Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của ACB

Tuấn Thủy

Sau khi bán ra gần 121 triệu cổ phiếu ACB, tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital giảm từ 6,91% xuống 3,80%, không còn là cổ đông lớn của nhà băng này.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), quỹ ngoại Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn nắm giữ từ 5% trở lên cổ phiếu ACB tại ngân hàng này.

Cụ thể, Dragon Capital đã bán ra 120,98 triệu cổ phiếu ACB trong phiên giao dịch ngày 7/8. Sau giao dịch, lượng cổ phiếu ACB đang được quỹ ngoại này nắm giữ giảm xuống còn 147,8 triệu cổ phiếu.

Tỷ lệ sở hữu của Dragon Capital cũng giảm từ 6,91% xuống 3,80%. Phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu ACB đóng cửa ở mức 23.750 đồng/cổ phiếu, giảm 2,66%. Ước tính với mức giá này, Dragon Capital đã thu về hơn 2.873 tỷ đồng.

Về ACB, ngân hàng mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2023 duy trì tích cực, với tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 8.023 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ lại giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 3.865 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí dự phòng tăng mạnh, trong khi cùng kỳ năm ngoái ACB đã hoàn nhập phần chi phí này.

Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 9.989 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022, hoàn thành 49,8% kế hoạch năm đã đề ra trong Đại hội cổ đông thường niên 2023.

Xu hướng nợ xấu toàn ngành Ngân hàng tăng mạnh nhưng ACB có sự kiểm soát tốt hơn. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng trong quý II của ACB mặc dù tăng lên mức 1,06% nhưng chủ yếu do một khách hàng phát sinh nợ xấu CIC từ ngân hàng khác, trong khi nợ xấu nội bảng của ACB vẫn giữ vững ở mức 0,96%. Ban Lãnh đạo kỳ vọng khoản chi phí này sẽ được hoàn nhập và tỷ lệ nợ xấu vẫn dưới 1% trong quý tới và cả năm.

ACB cũng là một trong số ít các ngân hàng nói không với trái phiếu doanh nghiệp. Tại thời điểm ngày 30/6, Ngân hàng không nắm giữ bất cứ trái phiếu doanh nghiệp nào trong khi cuối năm trước, con số này là 500 tỷ đồng.