Dòng tiền phân hóa mạnh, VN-Index tiếp tục “điều chỉnh”
Áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến VN-Index điều chỉnh sâu trong phiên giao dịch cuối tuần (15/3). May nhờ có nhóm Hóa chất và Xây dựng-Bất động sản hút tiền, thị trường đã thu hẹp đà giảm.
Thị trường chứng khoán có diễn biến điều chỉnh ngay đầu phiên 15/3 khi trượt giảm hơn 6 điểm rồi nhanh chóng hồi phục bật tăng khi thanh khoản mua chủ động gia tăng mạnh.
Tuy nhiên, chiều hướng tích cực không duy trì được lâu khi chỉ số chung chịu áp lực chốt lời và mất dần động lực do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn điều chỉnh diện rộng. Điểm sáng trong phiên thuộc về nhóm hóa chất và Xây dựng, Bất động sản với HDC tăng trần, DXG, DIG, GVR có diễn biến tăng tốt trong khoảng 3-4%.
Sang phiên giao dịch chiều, tâm lý thị trường tiếp tục tiêu cực hơn khi lực bán lan rộng ra thị trường, nhanh chóng đẩy VN-Index về gần ngưỡng kháng cự mạnh 1.250 điểm. Bước vào phiên ATC, thị trường bất ngờ lấy lại đà tăng điểm khi thanh khoản mua gia tăng, tuy nhiên sau đó lại chịu áp lực điều chỉnh ở cuối phiên giao dịch thỏa thuận. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tại 1.263,78, giảm 0,48 điểm, tương đương 0,04%. Đây có thể coi là kết quả khả quan khi nhiều thời điểm trong phiên, chỉ số giảm tới hơn 10 điểm.
Điểm tích cực vẫn là thanh khoản sôi động, thị trường tiếp tục đón nhận thêm phiên giao dịch đạt giá trị lên tới hơn 27.508 tỷ đồng tính riêng trên sàn HOSE.
Dòng tiền hôm nay chảy mạnh vào nhóm Bất động sản, với hàng loạt mã giao dịch sôi động, thanh khoản đột biến so với mức trung bình. DIG (+3,6%) khớp lệnh gần 70 triệu đơn vị - thanh khoản cao nhất thị trường; DXG (+1,1%), khớp lệnh gần 31 triệu đơn vị; CEO (+0,5%) khớp lệnh gần 18 triệu đơn vị; TCH (+1,5%) khớp lệnh hơn 16 triệu đơn vị; HDC tăng trần, khớp lệnh hơn 15 triệu đơn vị… Tuy nhiên, do áp lực giảm từ VIC, VHM và một số mã lớn như NLG, VRE, KDH, REE, BCM nên vốn hóa toàn nhóm vẫn giảm gần 1%.
Các nhóm ngành còn lại hầu hết có diễn biến phân hóa. Nhóm Ngân hàng chỉ có VIB (+3,69%) ghi nhận tỷ lệ điều chỉnh đáng kể. Còn lại, BID, CTG, ACB, HDB, STB, TPB đều tăng trong biên độ hẹp, loanh quanh 1%.
Chiều ngược lại có VPB, SHB và EIB giảm chưa đến 1%. Đáng chú ý, trong nhóm Ngân hàng là cổ phiếu EIB của Eximbank khi có pha đảo chiều về mức thấp nhất ngày, giá còn 17.850 đồng/CP. Đây là kết quả sau khi mã ghi nhận lệnh bán 8,65 triệu cổ phiếu trong phiên ATC. Mặc dù khối ngoại gom hơn 3,7 triệu đơn vị cổ phiếu EIB - cao nhất sàn HOSE, nhưng cũng không đủ lực nâng giá cổ phiếu này. Eximbank là cái tên được chú ý trong hai ngày trở lại đây sau thông tin về việc một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng năm 2013 và phát sinh nợ 8,55 triệu đồng nhưng đến nay tổng dư nợ đã lên đến 8,83 tỷ đồng.
Với nhóm ngành Chứng khoán, sự phân hóa rõ nét hơn khi SSI giảm 0,13%, HCM giảm 1,22%, CTS giảm 1,04%, ORS giảm 1,64% nhưng VND lại tăng 1,07%, VCI tăng 2,87%, BSI tăng 1,67%, FTS tới tăng 4,07%, VDS tăng tới 4,55%.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này liên tục bán ròng trong tuần và phiên hôm nay cũng không ngoại lệ với tổng giá trị ròng đạt hơn 1.303,4 tỷ đồng, tập trung bán tại các mã HPG (-173,85 tỷ đồng), VHM (-112,91 tỷ đồng), VND (-106,77 tỷ đồng) và VIC (-88,28 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu EIB với khối lượng hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 135,84 tỷ đồng. Tiếp theo là FTS được mua ròng 133,33 tỷ đồng (2,14 triệu đơn vị) và DIG được mua ròng 101,91 tỷ đồng (3,58 triệu đơn vị), còn lại các mã được mua ròng chưa tới 50 tỷ đồng.
Như vậy, sau một tuần giao dịch rung lắc, VN-Index tăng thêm 16,43 điểm so với cuối tuần trước (8/3), tương đương tăng 1,32%. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số chung ở ngưỡng kháng cự quanh 1.270 đã khiến thị trường tiếp tục điều chỉnh, khiến đà tăng liên tục bị ngắt quãng.