Dự án BOT hầm Đèo Cả 50 nghìn tỷ đồng chính thức thông xe
Sáng 21/8, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã tổ chức lễ thông xe chính thức đưa hầm đường bộ đèo Cả vào vận hành khai thác sau gần 6 năm xây dựng. Đây là công trình hầm đường bộ quy mô lớn đầu tiên được thực hiện theo hình thức BOT bằng nguồn vốn trong nước bởi chủ đầu tư và các nhà thầu Việt Nam.
Sau hơn 6 năm triển khai, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần giải quyết được dứt điểm tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên đèo Cả, rút ngắn khoảng cách từ 21 km xuống còn 13 km, rút ngắn thời gian qua đèo từ 60 phút xuống còn 10 phút.
Dự án bao gồm hai hầm Đèo Cả và Cổ Mã này nối liên 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư là 11.378 tỉ đồng với chiều dài là 13,19 km, trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125 m, hầm Cổ Mã dài 500 m. Quy mô toàn dự án là đường cao tốc, vận tốc 80 km/h, 4 làn xe ô tô, 2 làn dừng xe khẩn cấp.
Việc đưa hầm Đèo Cả vào khai thác sử dụng, đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư Việt Nam, giải quyết tình trạng ùn tắc và mất an toàn khi đi qua Đèo Cả trước đây, thời gian được rút ngắn từ 60 phút xuống chỉ còn 10 phút. Qua đó kết nối 2 tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo điều kiện về lưu thông giữa các tỉnh Nam Trung bộ với cả nước.
Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư, trong đó tập đoàn Hải Thạch nắm 62,444% cổ phần, tiếp đến là Ngân hàng Vietinbank nắm 26,7% thông qua hai công ty con là Vietinbank Capital và Vietinbank Coseco. Số cổ phần còn lại do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội nắm giữ.
Công ty cổ phần Đèo Cả đang là chủ đầu tư của 3 dự án đường hầm lớn nhất cả nước nằm trên tuyến đường quan trọng nhất của cả nước. Đó là dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân và hầm đường bộ Đèo Cả, Đèo Cù Mông đây là những dự án BOT trên trục huyết mạch quốc lộ 1A.
Mức thu phí dịch vụ sử dụng hầm đường bộ đèo Cả cao nhất cho mỗi lượt xe 288.000 đồng, thấp nhất 60.000 đồng.