Đồng Tháp: Phấn đấu năm 2020 có 10% diện tích rau đạt tiêu chuẩn GAP
Theo Sở NN&PTNt tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 10% diện tích ứng dụng và có từ 1-2 sản phẩm rau được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn (GAP).
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, trong sản xuất rau theo hướng an toàn, từ năm 2010 đến nay, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ cho người dân trong các vùng dự án Rau an toàn (RAT) xây dựng các hệ thống tưới phun tự động, hướng dẫn sử dụng màng phủ nông nghiệp, dùng vi sinh xử lí giá thể trồng. Đã lắp đặt được 22 hệ thống tưới, phục vụ cho sản xuất rau với diện tích khoảng 9 ha. Trung bình 1 ha sản xuất rau theo hướng an toàn, tiết kiệm chi phí tưới nước trung bình 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp trên rau màu của tỉnh vẫn chưa thực hiện nhiều, hiện tại có công ty Ecofarm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau màu có ứng dụng CNC với diện tích 8.000 m2 tại huyện Thanh Bình.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có trên 10% diện tích ứng dụng và có từ 1-2 sản phẩm rau được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm an toàn (GAP). Xây dựng vùng sản xuất đậu nành có ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ở các huyện như: huyện Châu Thành, Lấp Vò, Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh.
Theo đó, sẽ xây dựng quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định các vùng trọng điểm, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa. Xây dựng vùng chuyên canh hoa màu huyện Thanh Bình theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến và thu hoạch.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học – kỹ thuật vào sản xuất rau như giống mới thích nghi, quy trình sản xuất, áp dụng các biện pháp chăm sóc, quản lý sâu bệnh, sản xuất RAT trong nhà lưới, nhà màng, các biện thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm.
Triển khai xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC để tập trung chỉ đạo và nhân rộng, đồng thời khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân sản xuất tham gia ứng CNC vào sản xuất. Ứng dụng CNC trong nuôi cấy mô, lai tạo, nhân nhanh các giống rau màu có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Xây dựng mô hình lớn gắn kết sản xuất và tiêu thụ với một số doanh nghiệp.
Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2016-2020 là: Lập dự án sản xuất RAT ứng dụng CNC: Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng; tập huấn, thông tin tuyên truyền; tổ chức sản xuất; chứng nhận sản phẩm an toàn; liên kết tiêu thụ.