Đồng tiền chung châu Âu: Hai mươi năm nhìn lại

Theo tapchicongsan.org.vn

Sau 20 năm kể từ khi ra đời (1999 - 2019), ơ-rô (Euro) - đồng tiền chung châu Âu đã phải trải qua không ít thăng trầm, đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng và các bất đồng chính trị. Nhưng cho đến nay, đồng ơ-rô vẫn là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định, là hạt nhân và động lực của tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa Liên minh châu Âu (EU).

Cho đến nay, đồng Euro vẫn là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định, là hạt nhân và động lực của tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa Liên minh châu Âu (EU) - Nguồn: baoquocte.vn
Cho đến nay, đồng Euro vẫn là một trong những đồng tiền có giá trị ổn định, là hạt nhân và động lực của tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hóa Liên minh châu Âu (EU) - Nguồn: baoquocte.vn

Ghi nhận những thành công

Góp phần quan trọng nâng cao vị thế của EU. Ngay từ giai đoạn đầu hiện thực ý tưởng, việc hợp nhất các đồng nội tệ của 11 quốc gia thành viên EU thành một đồng euro chung diễn ra khá suôn sẻ. Cho đến nay, có tổng cộng 19 nước tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hình thành một thị trường rộng lớn với quy mô kinh tế gần tương đương với Mỹ. Nhờ đó, EU trở thành một khối kinh tế vững mạnh, liên kết chặt chẽ hơn, ảnh hưởng của EU tới các vấn đề chính trị thế giới cũng ngày càng lớn mạnh. Mong muốn được thu nạp vào “Câu lạc bộ Eurozone” khiến nhiều quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu gia nhập EU, đã thực hiện nhiều cải cách tích cực.

Hoàn thiện thị trường chung châu Âu. Đồng tiền chung ra đời góp phần hoàn thiện thị trường chung châu Âu, gỡ bỏ những hàng rào phi thuế quan, tác động tích cực đến hoạt động kinh tế, tài chính, đầu tư, tiết kiệm chi phí hành chính. Các giao dịch trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hưu trí... của khu vực đều được thống nhất bởi một hệ thống tiền tệ chung. Những thị trường vốn nhỏ lẻ kết hợp lại thành một thị trường tài chính vững mạnh, có tính thanh khoản cao. Eurozone hiện có những quy định, quy tắc tài chính hoàn thiện hơn, các thể chế tài chính và quỹ hoạt động hiệu quả hơn, do vậy, đồng tiền này được coi là “cội nguồn ổn định” chống lại trào lưu dân túy gia tăng tại châu Âu, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư tại khu vực. Thông qua việc sử dụng đồng euro, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khối có thể so sánh giá cả hàng hóa và dịch vụ một cách dễ dàng, vì thế giá cả được minh bạch giữa các nước thành viên, thúc đẩy giao lưu buôn bán, tăng tiêu dùng, phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ. Từ đó, tạo môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong khối, cải thiện mức sống của người dân.

Những năm gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì mức lãi suất thấp, thúc đẩy hoạt động kinh tế, chi tiêu tiêu dùng, kinh tế khu vực đã có tín hiệu tích cực. Theo thống kê của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), các nền kinh tế Eurozone trong quý I-2019 đã tăng trưởng 0,4% so với quý IV-2018; tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,7% trong tháng 3-2019, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2008(1). ECB cũng đã thành công khi ổn định tỷ lệ lạm phát dưới mức 2% (tỷ lệ lạm phát trong Eurozone trung bình trong 20 năm qua là 1,7%/năm(2)).

