Đồng USD sắp phá giá?

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Mỹ có thể chủ động can thiệp vào thị trường tài chính và từ bỏ cam kết đã được duy trì qua hàng thập kỷ về việc thả nổi tiền tệ để đối phó với Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ có thể can thiệp để làm suy yếu đồng đô la nhằm đối phó với Trung Quốc
Chính quyền Mỹ có thể can thiệp để làm suy yếu đồng đô la nhằm đối phó với Trung Quốc

Vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ ý kiến cần phá giá đồng USD để giúp các công ty Mỹ trở nên cạnh tranh hơn, đồng thời chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vì duy trì mức lãi suất cao so với các nước khác.

Về lý thuyết, đồng USD yếu hơn có thể giúp hàng xuất khẩu của Mỹ rẻ hơn, qua đó thúc đẩy nền kinh tế và có khả năng giúp Tổng thống Trump tiếp tục giành lợi thể trong cuộc bầu cử năm 2020 sắp tới. Đồng thời, điều này cũng mang lại hiệu quả lớn hơn trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc so với biện pháp thuế quan hiện nay.

Mặc dù Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về việc liệu họ có đang xem xét các biện pháp can thiệp để hạ giá đồng USD, nhưng theo nhiều chuyên gia, các điều kiện dường như ngày càng thuận lợi cho phép chính quyền Mỹ can thiệp vào việc phá giá đồng đô la.

Có thể thấy, việc Trung Quốc đã cố tình làm suy yếu đồng nội tệ để tăng cường xuất khẩu đã làm chính quyền Mỹ cho là sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất trong nước. Việc tăng nguồn cung sẽ cho phép đồng đô la đổi được nhiều NDT hơn và mua hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn. 

Tuy nhiên, nếu Mỹ cũng làm suy yếu đồng USD để trả đũa việc phá giá đồng NDT của Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ. Nếu điều này xảy ra, cùng với mức thuế cao, cuộc chiến tiền tệ sẽ dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong thương mại quốc tế. 

Theo Paul Ashworth, nhà kinh tế tại Capital econom cho biết, khi Mỹ muốn thay đổi giá trị của đồng USD, họ phải phối hợp các nỗ lực liên quan đến một số quốc gia, đa số đều là đồng minh chiến lược của Mỹ.

"Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, khi các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và một số nước châu Á đang phải đối mặt với những rắc rối nội bộ cùng sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, việc thuyết phục Trung Quốc để cho đồng tiền của họ mạnh lên nhằm giúp Mỹ sẽ trở nên khó khăn hơn", ông nhận định.

Về cơ bản, chính sách kích thích tài khóa qua việc cắt giảm thuế vào tháng 12/2017 và chi tiêu chính phủ gia tăng đã góp phần tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế và làm đồng USD trở nên mạnh hơn. Do đó, nếu giảm sự kích thích này sẽ làm suy yếu đồng đô la, nhưng điều này dường như không thể xảy ra sớm khi không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Mỹ có xu hướng đảo ngược việc cắt giảm thuế hoặc giảm mức chi tiêu.

Hơn nữa, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump khơi mào đang làm doanh nghiệp trì hoãn đầu tư, còn các nhà đầu tư thì tìm đến các kênh trú ẩn an toàn, trong đó có việc mua USD. Do vậy, những nỗ lực của Washington nhằm làm suy yếu đồng USD bằng cách can thiệp hoặc bằng bất cứ cách nào khác sẽ không thể có hiệu quả.

Trong hàng chục năm qua, các đời chính quyền Mỹ đều ủng hộ việc giữ đồng USD mạnh vì điều này sẽ đem lại sự ổn định cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát. Nhưng “đồng bạc xanh” mạnh cũng khiến hàng xuất khẩu của Mỹ đắt đỏ hơn.

Chính quyền Trump cần phải rất, rất cẩn thận với chính sách đồng USD của mình. Nhưng, nếu nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, Fed nhiều khả năng sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất vào giữa năm sau, rất có khả năng đồng USD sẽ suy yếu mà không cần bất kì sự tác động nào.