Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm, sâu nhất gần 2 năm
Không nằm ngoài xu hướng bán tháo của chứng khoán toàn cầu, các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm mạnh trước nỗi lo suy thoái đối với nền kinh tế.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 5/8, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 1.033,99 điểm, tương đương 2,6%, xuống 38.703,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3% xuống còn 5.186,33 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ tháng 9/2022. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 3,43% xuống 16.200,08 điểm.
Nỗi sợ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là nguyên nhân chính đứng sau hành vi bán tháo chứng khoán toàn cầu sau khi nước này công bố báo cáo việc làm tháng 7 với kết quả gây thất vọng. Và với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục neo cao lãi suất trong kỳ họp mới nhất, không ít nhà đầu tư lo ngại cơ quan này một lần nữa mắc phải sai lầm khi giảm lãi suất quá muộn, qua đó làm suy yếu nền kinh tế một cách không cần thiết. Trước đó, Fed đã phải tăng mạnh lãi suất lên ngưỡng cao nhất hai thập kỷ khi mang những quan niệm không chính xác về lạm phát.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thị nhà đầu tư “thẳng tay” xả hàng. Giá cổ phiếu Nvidia giảm 6,4%, đưa mức tăng trong 52 tuần gần nhất lên gần 29%. Thị giá Apple giảm 4,8% sau khi bị Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett bán một nửa danh mục. Ngoài ra, giá cổ phiếu của Tesla cũng giảm 4,2%; Super Micro Computer giảm 2,5%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng sụt giảm mạnh khi nhà đầu tư đổ tiền vào sản phẩm tài chính này, vốn an toàn hơn so với cổ phiếu. Lợi suất 10 năm hiện chỉ còn 3,78%, thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Trên thị trường, Cboe Volatility Index - Chỉ số chuyên đo lường mức độ biến động hay còn được gọi là thức đo “nỗi sợ” của nhà đầu tư, có thời điểm tăng lên ngưỡng 65 điểm, cao nhất kể từ đầu năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.
Theo ông Sam Stovall - Giám đốc đầu tư tại CFRA Research, chỉ số S&P 500 hiện thấp hơn 8,5% so với đỉnh gần nhất. Nhà đầu tư mang tâm lý phòng thủ cao ở thời điểm hiện tại. Do đó, thị trường đứng trước rủi ro điều chỉnh lớn. Và những dữ liệu kinh tế yếu đã góp phần khiến điều đó xảy ra.
Trong chương trình “Squawk Box” của CNBC, Chủ tịch Fed Chicago - Austan Goolsbee thừa nhận, lãi suất có thể mang tính chất “quá giới hạn”. Tuy nhiên, ông lại không chia sẻ nhiều về hành động của Fed thời gian tới.
“Nếu các điều kiện kinh tế xấu đi nhanh chóng, ngân hàng trung ương sẽ thay đổi chính sách”, ông Austan Goolsbee cho biết.