Tiết kiệm đáng kể chi phí giao dịch ngoại hối. Đồng euro giúp xóa bỏ các nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trực tiếp giữa các đồng tiền nội khối với nhau, cũng như các giao dịch gián tiếp qua đồng USD. Điều này giúp các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động thương mại, đầu tư trong khối tiết kiệm khoản chi phí chuyển đổi giữa các đồng bản tệ. Ngoài ra, những rủi ro liên quan đến biến động tỷ giá giảm, trao đổi thương mại và đầu tư trong khối tăng lên. Các nước thành viên tránh được sức ép của việc phá giá đột ngột hay việc các nhà đầu cơ tiền tệ tranh thủ sự không ổn định của từng đồng tiền riêng lẻ để trục lợi.

Kích thích hoạt động đầu tư quốc tế. Thông qua đồng euro, các nhà đầu tư dễ dàng di chuyển vốn trong nội khối, chi phí giao dịch ngoại hối giảm, thị trường thống nhất, giá cả ổn định. Kinh tế vĩ mô ổn định do có chính sách tiền tệ chung, môi trường đầu tư của EU trở nên hấp dẫn hơn, không chỉ tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài mà còn thúc đẩy đầu tư nội khối. Hoạt động của thị trường tài chính, đặc biệt là trao đổi tài chính xuyên biên giới thông qua hoạt động ngân hàng và các hình thức tín dụng khác trong Eurozone, tăng trưởng theo cấp số nhân (từ khoảng 100% GDP vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX lên 400% vào năm 2008(3)).

Niềm tin vào đồng euro tiếp tục được củng cố. Ở thời kỳ đầu, đồng euro không dành được nhiều thiện cảm của người dân châu Âu bởi sự xuất hiện của nó kéo theo tình trạng tăng giá ngoài mong muốn. Tuy nhiên, việc chi tiêu dễ dàng trong quá trình đi lại hay giao dịch thương mại xuyên biên giới mà không cần phải chuyển đổi tiền tệ đã nhanh chóng giúp đồng tiền này có được nhiều lợi thế. Hiện nay, niềm tin vào đồng tiền này tiếp tục được củng cố, bất chấp tâm lý bài châu Âu và trào lưu dân túy đang gia tăng. Theo một cuộc thăm dò do Eurobarometer tiến hành (tháng 11-2018), có khoảng 74% số người dân châu Âu được hỏi cho rằng đồng euro có lợi cho họ, trong khi chưa đến 20% phản đối. Ngay cả tại Italia, số người ủng hộ đồng euro cũng chiếm tỷ lệ khá cao, đạt mức 68%(4). Hiện có khoảng 60 quốc gia lựa chọn neo tỷ giá đồng nội tệ của mình với đồng euro. Đồng euro được sử dụng là đồng tiền quan trọng thứ hai (sau đồng USD) trong trao đổi và dự trữ toàn cầu (chiếm khoảng 20%)(5). Có thể thấy, về mặt kỹ thuật, đồng euro được đánh giá là thành công.

Những hạn chế, khó khăn

Phương thức quản trị của ECB còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Sau thập niên đầu tiên, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009, các thể chế và thủ tục của EU trong hợp tác kinh tế đã được xem xét và củng cố lại. Năm 2011, ECB thông qua Chương trình giám sát sáu điểm (six-pack); năm 2012, thông qua Cơ chế ổn định châu Âu (MES); năm 2013, thông qua Chương trình giám sát hai điểm (two-pack) và Hiệp ước ổn định, phối hợp và quản lý (TSCG). Những cải cách này là sự đổi mới quan trọng trong việc phòng ngừa và khắc phục tình trạng mất cân bằng tài chính, nhưng vẫn chưa đủ để đối đầu với một cuộc khủng hoảng lớn hơn.

Phương thức quản trị của ECB cho thấy những điểm yếu và những giới hạn, thể hiện rõ nét trên ba khía cạnh: Thứ nhất, sự thất bại của các tiến trình giám sát. Hiệp ước tăng trưởng và ổn định (SGP) đã không có khả năng bảo đảm kỷ luật ngân sách của các nước thành viên, các định hướng chính sách kinh tế lớn cũng đã không ngăn chặn được sự khác biệt giữa các nước thành viên. Thứ hai, sự thiếu vắng cơ chế giải quyết khủng hoảng. Khủng hoảng nợ công châu Âu (2008 - 2009) cho thấy, Eurozone chưa thể đối đầu với một cuộc khủng hoảng nợ công của một trong số các nước thành viên. Thứ ba, tính ổn định của khu vực đồng euro không chỉ xuất phát từ hành vi của các chính phủ, do vậy việc kiểm soát các rủi ro tài chính không thể được giải quyết chỉ thông qua việc giám sát ngân sách nhà nước.

Chính sách điều hành tiền tệ gặp nhiều khó khăn. Ngay khi dự án Liên minh kinh tế tiền tệ (EMU) xuất hiện, đã có các luồng quan điểm khác nhau. Phần lớn các nhà kinh tế châu Âu xem dự án EMU là tích cực, nhưng những người phản đối cho rằng, liên minh tiền tệ mới không đáp ứng các tiêu chí để trở thành một khu vực tiền tệ tối ưu, như vậy Eurozone sẽ không có đủ ngân sách đáng kể để có thể chủ động ứng phó với những cú sốc lớn... Bất chấp các lo ngại trên, các nhà sáng lập đồng euro tin rằng, họ có thể kiểm soát nợ tài chính thông qua SGP. Nhưng trên thực tế, nhiều thành viên đã không tuân thủ các điều khoản của SGP, vì vậy Eurozone đã phải trải qua không ít khó khăn. Hiện nay, nếu Italia không duy trì được kỷ luật tài chính của EU, nước này có thể lại “châm ngòi” cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Ngoài ra, do ECB đảm nhiệm chức năng điều hành chính sách tiền tệ của cả khối sẽ làm cho các nước tham gia EMU mất đi quyền tự chủ trong chính sách tiền tệ, khó có thể chống chọi với các cú sốc lớn. Như giai đoạn 2004  - 2006, do bong bóng bất động sản và nền kinh tế quá nóng, Ai-len cần một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn so với kế hoạch mà ECB định đưa ra. Tuy nhiên, nước này đã không còn quyền nâng giá đồng tiền của mình hay nâng tỷ lệ lãi suất. Tương tự, giai đoạn 2009  - 2013, khi Ai-len cần một chính sách tiền tệ nới lỏng hơn chính sách của ECB, nhưng nước này không thể hạ giá đồng tiền của mình, cũng không thể in tiền hay hạ tỷ lệ lãi suất. Rõ ràng, ngay từ khi từ bỏ đồng tiền quốc gia, các nước thành viên Eurozone đã mất đi các đòn bẩy chính sách quan trọng.

Việc chính sách tài khóa giữa các quốc gia không đồng nhất, các khoản vay nợ và chi tiêu chính phủ không được kiểm soát chặt chẽ chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Hy Lạp rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ công (năm 2010) và để có thể nhận được các gói cứu trợ từ EU, Hy Lạp buộc phải thực thi các chính sách “thắt lưng, buộc bụng” hà khắc. Cuộc khủng hoảng nợ công đã nhấn chìm nền kinh tế Hy Lạp, dẫn tới nguy cơ nước này phải rời khỏi Eurozone để ngăn chặn hiệu ứng lan rộng. Và nhờ gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Hy Lạp đã trụ lại được. Tuy nhiên, những năm gần đây, mặc dù các quy tắc tài khóa đã được sửa đổi, nhưng do các sửa đổi này không thực sự hiệu quả, vấn đề lại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Lúng túng trong kiểm soát nợ công, EU chia rẽ. Trước khi đồng euro ra đời, các nhà lãnh đạo ECB đã rất lo ngại sự bất ổn tài chính, đặc biệt là của ngành ngân hàng. Trên thực tế, khi dùng đồng tiền chung, việc loại bỏ rủi ro mất giá cũng khuyến khích dòng vốn luân chuyển dễ dàng trong nội bộ EMU. Nhưng khi chi phí vay giảm, nợ tư nhân lại gia tăng là yếu tố rủi ro đối với nợ có chủ quyền của các quốc gia này. Chẳng hạn, trong khi Tây Ban Nha và Ai-len có tỷ lệ nợ công thấp và giảm trong những năm trước khủng hoảng thì sự bùng nổ của nợ tư nhân đã thúc đẩy bong bóng nhà ở, che giấu những vấn đề tiềm ẩn với tài chính công ở chính những quốc gia này. Kết quả là, năm 2012 Eurozone đứng trước nguy cơ bị cuốn theo cuộc khủng hoảng nợ công có thể dẫn đến sự tan rã của hệ thống ngân hàng tại châu Âu. Năm quốc gia thuộc Eurozone (Ai-len, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Síp và Hy Lạp) đã phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài để chống chọi với khủng hoảng tài chính và khủng hoảng nợ công. Giai đoạn này, nhiều ý kiến cho rằng, khu vực đồng euro nên chấm dứt sự tồn tại càng sớm càng tốt...

