Giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp: Bắt đầu từ năng lực phối hợp

Theo daibieunhandan.vn

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cả nước đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân chính thức, hầu hết là nhỏ bé và khó phát triển mà một trong những “rào cản” là do khoản chi phí đầu vào quá lớn. Do vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng, để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, một trong các biện pháp là cần tăng cường năng lực phối hợp giữa các bộ, ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chi phí không chính thức cao hơn thu nhập

Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính chung 7 tháng, cả nước có 73.000 doanh nghiệp thành lập mới; 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp thành lập mới còn nhiều khó khăn.

7 tháng có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, tăng 16,2% và trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 24,5% so với cùng kỳ 2016. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng.

Phân tích những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, hiện còn 5.719 thủ tục hành chính, giấy phép của các bộ, ngành khiến thời gian, chi phí thông quan hàng hóa “lớn”, gây khó cho doanh nghiệp.

Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh; Bộ Xây dựng ít nhất cũng lên tới 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh!

Mặt khác, theo VCCI, Việt Nam đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp tư nhân chính thức, hầu hết đều nhỏ bé và không thể lớn.

Một nghiên cứu tập trung trong ngành chế biến, chế tạo của Chuyên gia kinh tế, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Economica Việt Nam Lê Duy Bình đưa ra lý do, hầu hết doanh nghiệp tư nhân không có khả năng tích tụ vốn.

Mức đóng thuế, phí và các khoản nộp ngân sách của các doanh nghiệp luôn gấp 2 - 3 lần so với mức lợi nhuận trước thuế. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, tỷ lệ này thậm chí lên tới 4 - 4,5 lần.

Đáng báo động là tốc độ tăng của các khoản thuế, phí và các khoản phải nộp ngân sách tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong những năm qua nhanh hơn nhiều so với mức cải thiện về lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp.

Còn theo điều tra doanh nghiệp của VCCI nhiều năm liền thì tỷ lệ chi trả chi phí không chính thức của doanh nghiệp khá cao. Điều tra năm 2016 tỷ lệ này là 66%.

Đáng lo ngại là các doanh nghiệp nhỏ thường có tỷ lệ chi phí không chính thức trên thu nhập cao hơn, làm hạn chế đổi mới sáng tạo, làm tổn hại đến khả năng chiến lược và cản trở sự lớn mạnh của doanh nghiệp.

Quản lý theo mức độ rủi ro

Lý giải cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp còn cao, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (VPSF) Đào Huy Giám cho rằng, Việt Nam có tới 25 bộ, ngành, mỗi lĩnh vực lại có các bộ, ngành cùng quản lý.

Chẳng hạn, lĩnh vực phân bón thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương. Trong khi mỗi bộ lại có nhiều tầng nấc từ Trung ương đến tỉnh, cơ sở, do đó dẫn tới tình trạng lúng túng trong cách quản lý.

Đồng thời, năng lực phối hợp giữa các bộ, ngành còn kém, trình độ chuyên môn chưa cao nên việc triển khai các chủ trương, chính sách thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng cấp Trung ương chỉ đạo rất quyết liệt nhưng cấp dưới thực hiện lúng túng.

Cơ chế “xin - cho” vẫn phổ biến nên có hiện tượng “bôi trơn” giữa các cán bộ quản lý, giữa doanh nghiệp với cán bộ nhà nước là điều dễ hiểu.

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, nhìn ra thế giới, nhiều nước phát triển đã sử dụng phương thức “quản lý theo rủi ro”, tức là doanh nghiệp nào không có rủi ro xã hội thì chịu sự quản lý tới mức tối thiểu 2 - 3 năm kiểm tra một lần.

Trong thời gian đó, doanh nghiệp không phát sinh chi phí quản lý. Ngược lại, doanh nghiệp nào thể hiện nhiều rủi ro cho xã hội thì sẽ bị quản lý chặt chẽ và chịu mọi chi phí. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự cạnh tranh của chính doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp sẽ phải tự điều chỉnh lại.

Chẳng hạn, ở các nước châu Âu đều có cơ quan chuyên trách về an toàn thực phẩm. Cơ quan này không trực thuộc vào bộ mà xã hội hóa cho một số doanh nghiệp lớn có dịch vụ kiểm tra hiện đại, thực hiện quản lý theo phương thức “mức độ rủi ro”.

Nếu trong quá khứ không có “vết xấu” thì doanh nghiệp được tự do lưu thông, chỉ bị kiểm tra 1 lần/năm ngay tại kho. Nếu phát hiện có vi phạm thì tăng dần mức độ kiểm tra.

Như vậy, xã hội hóa hoàn toàn bằng biện pháp tự động và độc lập sẽ xây dựng được niềm tin, văn hóa kinh doanh, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, trong đó giao cho một bộ làm đầu mối.

Cần thiết phải đẩy mạnh khâu giám sát, kiểm tra việc thực hiện và phối hợp giữa các bộ. Có như vậy mới tiết kiệm được chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý. “Chỉ khi nào Việt Nam ngang với chuẩn mực quốc tế thì hàng hóa lưu thông mới bảo đảm sự ổn định dài hạn”, ông Giám tin tưởng.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính và cũng đã đạt được những kết quả ở một số bộ, ngành, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế.

Để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, thông tin, chi phí phát sinh để làm các thủ tục.

Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, nhất là chỉ đạo tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính; giảm các chi phí về dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan.