Dòng vốn FDI 2014: Cuộc đua 2 ông lớn
(Tài chính) Trong 8 tháng đầu năm, tuy số vốn đăng ký FDI giảm 19% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số vốn giải ngân lại tăng 4,5%, đạt 7,9 tỷ USD.
Điều đáng nói là làn sóng gia tăng vốn đầu tư phần lớn vẫn do các “gương mặt thân quen” từ nhiều năm nay là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Trong khi đó, các nhà đầu tư mới có vẻ như vẫn còn đang cân nhắc…
Theo đó, quán quân thuộc về Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 3,22 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 1,27 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Hàn Quốc - “quán quân”
Gần đây, hàng loạt động thái của các tập đoàn Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam đã khẳng định Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc. Điển hình trong số các dự án này không thể không nhắc tới là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc mới đây đã đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD cho dự án Samsung Display tại Bắc Ninh.
Đồng thời Tập đoàn này cũng đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư trên 1 tỷ USD vào TP. Hồ Chí Minh để mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trước đó, dự án Samsung Thái Nguyên đã giải ngân được khoảng 1,4 tỷ USD, Samsung Bắc Ninh (SEV) cũng giải ngân được 1,73 tỷ USD...
Một tập đoàn khác của Hàn Quốc là Lotte Group cũng vừa khai trương tổ hợp khách sạn, văn phòng, nhà ở cao cấp Lotte Center Hà Nội với tổng vốn lên tới hơn 400 triệu USD. Tại buổi lễ khai trương, trước nhiều câu hỏi của phóng viên băn khoăn về việc Lotte Center khai trương vào thời điểm kinh tế khó khăn sẽ khó thành công. Ông Lee Jong Kook tổng giám đốc Lotte Coralis Việt Nam khẳng định vẫn tin tưởng thành công vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Không chỉ Samsung, một tập đoàn công nghệ nổi tiếng khác của Hàn Quốc là LG cũng đang có các kế hoạch xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong nay mai.
Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Khi các tập đoàn lớn đầu tư vào một quốc gia, họ không chỉ suy nghĩ về mặt lợi ích mà kèm theo đó là nhiều ảnh hưởng khác như giá thành lao động, mức thuế suất… để tạo sức cạnh tranh cho mình về giá cả và chất lượng. “Thực tế, mức thù lao cho nhân công Việt Nam đang thấp hơn Trung Quốc, thuế suất của Việt Nam lại rất phù hợp với nhu cầu và chính sách của DN nên Samsung đã lựa chọn Việt Nam là đất nước để họ “rót” vào những nguồn đầu tư lớn” - ông Hong Sung nói.
Còn theo số liệu của Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham), hiện có hơn 3.300 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. KorCham cũng khẳng định, vai trò của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, E-mart, SK, Posco… là rất quan trọng. Kéo theo đó là hàng trăm DN phụ trợ, hứa hẹn giúp Việt Nam hình thành một môi trường kinh tế chuyên nghiệp và phát triển.
FDI của Nhật Bản vào Việt Nam sẽ tăng nhanh
Cho dù vốn giải ngân trong 8 tháng đầu năm không bằng Hàn Quốc, song các động thái mới đây của các DN Nhật Bản cũng cho thấy những dấu hiệu về việc hình thành một “làn sóng” đầu tư lớn của các DN nhỏ và vừa (DNNVV) Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ vào Việt Nam. Bằng chứng là gần đây đã có hàng loạt đoàn DN Nhật Bản tiếp xúc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, VCCI… nhằm khảo sát về cơ sở hạ tầng, chính sách quản lý… để tiến hành đầu tư vào Việt Nam.
Trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên mới đây, ông Yoshisa MARUTA – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, đồng thời là Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cũng khẳng định, chưa bao giờ các DNNVV Nhật Bản có sự quan tâm cao thị trường Việt Nam như hiện nay, nhất là các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ, gia công kim loại, cơ khí… mục đích của các DN này là cung cấp phụ tùng cho các DN lớn đã có mặt ở Việt Nam. Đây cũng là nhu cầu của các DN sản xuất lớn, đặc biệt là các DN sản xuất ô tô…
Trong khi đó, tại một cuộc đối thoại giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 8, ông Hiroshi Wantanabe, Tổng giám đốc JBIC cho biết, hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, bằng chứng là vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Trong đó đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư) sẽ là một kênh thu hút nguồn vốn quan trọng từ phía Nhật Bản.
Không chỉ có các DNNVV, nhiều tập đoàn tiếng tăm của Nhật Bản như Sojitz, IHI, Itochu… cũng đã đánh tiếng về khả năng mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong các buổi tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương. Trên thực tế, đầu năm 2013, tập đoàn IHI đã quyết định đầu tư Nhà máy sản xuất kết cấu thép, bê tông và máy móc tại khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư gần 48 triệu USD.
Trong khi đó, tập đoàn Itochu và Sojitz cũng không phải là cái tên xa lạ đối với Việt Nam khi hai tập đoàn này đã đầu tư hàng loạt dự án tại Việt Nam. Chẳng hạn, Sojitz đã đầu tư hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau và trải rộng trên khắp cả nước, họ cũng đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy trị giá 180 triệu USD ở Quảng Ngãi. Đây là dự án hợp tác giữa Sojitz và tập đoàn JK của Ấn Độ…