Khủng hoảng cũng cho thấy rõ sự bất bình đẳng kinh tế giữa các nước thành viên, đặc biệt giữa quy tắc thận trọng tài chính ở phương Bắc và các nước chịu gánh nặng nợ phương Nam. Và đến nay, việc xử lý các khoản nợ xấu vốn là hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính, xảy ra từ 10 năm trước, vẫn là một thách thức lớn của Eurozone. Nhiều nền kinh tế thuộc khối này vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Tháng 4/2019, bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Oa-sinh-tơn (Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Pháp Lơ Me-rơ (Le Maire) cảnh báo, những bất đồng ngày càng tăng về chính sách kinh tế giữa các nước thành viên thuộc Eurozone là hết sức đáng lo ngại, về lâu dài có thể dẫn tới hậu quả là đồng euro sẽ không thể tồn tại.

Mất cân bằng tài khoản vãng lai. Một số quốc gia không đóng vai trò quan trọng trong Eurozone vẫn duy trì thâm hụt tài khoản vãng lai trong suốt 10 năm đầu, sau khi đồng euro được sử dụng. Khi đó, dòng chảy vốn lớn của những quốc gia này được coi là dấu hiệu hội nhập tài chính hiệu quả. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân gây ra sự mất cân bằng tài khoản vãng lai. Nhiều nước, đáng chú ý nhất là Hy Lạp, cũng duy trì thâm hụt ngân sách lớn và mức nợ cao. Các nước thành viên giàu có hơn lo ngại sẽ buộc phải giải cứu những nước thành viên chi tiêu hoang phí. Để ngăn chặn điều này, EMU yêu cầu các quốc gia thành viên giới hạn thâm hụt ngân sách của mình ở mức 3% GDP(6), nhưng các quy định tài chính đã không thể thực hiện được. Phần lớn các nước thành viên Eurozone (bao gồm cả Đức) đều sớm vượt qua mức trần thâm hụt 3%.

Điều tiết hoạt động ngân hàng là rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Eurozone, nhưng ECB đã sai lầm khi nâng tỷ lệ lãi suất vào tháng 7-2008, sau đó lại tiếp tục nâng thêm lần nữa vào năm 2011, bất chấp thực tế là nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Hơn nữa, khi cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp (năm 2010) xảy ra, các nhà lãnh đạo châu Âu đã trì hoãn việc để Hy Lạp tìm tới sự trợ giúp của IMF, tìm cách giảm mức nợ của Hy Lạp, cho dù tỷ lệ nợ/GDP của Hy Lạp đã ở mức báo động và nước này có áp dụng các biện pháp tài chính nghiêm ngặt. Cuối cùng, các biện pháp tài chính khắc khổ đã không đạt được mục tiêu đề ra. Ngược lại, do tốc độ GDP giảm mạnh (hơn cả tốc độ giảm nợ) khiến tỷ lệ nợ/GDP lại tăng nhanh hơn khiến khó khăn càng thêm chồng chất.

