Đồng USD giảm giá, mừng hay lo?
Cho tới nay, mỗi khi xảy ra khủng hoảng lớn, các nhà đầu tư thường đổ vốn vào những đơn vị tiền tệ có giá trị bảo đảm như đồng franc Thụy Sỹ hay USD, hoặc mua vàng. Thế nhưng với chính sách hiện nay của Chính quyền Tổng thống Donald Trump, đồng bạc xanh đang mất dần giá trị.
Sức hấp dẫn giảm sút
Sau vụ Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản khiến thế giới lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột lớn, đồng euro đã lần đầu tiên từ tháng 1/2015 vượt qua ngưỡng tỷ giá 1 euro đổi 1,2 USD.
Theo ông Brad Bechtel, đặc trách thị trường hối đoái của công ty đầu tư Jeffreires (Mỹ), cũng giống như các trái phiếu của Mỹ, đồng USD thường được xem là một ngoại tệ có giá trị bảo đảm, nhưng nay sức hấp dẫn của đồng bạc xanh đang yếu đi.
Lý do là vì nhà đầu tư không tin tưởng vào chính quyền Mỹ hiện nay, trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, Ngân hàng Trung ương) không có ý định nhanh chóng tăng lãi suất - một biện pháp giúp đồng USD tăng giá trở lại.
Cuối năm 2016, đồng USD lên giá mạnh nhờ ứng cử viên Donald Trump lúc đó hứa hẹn nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền tới nay, ông chưa thực hiện được những cải tổ đã cam kết. Ông chủ Nhà Trắng vẫn chật vật tìm kiếm sự ủng hộ của Quốc hội đối với chương trình tăng trưởng của mình.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhờ chính sách tiền tệ linh động của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), lãi suất tại khu vực đồng euro vẫn rất thấp, thậm chí ở mức âm, khiến cho đồng tiền này trở thành công cụ đầu tư đắc lực đối với các nhà đầu cơ. Thêm vào đó, tình hình chính trị của Liên minh châu Âu (EU) đã ổn định trở lại sau các cuộc bầu cử ở Pháp và Hà Lan, trong khi ở Mỹ vẫn khá lộn xộn.
Bà Sireen Harajlin, Ngân hàng Mizuho, Nhật Bản, ghi nhận tăng trưởng của châu Âu những tháng qua rất vững chắc và ECB chuẩn bị giảm bớt biện pháp hỗ trợ tiền tệ. Những yếu tố đó sẽ giúp làm tăng thêm giá trị của đồng euro.
Tuy vậy, theo bà Harajlin, đồng bạc xanh dù sao vẫn là ngoại tệ có giá trị vững chắc lâu dài và vẫn là đồng tiền an toàn. Chỉ cần FED phát đi tín hiệu tích cực, hoặc tình hình việc làm ở Mỹ khả quan hơn, hoặc lạm phát tăng, là đồng USD sẽ lại khởi sắc.
Nghịch lý
Đồng USD mạnh là biểu hiện rõ rệt nhất cho thấy Phố Wall ngày càng lạc quan với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, đồng bạc xanh mạnh lên báo hiệu những rắc rối mới. Tại các thị trường mới nổi, đồng USD mạnh sẽ làm tăng giá dầu và tài sản được tính bằng USD, gây áp lực lên những nền kinh tế đang phát triển vốn dựa vào xuất khẩu nguyên liệu thô.
Các công ty và chính phủ ở những thị trường mới nổi sẽ gặp khó khăn hơn trong trang trải các khoản nợ bằng USD. Riêng đối với Trung Quốc, đồng USD mạnh lên làm trầm trọng thêm tình trạng tẩu tán vốn ra nước ngoài và thắt chặt khả năng thanh khoản, gây rối loạn thị trường sau năm 2016 khá ổn định.
Cuối năm ngoái, các thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng hoảng loạn sau khi FED quyết định nâng lãi suất và phát tín hiệu về một số đợt tăng tiếp theo. Bắc Kinh đã bơm tiền nhằm ngăn chặn khả năng cạn kiệt tín dụng trong khi giá cổ phiếu giảm.
Kể từ tháng 10/2016, đồng NDT đã giảm giá 4,3% so với đồng USD, và hiện đứng ở mức thấp kỷ lục. Đồng tiền của những thị trường mới nổi khác thậm chí còn mất giá thê thảm hơn, như đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm giá 15% trong 3 tháng.
Trong khi đó, với Mỹ, xu hướng yếu đi tương đối của đồng USD chưa hẳn đã là điều bất lợi, ít nhất là vào thời điểm này. Bởi nghịch lý là USD mạnh sẽ bất lợi cho các kế hoạch thu hẹp thâm hụt thương mại của Tổng thống Trump.
Nội tệ mạnh sẽ khiến hàng hóa của Mỹ kém sức cạnh tranh ở nước ngoài hơn, dẫn đến lợi nhuận của các tập đoàn sản xuất trong nước giảm và có nguy cơ tác động xấu tới cổ phiếu. 3 năm qua, giá trị đồng USD đã tăng mạnh, tính từ mùa Hè năm 2014 đã tăng tổng cộng 26%.
Nếu như gói cải cách thuế và kế hoạch chi tiêu hạ tầng của Tổng thống Trump thực sự đầy tham vọng như ông hứa hẹn, giá trị đồng USD sẽ còn tăng mạnh hơn. Nếu đồng USD quay trở lại đà tăng giá “chóng mặt”, Chính phủ Mỹ có thể phải tìm kiếm những biện pháp để chế ngự.