Dòng vốn đang đi quá chậm
(Tài chính) Nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã có mức tăng trưởng tín dụng vượt con số 12% của toàn ngành, tuy nhiên xét tổng thể của cả hệ thống, tín dụng vẫn đang tăng khá chậm.
Con số vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, tính đến ngày 20/9, huy động vốn của toàn hệ thống đã tăng 11,74% so với cuối năm 2012, trong đó huy động vốn bằng tiền đồng tăng 11,63%, ngoại tệ tăng 12,43%. Thế nhưng, tăng trưởng tín dụng lại khá thấp, thậm chí còn giảm so với tháng trước khi chỉ đạt 6,05%, trong đó tín dụng bằng tiền đồng tăng 9,98%, ngoại tệ giảm 13,05%. Theo nhiều ngân hàng, thanh khoản hiện nay khá dồi dào nhưng việc đẩy vốn ra lại không dễ dàng.
Trước đó, lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) đã lạc quan nhìn nhận khả năng tăng trưởng tín dụng 12% của năm nay là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều chuyên gia kinh tế và chính các NHTM lại hồ nghi một kết thúc có hậu sẽ đến với mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Bởi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa mà các ngân hàng phải đảm bảo tăng được gần 6%, tức là mỗi tháng xấp xỉ 2% thì không đơn giản.
Đơn cử như tại Eximbank, tín dụng 9 tháng đầu năm cũng chỉ đạt hơn 8% so với chỉ tiêu đưa ra khoảng 15% cho cả năm, MHB chỉ tăng 5,49% sau 9 tháng, ABBank có mức tăng khá hơn khi 9 tháng đạt 20%, chủ yếu từ mảng cho vay khách hàng cá nhân mua nhà để ở và tiêu dùng. Một số ngân hàng khác như Techcombank, VIB, VPBank, TienPhongBank cũng đang đẩy mạnh các chương trình vay vốn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.
Mở đường cho ngân hàng kinh doanh tốt
Không nên cố chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, điều cần quan tâm nhất với nền kinh tế hiện nay là ổn định vĩ mô. Với hệ thống ngân hàng thì ưu tiên hàng đầu là lành mạnh hệ thống và giải quyết nợ xấu.
Trước đó, NHNN cũng chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) lên tối đa là 15% và yêu cầu ngân hàng này tổ chức tốt các hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung vốn vào nông nghiệp, nông thôn và vẫn phải kiểm soát tín dụng cho phù hợp với khả năng huy động vốn.
TS. Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia – cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay là 12% vẫn rất khó khăn, với điều kiện của nền kinh tế hiện nay nếu mỗi tháng đẩy tín dụng ra khoảng 1,7 – 1,8% sẽ đáng lo ngại; tiền ra nhiều có thể ảnh hưởng tới CPI những tháng đầu năm sau.