Dòng vốn FDI vào Việt Nam hồi phục mạnh mẽ trong tháng 2/2021


Báo cáo cập nhật Tình hình Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hồi phục mạnh mẽ vào tháng 2/2021 sau hai tháng chững lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo đó, vào tháng 2/2021, Việt Nam đã thu hút được 3,4 tỷ USD vốn FDI, cao hơn 70,4% so với tháng 01/2021 (khoảng 2,02 tỷ USD) và tăng gấp ba lần giá trị vốn FDI so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, sau khi giảm nhẹ vào tháng 1/2021, sự gia tăng về vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19, được WB lý giải là do được thúc đẩy bởi hoạt động đăng ký cấp mới (tăng 265,7% so với cùng kỳ năm trước) và tăng vốn (tăng 273,0% so với cùng kỳ năm trước). 

Trong đó, xuất hiện các dự án lớn như: dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,31 tỷ USD được cấp phép tại Cần Thơ hay dự án Nhà máy sản xuất mô-đun tấm nền OLED trị giá 750 triệu USD tại Hải Phòng...  Những dự án “khủng” được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng 2/2021 đã góp phần quan trọng để xoay chuyển tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm nay.

WB cũng nhận định, việc nhanh chóng kiểm soát đợt bùng phát dịch Covid-19 mới cuối tháng 1 vừa qua đã giúp duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2021. WB cũng khuyến cáo, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vì hoạt động này sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện nay tại nhiều địa phương như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… cũng đang sẵn sàng chờ đợi các dự án mới. Sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã khiến các địa phương liên tục đề xuất việc mở rộng các khu công nghiệp mới trong năm ngoái và giờ là lúc các đề xuất đó trở thành hiện thực. Trong hai tháng đầu năm 2021, Chính phủ liên tục chấp thuận chủ trương cho các địa phương xây mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp cũ.

Trong đó, Bắc Giang đang là một trong những địa phương nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Yên Lư (diện tích 377 ha), Khu công nghiệp Yên Sơn - Bắc Lũng (300 ha), Khu công nghiệp Tân Hưng (105,3 ha) vào quy hoạch. Đồng thời, mở rộng Khu công nghiệp Quang Châu thêm 90 ha, Khu công nghiệp Hòa Phú tăng thêm 85 ha, Khu công nghiệp Việt Hàn thêm 148 ha…

Hải Dương cũng là địa phương vừa được đồng ý về chủ trương cho đầu tư Khu công nghiệp An Phát 1. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Đồng Nai cũng đã lần lượt được phép xây dựng thêm các khu công nghiệp mới để sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư bùng nổ.

Qua các dự án lớn đã và sắp được các nhà đầu tư nước ngoài "rót vốn" đầu tư vào Việt Nam cho thấy, Việt Nam luôn là một trong những điểm đến được ưa chuộng đối với các nhà đầu tư quốc tế và cũng là một trong những nước được hưởng lợi từ làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng trước diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.