Bất bình đẳng gia tăng trong khu vực, việc mở rộng Eurozone còn nhiều rào cản. Theo một nghiên cứu của nhà kinh tế M. Bơ-rên-chơ (M. Burrage), trong những năm trước khủng hoảng, giai đoạn 1997 - 2007, tư cách thành viên của EMU có lợi cho tất cả các quốc gia, trừ Đức và Italia. Thu nhập thực tế bình quân đầu người ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha tăng 8% - 10% so với ước tính không phải thành viên EMU... Tuy nhiên, mọi việc thay đổi đáng kể sau năm 2008, thu nhập thực tế bình quân đầu người ở Hy Lạp giảm 16%, ở Italia giảm 8%, Bồ Đào Nha giảm 4% và Tây Ban Nha giảm 8%.

Ngược lại, hầu hết các nền kinh tế “trọng yếu” Bắc Âu được hưởng lợi từ tư cách thành viên EMU, vì mức thu nhập bình quân đầu người của những nước này ước tính cao hơn trong kịch bản “không có tư cách thành viên Eurozone”. Đức là quốc gia hưởng lợi lớn trong giai đoạn hậu khủng hoảng (2008 - 2014), thu nhập bình quân đầu người ở Đức cao hơn khoảng 5% so với ước tính không phải thành viên EMU. Đức có thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 8% GDP(7). Phần còn lại của khối, đặc biệt là các thành viên khu vực Địa Trung Hải, vẫn có mức thu nhập thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Do vậy, sự mất giá của đồng euro chỉ có lợi cho Đức, chứ không phải toàn bộ EU.

Sau khi EMU hình thành, sự cạnh tranh ngày càng tăng đã kích thích vốn và lao động di chuyển từ khu vực có năng suất lao động thấp đến nơi có năng suất lao động cao. Điều này tạo ra hậu quả nghiêm trọng vì lực lượng lao động đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia trong khối. Tại các nước kém phát triển hơn như Hy Lạp, để tránh làn sóng di dân khi thực hiện tự do hóa lao động, chính phủ buộc phải gia tăng các khoản chi phúc lợi, chi an sinh xã hội cho người dân. Điều này dẫn đến thâm hụt ngân sách gia tăng và là một nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng nợ công sau này.

Sự khác biệt gia tăng giữa các nền kinh tế thành viên EU đã làm gia tăng các phong trào chính trị, tuy rất đa dạng nhưng có chung những giải pháp mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa và chống châu Âu, cho rằng cần phải quay trở lại với các đồng tiền quốc gia. Sau những khó khăn, Hy Lạp cũng đã bắt đầu lên tiếng về những bất lợi của việc tham gia Eurozone. Trong khi đó, một số nước dự kiến sẽ gia nhập Eurozone, như Séc và Hung-ga-ry, mặc dù ủng hộ đồng tiền chung, nhưng cả chính phủ và người dân đều lo ngại sau khi phát hành đồng euro, giá cả sẽ tăng cao. Chính vì vậy, hai nước này vẫn chưa quyết định thời điểm gia nhập Eurozone.

Một số vấn đề rút ra

Quá trình hình thành và phát triển của đồng tiền chung châu Âu chưa có tiền lệ trên thế giới, vì vậy sẽ rất khó khăn, từ ý tưởng cho đến trở thành hiện thực, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, xuất hiện khá nhiều ý kiến cho rằng, mô hình hợp nhất tiền tệ của EU đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Tuy nhiên, xét về mặt khách quan, việc thống nhất tiền tệ không phải là nguyên nhân gây ra các cuộc nợ công trầm trọng của các nước thành viên EU.

