Động lực mới cho kinh tế tư nhân phát triển
Chính phủ kiến tạo là chính phủ không làm thay người dân và doanh nghiệp, mà tạo môi trường và khuyến khích huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người dân để phát triển nền kinh tế. Chính vì vậy, đích cuối cùng để kinh tế tư nhân đảm nhận đúng vai trò, phát huy được nội lực và tiềm năng sẵn có là “xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”.
Kết quả hoạt động và đóng góp của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế
Trong những năm qua, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực này đã tăng từ 55.237 doanh nghiệp tại thời điểm năm 2002 lên 388.232 doanh nghiệp năm 2014 với tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp bình quân giai đoạn này khoảng 18%/năm.
Tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã tăng 47 lần, từ mức 202.396 tỷ đồng năm 2002 lên 9.613.800 tỷ đồng năm 2014 với tốc độ tăng bình quân khoảng 39%.
Kinh tế tư nhân ngày càng đóng góp lớn trong huy động nguồn lực xã hội cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ đóng góp của kinh tế tư nhân trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ổn định ở mức khoảng 39 - 40% GDP.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2003 - 2015 là 10,2%. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cũng là khu vực thu hút đa số lực lượng lao động trong nền kinh tế, chiếm khoảng 85% lao động đang làm việc trong nền kinh tế.
Tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) giai đoạn 2005 - 2015 khoảng 29%. Tỷ trọng nguồn vốn của khu vực tư nhân trong cơ cấu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội liên tục tăng từ 25,3% năm 2000 lên 36,1% năm 2010 và 39% năm 2016.
Kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và hoạt động ngày càng đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, phạm vi bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước. Giai đoạn 2002 - 2015, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực thương mại, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ (39% - 41%) và phân bổ chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và các đô thị.
Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình có khoảng 80.000 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó năm 2016 được ghi nhận là năm đầu tiên trong lịch sử số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Năm 2016 các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở hầu hết các lĩnh vực đều tăng so với năm 2015, trong đó một số ngành tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký kinh doanh như: Kinh doanh bất động sản với các mức tăng lần lượt là 83,9% và 234,2%; Thông tin và truyền thông tăng lần lượt là 9,7% và 128,1%; Tài chính ngân hàng và bảo hiểm tăng lần lượt là 26,7% và 87,4%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lần lượt là 18,9% và 60,4%; hoạt động dịch vụ khác tăng lần lượt là 35,3% và 87,7%...
Những khởi sắc này là do hiệu ứng chính sách từ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng như chủ trương khuyến khích thành lập doanh nghiệp đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và sâu rộng trong xã hội.
Trong 15 năm qua, kinh tế tư nhân đã từng bước thể hiện vai trò của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những đóng góp trong GDP, NSNN, các doanh nghiệp thuộc khu vực này còn góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Chặng đường 15 năm phát triển đã bước đầu hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô, tiềm lực và có khả năng cạnh tranh trong một số lĩnh vực ở cả trong nước và quốc tế.
Phát triển kinh tế tư nhân vẫn chưa đáp ứng được vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế
Nhìn nhận thực trạng phát triển của kinh tế tư nhân trong 15 năm qua, Đảng ta nhận định rằng “kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân).
Kinh tế tư nhân chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình và cá thể, chiếm đến 95% tổng số chủ thể kinh tế tư nhân. Số lượng doanh nghiệp của khu vực này gia tăng hằng năm nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trên 90% doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 01 tỷ đồng.
Phần lớn các doanh nghiệp thuộc khu vực này sử dụng công nghệ lạc hậu, đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 3% doanh thu, hoạt động nghiên cứu phát triển mới chỉ dừng ở cấp độ công ty (47% doanh nghiệp thực hiện) và thị trường nội địa (39% doanh nghiệp thực hiện).
Mặc dù kinh tế tư nhân hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành nghề, nhưng cơ cấu ngành nghề còn chưa hợp lý. Doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân tập trung phần lớn trong các ngành nghề như thương mại và dịch vụ nhỏ, lẻ phục vụ người tiêu dùng (81%); phần còn lại khoảng 19% trong các lĩnh vực công nghiệp và xây dựng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất tập trung chủ yếu ở khâu gia công lắp ráp, mang lại giá trị gia tăng thấp, doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn ít. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc khu vực này tham gia liên kết với các doanh nghiệp FDI cũng như chuỗi liên kết sản xuất còn rất khiêm tốn.
Theo thống kê chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) trong khi với Malaysia, Thái Lan thì tỷ lệ này là gần 60%; và cũng chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia nên việc hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất là rất thấp.
Bên cạnh đó, mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp tư nhân chưa cao, chưa tuyệt đối tuân thủ các quy định về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kế toán, thuế... Vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp tư nhân gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, làm hàng giả hàng nhái.... làm suy giảm lòng tin của xã hội.
Tình trạng các cơ sở sản xuất kinh doanh của tư nhân chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn trong sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường còn phổ biến do đa số các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ lạc hậu, tốn nhiều năng lượng, lượng khí thải nhiều trong khi hệ thống xử lý chưa đạt chuẩn.
