Thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam và những vấn đề đặt ra hiện nay
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, so với những chính sách ưu đãi được hưởng, đóng góp của khu vực kinh tế này đối với nền kinh tế vẫn chưa tương xứng. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 hiện nay, đứng trước cơ hội và thách thức, Việt Nam cần có các giải pháp đồng bộ để thu hút FDI có hiệu quả.
Thực trạng thu hút vốn FDI vào Việt Nam
Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, ngày 29/12/1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), đánh dấu bước ngoặt trong thu hút dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Từ đó đến nay, khu vực có vốn FDI ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự thay đổi như: Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
ĐTNN vừa là thành quả của hội nhập, vừa góp phần quan trọng vào phát triển hội nhập có chiều sâu hơn. ĐTNN đã trực tiếp và gián tiếp góp phần chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... đã đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Samsung, với mục tiêu xây dựng cứ điểm lớn nhất thế giới của Tập đoàn đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn với 2.000 kỹ sư tuyển dụng tại Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các DN FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong 3 năm gần đây, gần 100 DN Việt Nam trở thành DN phụ trợ của Samsung là những tín hiệu đáng khích lệ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 11,35 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Vốn FDI của Việt Nam có xu hướng giảm, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Tính đến 20/8/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và GVMCP của nhà ĐTNN đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà ĐTNN theo hình thức GVMCP vẫn tiếp tục giảm, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 8 tháng đầu năm 2020. Trong đó: vốn đăng ký mới: Có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2020), tổng vốn đăng ký đạt 9,73 tỷ USD (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2019). Vốn đầu tư tăng chủ yếu là do dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD (chiếm 41,1% tổng vốn đăng ký mới).
Vốn điều chỉnh: Có 718 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 20,9% so với cùng kỳ năm 2020), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn điều chỉnh trong 8 tháng năm 2020 tăng do Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam tại Bà Rịa - Vũng Tàu (Thái Lan) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và Dự án Khu Trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Góp vốn, mua cổ phần: Có 4.804 lượt GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2020), tổng giá trị vốn góp 4,93 tỷ USD (bằng 51,8% so với cùng kỳ năm 2020). Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019 (từ gần 42% trong 8 tháng năm 2019 xuống 25,2% trong 8 tháng năm 2020).
Lũy kế đến ngày 20/8/2020, cả nước có 32.539 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 381,2 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 223,1 tỷ USD, bằng 58,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của khu vực ĐTNN tiếp tục giảm. Xuất khẩu (kể cả dầu thô) đạt 113,3 tỷ USD, bằng 95,5% so với cùng kỳ, chiếm 65,1% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 112,2 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 64,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 8 tháng năm 2020. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt gần 90,8 tỷ USD, bằng 94,7% so cùng kỳ năm 2020 và chiếm 55,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Mặc dù, giảm so với cùng kỳ năm 2019, song tính chung trong 8 tháng năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu gần 22,6 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 21,4 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 11,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 10,9 tỷ USD.
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 2,87 tỷ USD và 1,21 tỷ USD. Còn lại là các lĩnh vực khác. Hiện nay, đã có đầu tư tại Việt Nam. Singapore là nước dẫn đầu với tổng vốn đầu tư là 6,54 tỷ USD, chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,75 tỷ USD, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các quốc gia: Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc)...
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, do đó khi khu vực sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động đầu tư sẽ ngay lập tức bị tác động làm giảm đầu tư của toàn nền kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là đầu tư của khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư. Số lượng các dự án FDI mới vào Việt Nam giảm, gây khó khăn cho các DN FDI dẫn đến việc trì trệ trong thực hiện các dự án FDI. Nhiều DN FDI rơi vào tình trạng xuất khẩu cầm chừng hoặc dừng do thiếu nguyên phụ liệu chưa được thông quan, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và đáp ứng được các đơn hàng theo thời gian.
Bên cạnh đó, các DN bị thiếu nhân lực do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhiều DN phải vận chuyển nguyên nhiên liệu cho sản xuất bằng đường biển, đường hàng không thay cho đường bộ cho nên chi phí logistic tăng cao. Không nằm ngoài xu thế đó, DN FDI cũng gặp khó khăn về tài chính do thị trường tiêu thụ giảm mạnh, sản xuất đình trệ và giảm nguồn thu đáng kể đối với hàng hóa xuất khẩu sang các nước có dịch như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Trước những khó khăn đó, nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên, lao động bị mất việc làm gia tăng, không có thu nhập, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, một số hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư, hay các hoạt động xúc tiến đầu tư cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử như: Citi Group đã lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn đầu tư tại Singapore, song đang phải trì hoãn…
Bên cạnh đó, những hạn chế của thu hút vốn FDI có thể thấy, chất lượng và hiệu quả của FDI chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ngành chế biến, chế tạo chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như: AI, blochain, fintech, trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), nhất là ở hai trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao…
Giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn FDI
Mặc dù, Việt Nam bị đánh giá là một trong những nước dễ bị tổn thương, chịu nhiều rủi ro lây lan dịch bệnh Covid-19, nhưng quốc tế đánh giá cao sự chủ động và quyết liệt của Việt Nam trong phòng, chống dịch, cũng như việc Chính phủ tiếp tục quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, nên Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Làn sóng đầu tư mới đã xuất hiện và Việt Nam đứng trước cơ hội mới, hứa hẹn sự gia tăng mạnh về kết quả thu hút dòng vốn này. Vấn đề là sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, phục vụ mục tiêu lấy lại tốc độ tăng trưởng cao. Trước những cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa với những giải pháp đồng bộ, cụ thể:
Một là, xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ DN vượt qua những tác động của dịch bệnh Covid-19. Thu hút FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm DN Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết, lan tỏa giữa DN FDI và DN trong nước.
Hai là, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Tăng cường liên kết giữa ĐTNN và đầu tư trong nước, khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho DN Việt Nam. Cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về FDI; đặc biệt tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán để đảm bảo các DN FDI sử dụng đúng, hiệu quả nguồn lực, cũng như đảm bảo cam kết đầu tư. Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng tạo điều kiện cho DN hoạt động có hiệu quả; phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; tăng cường hậu kiểm với các dự án FDI sau khi được cấp phép.
Bốn là, các cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động làm việc với nhà ĐTNN đã có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam để trao đổi, định hướng và thống nhất sơ bộ về thủ tục đầu tư, không để các nhà đầu tư đợi cho đến khi dịch bệnh được xử lý dứt điểm mới tiến hành thủ tục. Về dài hạn, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sửa đổi chính sách, chiến lược thu hút ĐTNN cho phù hợp.
Bên cạnh việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cần tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và nhà đầu tư. Cùng với đó, Việt Nam cần tập trung chuẩn bị mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp để sẵn sàng đón dự án ĐTNN bên cạnh sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…
Năm là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chống chuyển giá, sửa đổi một số quy định về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết; tăng mức phạt và hình thức phạt đối với hành vi chuyển giá để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về dự án đầu tư và DN FDI.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030;
2. Chính phủ (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018-2030;
3. Nguyễn Mại (2020), Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2019, dự báo 2020 và dài hạn, https://baodautu.vn/dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-2019-du-bao-2020-va-daihan-d113916.html;
4. Quốc Bình (2020), Thu hút FDI, https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/thuhut-dong-von-fdi 580255/.