt, có trên 60% số HTX nông nghiệp đã có tích luỹ vốn và thực hiện tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Các HTX này có tốc độ phát triển ổn định, bền vững, từng bước thể hiện trên thực tế có nhiều mô hình HTX kiểu mới như: HTX Sáu Nhung, HTX Thần Nông, HTX Hợp Thành, HTX rau, hoa và du lịch Thanh Niên, HTX Công bằng Pô Kô…
Về trình độ cán bộ quản lý HTX, THT, kết quả khảo sát gần đây cho thấy đã có sự chuyển biến rõ rệt. Trong tổng số 327 cán bộ quản lý HTX, liên hiệp HTX hiện có, trình độ cao đẳng trở lên là 98 người; còn lại là có trình độ trung cấp, sơ cấp.
Động lực mới cho KTTT
Có thể khẳng định, KTTT là khu vực có đóng góp quan trọng trong giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân; tham gia đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị hiệu quả, ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn không ít hạn chế, bất cập, như: Mức độ tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ còn hạn chế; chất lượng đội ngũ cán bộ ở một số HTX chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số HTX thụ động, chậm đổi mới; năng lực nội tại còn yếu; lúng túng trong xác định phương án sản xuất kinh doanh, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của địa phương…
Vì vậy, với những biện pháp cụ thể, Kế hoạch số 3069/KH-UBND ngày 27/8 của UBND tỉnh về phát triển KTTT năm 2022 được kỳ vọng sẽ đem lại động lực mới, thúc đẩy KTTT phát triển như kỳ vọng.
Theo đó, UBND tỉnh xác định tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, vai trò quản lý nhà nước trong đổi mới, phát triển KTTT nhanh, hiệu quả và bền vững; đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, hỗ trợ bồi dưỡng đào tạo, xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, đầu tư kết cấu hạ tầng...
Ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, với sản phẩm chủ lực của địa phương, chương trình OCOP... Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các THT, HTX với nhau và giữa THT, HTX với các thành phần kinh tế khác; phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ.
Tất nhiên, về phía HTX, THT và các thành viên, để không bị tụt hậu và rời khỏi "cuộc chơi", cũng cần từng bước đổi mới, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; tăng cường liên kết “trong” và “ngoài” để mở rộng chuỗi giá trị và thị trường…
Theo Kế hoạch số 3069/KH-UBND, trong năm 2022, tỉnh Kon Tum phấn đấu thành lập mới từ 30 HTX, 01 liên hiệp HTX và 20 THT trở lên, thu hút 9.950 thành viên HTX, 2.300 thành viên THT. Doanh thu bình quân khoảng 2.650 triệu đồng/HTX, 192 triệu đồng/THT.
Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 50 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của thành viên THT khoảng 25 triệu đồng/người/năm.