Xác định bốn nguyên nhân trọng yếu
Báo cáo tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” đã có những đánh giá sâu sắc về những đóng góp của kinh tế tư nhân, đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của chặng đường 15 năm phát triển nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của kinh tế tư nhân.
Trong 15 năm qua, kinh tế thế giới lần lượt đối mặt với các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; khủng hoảng nợ công châu Âu dẫn đến tăng trưởng suy giảm ở hầu hết các nước trên thế giới. Kinh tế trong nước cũng không nằm ngoài vòng xoáy tăng trưởng thấp, phục hồi chậm và kém bền vững của kinh tế thế giới.
Nhiều yếu tố gây mất ổn định cho nền kinh tế như lạm phát, lãi suất cao, tỷ giá biến động mạnh, bội chi NSNN và nợ công lớn, thị trường chứng khoán và bất động sản sụt giảm mạnh... đã tác động không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân. Tỷ lệ doanh nghiệp thuộc kinh tế tư nhân giải thể, phá sản, tạm ngừng hoạt động trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới ở mức cao, trung bình trên 70%.
Hơn nữa, kinh tế tư nhân Việt Nam có xuất phát điểm và năng lực nội tại thấp, thời gian phát triển kinh tế tư nhân còn rất ngắn so với các nước tư bản nên quá trình tập trung, tích lũy vốn, tài sản và kinh nghiệm còn yếu.
Kinh tế tư nhân tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể có năng lực tài chính cũng như khả năng cạnh tranh yếu; các doanh nghiệp lớn phát triển chủ yếu dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, tài nguyên và “quan hệ thân hữu”; công nghệ sản xuất kinh doanh còn lạc hậu; khả năng liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế… Những hạn chế tự thân này đã tạo ra những rào cản trong phát triển, cạnh tranh và hội nhập của kinh tế tư nhân.
Bên cạnh những nguyên nhân từ môi trường kinh tế, từ nội tại doanh nghiệp, về phía quản lý nhà nước cũng có những hạn chế nhất định. Giữa lý luận và thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn có khoảng cách. Do đó, khuôn khổ pháp lý và các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển chưa thật đồng bộ và còn nhiều bất cập, chưa tạo được bước đột phá về chính sách trong phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, tính thống nhất trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (chủ yếu thuộc kinh tế tư nhân) chưa cao, nguồn lực triển khai còn hạn chế, sự minh bạch và công bằng giữa các thành phần kinh tế còn hạn chế. Cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn dàn trải, thiếu trọng tâm, thường chỉ là một cấu phần nhỏ trong các chính sách chung của cả nước.
Một nguyên nhân nữa là do Nhà nước chưa tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong tương quan so sánh giữa các thành phần kinh tế.
Các quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, quyền tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh giữa các thành phần kinh tế còn hạn chế.
Ngoài ra, chi phí trung gian, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại và theo xu hướng gia tăng đã và đang góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu an toàn, thiếu minh bạch, làm giảm niềm tin cũng như động lực kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới
Quan điểm “Xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển” được nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Trên cơ sở đó, Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)” đã xác định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta”.
Trên cơ sở nhận thức lại vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tư nhân với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các định hướng phát triển kinh tế tư nhân theo hướng khắc phục dần những hạn chế, cải thiện năng lực của doanh nghiệp, tận dụng lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0, do đó Đảng và Nhà nước đã xác định 04 định hướng sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm;
Thứ hai, thúc đẩy mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể và các doanh nghiệp có vốn ĐTNN nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại;
Thứ ba, tạo thuận lợi để các hộ gia đình và cá nhân tự nguyện liên kết hình thành doanh nghiệp hoặc các hình thức tổ chức hợp tác khác;
Thứ tư, khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trên nền tảng 04 định hướng nêu trên, những nhóm giải pháp lớn cần được thiết lập như:
(i) Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân thông qua việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường; mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực về đất đai, về vốn, về thị trường;
(ii) Tập trung hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới, sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; thúc đẩy hình thành và phát triển các khu công nghệ cao, các vườn ươm công nghệ cao và các doanh nghiệp khoa học công nghệ...;
(iii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển...
Để tránh tạo khoảng cách giữa chính sách và thực thi, đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển như kỳ vọng, Nghị quyết Trung ương 5 “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” đã thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời đề ra được những nhóm giải pháp cụ thể để kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới.
Nghị quyết này đã đánh dấu mốc quan trọng trong tư tưởng, đường lối phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lời nói và hành động, tạo niềm tin cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Mượn lời chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thay lời kết “có một câu nói đã thành thuật ngữ là từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau là một khoảng cách rất xa nhưng từ lời nói đến hành động còn là khoảng cách xa hơn thế để nói về hạn chế trong thực thi chính sách. Nghị quyết Trung ương 5 đã cụ thể hóa các giải pháp trên cơ sở đúc kết thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân 15 năm qua. Như vậy đã tháo cởi thêm những vướng mắc đang phát sinh trong thực tiễn để đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng bộ với phát triển kinh tế tư nhân và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.
Nghị quyết Trung ương 5 chính là nền tảng để xóa bỏ mọi định kiến, rào cản để kinh tế tư nhân vươn cao và vươn xa.