Dự án đầu tư không sử dụng vốn nhà nước cũng sẽ bị quản chặt
(Taichinh) - Không chỉ dự án sử dụng vốn nhà nước, mà cả dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư ra nước ngoài, dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP)… sẽ được quản lý và giám sát chặt chẽ.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 113/2009/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư đã chính thức được đưa ra lấy ý kiến công luận. Một trong những điểm mới quan trọng của Dự thảo Nghị định, đó là đối tượng điều chỉnh sẽ không chỉ là các dự án sử dụng vốn nhà nước, mà còn là các dự án FDI, dự án đầu tư ra nước ngoài, cả các dự án PPP, cũng như các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước ngoài vốn đầu tư công…
Việc này, theo lý giải của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định, là để đảm bảo quản lý, giám sát và đánh giá chặt chẽ các dự án đầu tư, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thực tế, Nghị định 113/2009/NĐ-CP mới chỉ quy định giám sát và đánh giá đầu tư theo 2 loại, là dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên và các dự án khác, trong khi trên thực tế, còn rất nhiều dự án đầu tư từ các nguồn vốn khác cũng cần được giám sát và đánh giá đầy đủ.
“Các thay đổi, bổ sung này sẽ tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về các hoạt động đầu tư của toàn xã hội”, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết.
Tất nhiên, trong Dự thảo Nghị định, đầu tư công là một trong những ưu tiên hàng đầu để giám sát và đánh giá đầu tư. Với việc Luật Đầu tư công đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, thì các quy định tại Dự thảo Nghị định, dự định được Chính phủ thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, trùng thời điểm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực, sẽ góp phần quan trọng để tạo sự minh bạch và nâng cao hiệu quả của đồng vốn đầu tư công.
Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, mà cơ quan chủ quản, người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng phải có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra quá trình đầu tư dự án, nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư.
Cũng không chỉ là giám sát quá trình đầu tư dự án, mà Dự thảo Nghị định còn bổ sung các quy định giám sát, đánh giá quá trình lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như bổ sung việc giám sát, đánh giá của các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư các chương trình, dự án đầu tư. Nghĩa là, công tác giám sát và đánh giá đầu tư các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước sẽ được bắt đầu ngay từ đầu.
Các quy định về giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước cũng đã được quy định cụ thể trong Dự thảo Nghị định.
Không những thế, theo một thông báo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống Thông tin phục vụ công tác giám sát và đánh giá đầu tư các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước cũng sẽ được đưa vào hoạt động trong thời gian tới. “Hệ thống này sẽ được triển khai thống nhất trên toàn quốc nhằm cập nhật, quản lý, khai thác thông tin về các dự án đầu tư trong kho dữ liệu tập trung tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phù hợp với các nội dung quy định của Luật Đầu tư công”, ông Tự cho biết.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi các thông tin cơ bản nhất về các dự án đầu tư về Bộ để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Hệ thống. Hạn cuối cùng để gửi thông tin là ngày 10/5/2015.
Tương tự, cùng với các dự án đầu tư công, thì các dự án FDI, dự án PPP, dự án đầu tư ra nước ngoài… cũng sẽ được quản chặt. Việc giám sát, kiểm tra các dự án PPP cũng sẽ được thực thi ngay từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án. Các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư dự án; nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án; người có thẩm quyền quyết định đầu tư; cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công sẽ cùng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án dạng này.
Các dự án đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là dự án có sử dụng vốn nhà nước cũng sẽ được quản chặt và phải báo cáo thường xuyên, theo tháng, theo quý với cơ quan quản lý. Không chỉ giám sát tiến độ thực hiện dự án, các vấn đề liên quan đến chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, việc huy động và sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài (nếu có); tình hình khai thác vận hành dự án, giữ lại lợi nhuận để đầu tư dự án mới, chuyển lợi nhuận về nước; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam; tình hình sử dụng lao động Việt Nam... cũng phải được báo cáo và giám sát đầy đủ.
Trong khi đó, với các dự án FDI, việc giám sát sẽ được thực hiện không chỉ trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, mà còn là tiến độ góp vốn, tình hình triển khai, việc thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường, sử dụng đất đai, sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy định; tình hình thực hiện các ưu đãi đầu tư, các điều kiện kinh doanh...
Hàng loạt quy định chặt chẽ được đặt ra, nhằm siết chặt hậu kiểm các dự án đầu tư từ đủ các loại nguồn vốn khác nhau. Tuy nhiên, từ thực tế giám sát và quản lý đầu tư các dự án theo quy định tại Nghị định 113/2009/NĐ-CP, thì cần có những chế tài chặt hơn để đảm bảo các quy định này, khi được ban hành, sẽ được thực thi nghiêm túc trong thực tế.