Động lực tăng trưởng mới dừng ở bề nổi

Theo thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Câu chuyện đi tìm động lực cho tăng trưởng 2014 mới đang dừng ở bề nổi, nghĩa là vẫn thiên về tăng trưởng bằng vốn và tài nguyên. Trong khi để có được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn, cần tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng và hiệu quả.

 Động lực tăng trưởng mới dừng ở bề nổi
Động lực cho tăng trưởng 2014 mới đang dừng ở bề nổi. Nguồn: internet

Thực ra, đây đã là điều được nhắc tới từ khá lâu. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện chất lượng tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi không sớm cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam có thể sẽ chỉ dẫm chân tại chỗ. Và dù tăng trưởng GDP năm 2014 có đạt mục tiêu 5,8%, còn năm 2015 là 6 - 6,2% đi chăng nữa, thì khó có thể hy vọng tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn sau.

Tăng trưởng chưa bền vững

"Bất cập lớn nhất của nền kinh tế là dù tăng trưởng đã được cải thiện nhưng chất lượng chưa cao và chưa bền vững", ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận xét và chứng minh bằng tỷ lệ đóng góp yếu tố vốn và lao động trong tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá lớn. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, tương ứng mức đóng góp của yếu tố vốn và lao động là 68,19% và 23,11%; 55,53% và 26,8%; 59,16% và 30,86%; 55,79 - 17,12%.

"Điều đó có nghĩa đóng góp cho tăng trưởng của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) rất thấp", ông Lâm nói và viện dẫn các con số 51,32% của Hàn Quốc, 36,18% của Malaysia; 36,14% của Thái Lan và 35,19% của Trung Quốc so với con số 19,59% của Việt Nam để chứng minh, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam chưa cao. "Quá trình tái cơ cấu kinh tế diễn ra khá chậm và đây cũng là yếu tố gây cản trở cho tăng trưởng bền vững của Việt Nam", ông Lâm nói.

Quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam hiện đang nằm giữa 2 nhóm phát triển thấp và trung bình. Từ thực tế này, 2 câu hỏi cần đặt ra là: Thứ nhất, tại sao mặc dù xuất phát điểm của Việt Nam thấp hơn, đồng thời tỷ lệ đầu tư trên GDP lại rất cao so với các nước trong khu vực nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của khu vực? Thứ hai, tăng trưởng của Việt Nam có ổn định và bền vững hay không?

Cả 2 câu hỏi này đều không phải là những câu hỏi dễ dàng. Theo ông Lâm, đối với câu hỏi đầu tiên, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam không cao vì hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp, được thể hiện qua hệ số ICOR - là hệ số cho biết số đơn vị đầu tư (tính theo % của GDP) cần thiết để đạt được 1% đơn vị tăng trưởng GDP, nghĩa là nếu chỉ số này càng cao thì hoạt động đầu tư càng kém hiệu quả.

 Động lực tăng trưởng mới dừng ở bề nổi - Ảnh 1

Nhìn vào ICOR của Việt Nam hiện đang rất cao so với Hàn Quốc và Đài Loan trong những giai đoạn phát triển tương đương. Chẳng hạn như Đài Loan đã duy trì được tốc độ tăng trưởng 9,7% trong suốt 20 năm mà chỉ cần đầu tư 26,2% GDP, trong khi đó, Việt Nam đầu tư tới 33,5% GDP nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình cũng chỉ đạt 7,6%. Nói cách khác, cái giá phải trả cho tăng trưởng của Việt Nam cao gần gấp đôi so với Đài Loan.

Theo ông Lâm, câu hỏi thứ hai đưa chúng ta trở về với bối cảnh chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong mấy năm trở lại đây, trong đó một vấn đề nổi lên hàng đầu là lạm phát. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không có sự cải thiện đáng kể nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng đột biến, từ mức 3 - 4% vào đầu những năm 2000 lên tới 12,6% năm 2007.

Lạm phát hay tăng trưởng?

Diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và các quyết sách thực hiện lộ trình điều hành giá một số mặt hàng của Nhà nước như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục... Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và phân phối về không gian, thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hệ lụy của các năm trước trong vấn đề quản lý giá của Việt Nam chính là ngộ nhận lớn về quan niệm của cơ quan độc quyền nhà nước khi coi giá thế giới là giá thị trường và tính giá thị trường bằng chi phí của các doanh nghiệp độc quyền. Điển hình ngay việc điều chỉnh giá điện, EVN cũng nhìn giá điện khu vực để đòi tăng giá, đây chính là sự ngộ nhận suy từ lợi ích nhóm để tăng giá.

Thêm nữa, việc cho doanh nghiệp độc quyền tự định giá và cho rằng đó là quy trình thị trường, trong khi thị trường lại không có cạnh tranh chính là nghịch lý trong quản lý giá của Việt Nam. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ "bình ổn thị trường" mà không kèm theo "bình ổn giá" và áp đặt giá sàn là đi ngược bản chất của bình ổn thị trường.

