Dòng vốn tín dụng: Kìm hãm bởi vòng luẩn quẩn

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng muốn có thị trường mua bán nợ phải giải quyết một số vướng mắc về pháp lý. Điều này đang tạo nên vòng luẩn quẩn “muốn khai thông vốn tín dụng phải xử lý được cục nợ xấu”. Trao đổi với phóng viên, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết:

Dòng vốn tín dụng: Kìm hãm bởi vòng luẩn quẩn
Tháo gỡ khó khăn tín dụng để DN tiếp cận được vốn là vấn đề được nói đến rất nhiều và cụ thể hóa bằng nhiều chính sách. Nguồn: internet

Tháo gỡ khó khăn tín dụng để doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn là vấn đề được nói đến rất nhiều và cụ thể hóa bằng nhiều chính sách. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm 2014 âm và tháng 3 cũng chỉ tăng 0,01%.  Do vậy, ngoài chính sách hỗ trợ vốn cho DN, vấn đề mấu chốt phải xử lý dứt điểm nợ xấu để DN tiếp cận và hấp thụ được vốn.

3 điểm nghẽn mới thông 1

Phóng viên:Thưa ông, một đại biểu Quốc hội từng phát biểu trên nghị trường phải giải tỏa “cục máu đông” mới khai thông được nền kinh tế, nhưng đến nay cả thời gian dài vẫn tắc nghẽn, vậy nghẽn tại đâu?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Trong 3 năm 2010-2012, tín dụng cho DN tắc nghẽn ở 3 điểm: lãi suất cao kéo dài, tồn kho lớn và nợ xấu (đặc biệt liên quan đến bất động sản) chưa giải quyết được. Đến thời điểm này chúng ta đã gỡ được điểm nghẽn về lãi suất, 2 năm nay lãi suất cho vay giảm liên tục, cả vay mới lẫn cũ, đã về mức thấp tương đương năm 2005-2006.

Tuy nhiên, 2 yếu tố còn lại vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hàng tồn kho vẫn cao, cộng với nợ xấu nên DN không thể vay được vốn ngân hàng để duy trì sản xuất. Trong khi đó, tổng cầu yếu do sức mua kém nên khả năng tiêu thụ hàng hóa vẫn ở mức thấp, kéo theo sản xuất ở trạng thái trì trệ.

Điều này dẫn đến việc 3 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 0,8%, tăng thấp nhất trong hàng chục năm nay và so với mức tăng chung trong cùng thời gian là 3,77%. Bên cạnh đó, nợ xấu chưa giải quyết được căn cơ khi việc xử lý chủ yếu chuyển nợ từ ngân hàng sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), chưa giải quyết được khâu bán, bán cho ai, bán như thế nào?

Sau 6 tháng kể từ khi mua món nợ đầu tiên, VAMC đã mua gần 43.000 tỷ đồng nợ xấu, tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành đạt 35.448 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc bán số nợ này đang gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, DN đang đối mặt với việc phải tính toán sản xuất sao cho có lãi mới dám đi vay và trả nợ ngân hàng. Bên cạnh đó, bản thân ngân hàng cũng không muốn cho vay vì DN sản xuất ra không tiêu thụ được sản phẩm, nếu cho vay sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Vì thế, chỉ có giải quyết dứt điểm được nợ xấu mới thoát được khó khăn, nếu không vẫn tiếp tục vòng luẩn quẩn.

Thí dụ, để nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu phải giải quyết những vướng mắc về pháp lý như sở hữu tài sản đất đai, tài sản thế chấp, hoặc cần cân nhắc có lợi gì, chính sách đối với người mua như thế nào… Những vấn đề này phải thông suốt, rõ ràng, minh bạch, nhà đầu tư mới tham gia mua, nợ xấu mới thoát ra được. Nợ xấu không giải quyết được, DN không vay tiếp được và ngân hàng cũng không dám cho vay.

Đặc biệt hiện nay phần lớn vốn tắc nghẽn chủ yếu đối với DN vừa và nhỏ, trong khi đối tượng này tạo ra việc làm cho phần lớn lực lượng lao động trong nước. Nếu họ phá sản hoặc gặp khó khăn, lực lượng lao động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc làm sụt kéo cầu tiêu dùng giảm theo, từ đó tổng cầu suy giảm, hàng hóa bán không được, không ai dám chi tiêu. Đây là vòng luẩn quẩn, nếu không xử lý được nợ xấu sẽ không tháo gỡ được.

Đây có phải là nguyên nhân làm tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm và tháng 3 chỉ tăng 0,01% và như phát biểu của Chính phủ, tín dụng mới ngoi lên khỏi mặt đất?

Đúng vậy. Do yếu tố thời vụ, những tháng đầu năm DN chưa vay vốn nhiều nên tăng trưởng tín dụng thường khá thấp. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh khó khăn khiến DN co cụm hoặc e ngại mở rộng đầu tư là yếu tố chính dẫn đến ngân hàng dư thừa thanh khoản. Vì thế, dù lãi suất cho vay đang khá thấp nhưng ngân hàng không cho vay được do DN không muốn vay.

Thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng cũng muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với các gói lãi suất ưu đãi nhưng tín dụng vẫn chưa được cải thiện. Hiện nay, chúng ta hy vọng tổng cầu tăng lên để giải quyết sức mua bằng thu nhập của người dân, từ đó giải phóng hàng tồn, đồng thời giải quyết tồn tại của nợ xấu.

Phải giảm lãi suất khoản vay cũ

Để hỗ trợ DN vượt thoát khó khăn, Chính phủ đề nghị NHNN tìm cách giảm lãi suất nợ cũ. Theo ông điều này có khả thi khi quyết định vẫn là ngân hàng thương mại (NHTM)?

Giảm lãi suất các khoản vay cũ cũng là một giải pháp để khai thông tín dụng. Bởi giảm lãi suất cho vay cũ sẽ giúp DN giảm áp lực đối với các khoản nợ cũ, tạo điều kiện để DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận.

Mặc dù việc giảm lãi suất này do NHTM quyết định nhưng nó đang rất khả thi, vì thời điểm này vốn của ngân hàng đang nhiều, thanh khoản dư thừa, huy động vào tăng gấp 3, 4 lần cho vay, kênh gửi tiết kiệm vẫn được người dân lựa chọn. Tuy nhiên cần phải có độ trễ nhất định để NHTM cân đối và NHNN phải đốc thúc.

Các NHTM cho rằng lãi suất đã ưu đãi nhưng DN không vay, trong khi DN cho rằng lãi vay vẫn còn cao và quan trọng là không có đầu ra. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ có đề cập giải tỏa ách tắc này. Theo ông cần khai thông điểm nghẽn từ đâu?

Các ngân hàng cần rà soát, phân loại lại đối tượng khách hàng, xác định những vướng mắc, rào cản trong mối quan hệ tín dụng với DN để tháo gỡ nhanh hơn, giải ngân cho vay sớm hơn. Đồng thời, bản thân DN cũng phải đánh giá lại hoạt động, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh doanh để có thể khai thác hiệu quả nguồn vốn, gia tăng lợi nhuận, đáp ứng yêu cầu trả nợ đúng hạn, từ đó mới có thể tiếp cận nguồn vốn mới từ NH.
Nếu chưa xử lý được nợ xấu vẫn kéo dài, vì nếu như cho DN có nợ xấu vay (giả định DN hoạt động tốt), ngân hàng khoanh nợ cũ để cho vay mới vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro. ngân hàng không muốn cho vay vì như vậy họ sẽ thiệt hại lớn.

Tốt nhất là món nợ xấu của DN phải được bán đi, ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro mới có thể xem xét cho vay. Còn về lãi suất, hiện ngân hàng áp dụng lãi suất như thế nào cũng phải căn cứ vào lạm phát và khả năng huy động vốn của người gửi.

Thực tế, hiện nay ngân hàng không thể huy động thấp để cho vay cao, bởi như vậy không ai vay, còn huy động cao cho vay thấp sẽ dẫn đến lỗ nên không ngân hàng nào làm như thế. Nói như vậy để thấy, lãi suất tiền gửi đã giảm thì phải giảm lãi suất cho vay tương ứng.

Bởi ngoài việc điều chỉnh theo quy luật thị trường, việc giữ lãi suất quá cao sẽ làm cho DN không hấp thụ được vốn. Vì thế, việc hạ lãi suất cho vay còn nhằm mục đích rất quan trọng là để cứu DN vượt qua khó khăn về vốn, ổn định và tồn tại trong tình hình hiện nay.

Cụ thể hóa các chính sách

Theo ông, chính sách thời gian qua đã đủ liều lượng chưa? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, giảm lãi suất cho vay cùng một số chính sách khác được thực thi theo hướng đẩy cầu lên là nhằm hỗ trợ xử lý điểm nghẽn tín dụng.

Tuy nhiên, giải quyết nợ xấu tích cực mới là một cách hỗ trợ hợp lý nhất và phải làm được mới hỗ trợ được, còn nếu chỉ thực hiện bằng Nghị quyết không có tác dụng. Thời gian qua, việc cụ thể hóa, hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ và các tiêu chí để giải quyết thủ tục vay chưa xử lý nhanh nên còn nhiều hạn chế.

Đồng thời, chủ trương đưa ra đúng nhưng do độ trễ của quá trình thực hiện nên kết quả chưa đạt như mong muốn. Giữa các ngân hàng và DN cũng đang dần mất đi tiếng nói chung, thiếu sự phối hợp, chia sẻ để cùng vượt qua khó khăn. Để tháo gỡ vấn đề này, trong năm 2014, ngân hàng cần phải tích cực mở tín dụng tối đa với lãi suất thấp hơn và ưu đãi cao hơn đối với các DN trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, xuất khẩu, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

Song song đó, ngân hàng cần nhanh chóng xử lý nợ xấu, áp dụng tiêu chí phân loại nợ xấu mới. Và khi các yếu tố về pháp lý đối với nợ xấu được bảo đảm những khoản nợ xấu bán cho VAMC mới có thể hấp dẫn được nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua lại.

Thưa ông, các tổ chức quốc tế vừa dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ hạ từ mức 5,8% xuống 5,5%. Điều này có đáng lo ngại?

Các tổ chức quốc tế thường xem xét và phán đoán về khả năng tăng trưởng, cũng như nhìn vào khả năng thực hiện của chúng ta để đưa ra con số này. Vì thế dự báo của họ chưa thấy được năng lực tự thân, quyết tâm của chúng ta.

Thực tế, năm 2014 Việt Nam có nhiều thuận lợi để nền kinh tế phát triển tốt hơn, bởi chúng ta đang có rất nhiều chính sách hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề dài hạn như mô hình tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế và hệ thống thể chế.

Theo dự kiến, tăng trưởng của Việt Nam năm nay ở mức 5,6-5,8%, đồng thời tổng phương tiện thanh toán được nâng lên mức 16-18% và kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12-14%, một chỉ tiêu hợp lý giữa tăng trưởng và đầu tư tín dụng. Mặc dù tăng trưởng của nền kinh tế còn phụ thuộc vào các vấn đề như đầu tư công, đầu tư nước ngoài và vốn ODA, nhưng theo tôi mục tiêu tín dụng từ 12-14% là hợp lý.

Xin cảm ơn ông.