Ở khía cạnh nào đó, Eurozone đã có những thành công đáng ghi nhận. Quan trọng hơn, đại bộ phận người dân châu Âu vẫn ủng hộ đồng euro bởi đồng tiền này không chỉ bắt nguồn từ một sự lựa chọn về chính sách kinh tế, mà còn là kết quả của những quyết định tập thể dựa trên lý trí. Đối với những người ủng hộ, đồng euro còn là “lá bùa hộ mệnh” chính trị, tượng trưng cho vấn đề “liên minh” và là trụ cột của sự hòa hợp. Những bất ổn, yếu kém hiện nay chủ yếu là do sự thiếu đồng bộ trong chính sách tài khóa giữa các nước và chính sách vay mượn, chi tiêu bất hợp lý ở một số quốc gia. Do đó, việc hình thành một liên minh tiền tệ vẫn có ý nghĩa to lớn và nhiều tác động tích cực hơn đối với các nước thành viên.

Liên minh kinh tế tiền tệ đang dần được củng cố và xác định đi một chặng đường dài để dần hoàn thiện. Tiến trình hội nhập châu Âu vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cần phải khởi động lại thông qua những cải cách sâu sắc. Trước mắt, việc thiết lập một năng lực thuế, việc hoàn thiện liên minh ngân hàng là những bước chuyển bắt buộc về căn bản mà các nhà lãnh đạo EU đang tính tới, để tiến tới một sự hội nhập kinh tế tốt hơn, đồng thời kỷ luật ngân sách sẽ được thắt chặt.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, xu hướng liên kết giữa các thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) liên tục gia tăng. ASEAN đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, nợ của chính phủ và tư nhân đều ở mức chấp nhận được, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Các nước ASEAN+3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) cũng đã hình thành Quỹ ổn định ngoại hối ASEAN+3; Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức ra đời... Ngày càng nhiều ý kiến ủng hộ việc ASEAN sử dụng đồng tiền chung Đông Nam Á.

Như vậy, đồng euro ra đời không chỉ là một sự kiện quan trọng trong phát triển liên minh kinh tế giữa các quốc gia châu Âu, mà còn là dấu mốc quan trọng của hệ thống tài chính quốc tế. Quá trình thống nhất tiền tệ ở châu Âu, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm, tạo động lực, tiền đề cho việc hình thành ý tưởng về đồng tiền chung Đông Nam Á. Liên minh tiền tệ là hình thức cao và là một bước phát triển tất yếu của quá trình nhất thể hóa khu vực. Do đó, cần có một tiềm lực kinh tế - xã hội mạnh và ổn định là yếu tố cơ bản cho sự thống nhất tiền tệ. Bên cạnh đó, tính minh bạch trong hệ thống tài chính, đặc biệt là minh bạch trong chi tiêu ngân sách, là nhân tố quan trọng tác động tới tính bền vững của liên minh khu vực và triển vọng của đồng tiền chung. Cuối cùng, vấn đề thiết kế bộ máy điều hành và cơ chế quản lý một đồng tiền chung cần phải thực sự hiệu quả.

--------------------------------------------------

(1) Eurozone recession fears fade as growth picks up, https://www.washingtonpost.com/business/ eurozone-economy-picks-up-in-q1-growth-doubles-to-04percent/

(2) Jens Weidmann: The role of the central bank in a modern economy - a European perspective, https://www.bis.org/review/r190212d.htm

(3) The Euro turns 20. What have we learned from it?,  https://www.weforum.org/agenda/2019/01/the-Euro-turns-20/:

(4) The Euro turns 20. What have we learned from it?, Tlđd

(5) The Euro: From monetary independence to monetary sovereignty, https://voxeu.org/article/Euro-monetary-independence-monetary-sovereignty

(6) Twenty years on, what is euro’s future?, http://www.ekathimerini.com/236560/article/ekathimerini/ comment/twenty-years-on-what-is-euros-future

(7) The euro at 20: For the European Union to survive, the euro must die, https://www.salon.com/ 2019/01/19/the-Euro-at-20-for-the-European-union-to-survive-the-Euro-must-die_partner/