Trong vài năm qua, bài toán quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng luôn được đặt ra: nên ưu tiên cho tăng trưởng hay lạm phát? Thực tế những năm 1996 - 2000 cho thấy Chính phủ hoàn toàn không cần thiết phải lựa chọn một trong hai mục tiêu khi mà lạm phát những năm này chỉ dưới 4% trong khi tăng trưởng GDP đạt mức 8%, tức là tăng trưởng cao không bắt buộc phải kèm theo lạm phát cao.

Ngược lại, lạm phát cao cũng chưa chắc đem lại tăng trưởng cao. Điển hình là lạm phát cao khuyến khích người dân chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, vàng, thậm chí hàng hóa để bảo toàn giá trị tài sản của mình. Việc giữ chênh lệch lãi suất VND với ngoại tệ cao để khuyến khích người dân giữ VND thì lại càng không khuyến khích kinh doanh và kết quả là tăng trưởng giảm.

Vẫn theo TS. Nguyễn Minh Phong, với đà tăng trưởng chung của thế giới, chắc chắn chỉ số CPI năm sau sẽ cao hơn năm nay, và mức thấp nhất là 6,5 - 7,5%, thậm chí lên 8%.

Còn chuyên gia kinh tế Phan Thanh Hà cho rằng với mục tiêu năm 2014 là tăng trưởng GDP 5,8% và lạm phát 7% thì tăng trưởng vẫn tiếp tục xu hướng từ những năm 2006 là thấp hơn lạm phát. Theo kế hoạch thì năm 2014, chênh lệch này là 1,2%, gấp đôi năm 2013, tức là thực tế kinh tế chưa được cải thiện, phát triển âm. So với yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô thì lạm phát 7% là rất cao. Mục tiêu này cũng rất cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Với mức lạm phát 7% thì lãi suất không thể tiếp tục giảm đáng kể, sản xuất kinh doanh khó có điều kiện phục hồi, càng thêm kiệt quệ.

Tăng trưởng là một cuộc đua đường trường

TS. Vũ Thành Tự Anh - Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

Tăng trưởng của Việt Nam hiện nay chưa cao nhưng đã xuất hiện nhiều yếu tố bất ổn. Chạy theo tăng trưởng ngắn hạn có thể thỏa mãn thành tích nhất thời nhưng sẽ không bền vững. Cần nhận thức một cách đúng đắn rằng tăng trưởng là một cuộc đua đường trường, và vì vậy, Chính phủ cần đặt ưu tiên cao nhất cho sự ổn định bằng cách giải quyết những ách tắc cơ bản trong nền kinh tế. Nếu làm được điều này, không những nền kinh tế Việt Nam có thể hiện thực hóa được những tiềm năng to lớn của mình, mà đồng thời sự phát triển cũng trở nên bền vững hơn.

Lạm phát thấp nhưng giá hàng hóa vẫn cao

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Ngay cả lạm phát thấp như hiện nay cũng không làm cho đời sống người dân tốt lên khi mà theo phản ánh, túi tiền của người dân đang bị eo hẹp lại. Chúng ta cứ tự hào vì CPI tăng thấp, nhưng nhìn lại thì thấy hàng hóa vẫn đứng ở mức giá cao, thịt ở các chợ cóc vẫn là 95.000/kg, thậm chí thịt sạch lên tới 105.000/kg. Có thể nói, túi tiền người dân đang bị eo hẹp lại. Đầu vào thì chưa được quản lý chặt, trong khi đó, ở đầu ra, người dân đang bị móc túi. Điển hình như việc giá thành mỗi kg đường mà Hoàng Anh Gia Lai làm tại Lào chỉ 8.000 đồng, trong khi hệ thống siêu thị vẫn bán với giá 22.000 đồng…

Lạm phát thấp là cần thiết

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính)

Tốc độ tăng trưởng GDP tiềm năng tỷ lệ nghịch với mức lạm phát mục tiêu. Do vậy, trong dài hạn, việc giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp là thực sự cần thiết. Với tỷ lệ tiết kiệm/GDP hiện tại của nền kinh tế Việt Nam vào khoảng 29%, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam chỉ vào khoảng 5,9%. Nếu Việt Nam cố gắng đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn thông qua tăng đầu tư, lạm phát sẽ gia tăng, đồng thời những cải thiện về tăng trưởng cũng chỉ đạt được trong ngắn hạn và không nhiều.

Muốn đạt được tốc độ tăng trưởng ở mức cao hơn và bền vững hơn, chẳng hạn ở mức 6,5%, trước tiên, Việt Nam cần đưa tỷ lệ lạm phát xuống mức thấp hơn nữa, khoảng 2 - 3%. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nền kinh tế phải trả giá trong ngắn hạn, bởi khi tốc độ tăng đầu tư giảm xuống dưới mức tăng trưởng GDP và tỷ lệ thu/GDP sẽ giảm theo. Vì thế, để nền kinh tế tránh được những cú sốc, tốc độ tăng đầu tư cần được giảm từ từ, chẳng hạn, duy trì ở mức khoảng 4 - 5% mỗi năm trong một thời gian.