Dự án điện mặt trời: Không quá dựa vào tín dụng
Mỗi dự án điện mặt trời (ĐMT) có tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, trong đó phần vốn tài trợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) chiếm tỷ lệ không nhỏ.
Bài học chủ đầu tư có vốn mỏng, dựa vào vốn vay NH dẫn đến không hiệu quả của các dự án BOT, đang là những cảnh báo việc NH mạnh tay cho vay các dự án ĐMT. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng chính phủ.
PV: Thưa ông, Quyết định 11/2017 về cơ chế khuyến khích ĐMT của Chính phủ đã thúc đẩy xu hướng đầu tư dự án ĐMT phát triển mạnh. Trong xu hướng đó, có NHTM rót vốn vào lĩnh vực này 70% tổng vốn đầu tư. Quan điểm của ông về việc NH có nên rót vốn vào các dự án ĐMT hiện nay?
TS. Trần Du Lịch: Chính phủ đang khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các dạng năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, ĐMT nhằm tạo thêm nguồn cung, hướng tới sự thay đổi cần thiết về cơ cấu nguồn điện để giảm dần dự án nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than.
Nhưng một trong những nguyên nhân đang khiến việc phát triển năng lượng tái tạo bị chậm do vấn đề giá cả và việc kết nối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nơi độc quyền mua điện để phân phối theo cơ chế bán điện hiện hành. Chỉ những dự án nào được Chính phủ phê duyệt về giá điện và có sự cam kết kết nối của EVN mới có thể triển khai được.
Khi cho vay dự án ĐMT, NH cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dự án phải nằm trong quy hoạch.
Bên cạnh đó, năm 2019 còn gặp vướng mắc do thay đổi Luật Quy hoạch. Theo đó, những dự án thuộc diện quy hoạch, chẳng hạn nơi nào làm điện gió, nơi nào làm ĐMT đang phải chờ nghị định triển khai Luật Quy hoạch của Chính phủ, nên có sự ngưng trệ nhất định.
Tuy nhiên, với chính sách gần đây như nâng giá mua điện cùng một số thỏa thuận mua điện của EVN, một số dự án về ĐMT, điện gió đã và đang triển khai có sự hấp dẫn nhất định đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong cho vay.
Tôi cho rằng khi cấp tín dụng cho các dự án điện gió, ĐMT nếu dự án đầu tư nằm trong quy hoạch được duyệt giá mang tính khả thi và được sự ký kết mua điện, đấu nối với hệ thống điện quốc gia của EVN, rủi ro đối với các TCTD rất ít.
Nếu những điều kiện cần thiết của dự án ĐMT không đạt như trên, chủ đầu tư làm theo kiểu phong trào rồi ngưng trệ do quá trình định giá cũng như đấu nối, rủi ro của bên cho vay là không tránh khỏi.
Trước đây, các dự án BOT cũng từng có sức hấp dẫn lớn đối với các NHTM. Câu chuyện của BOT có thể xem là bài học kinh nghiệm về việc đổ vốn lớn vào các dự án ĐMT hiện nay, thưa ông?
Trước việc ồ ạt đầu tư cho các dự án ĐTM, chúng ta không nên quên bài học về BOT. Theo báo cáo vừa công bố, 32% các dự án BOT đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu thu phí không đạt như dự kiến, dẫn đến dư nợ với đối với các dự án này khoảng 43.000 tỷ đồng và đối mặt với rủi ro cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ.
Hiện cũng đã có NH rao bán nợ có tài sản đảm bảo quyền thu phí tại dự án BOT. Bài học rút ra từ việc này là những dự án BOT làm vội vàng thiếu tính khả thi, đặc biệt nhược điểm lớn nhất của các dự án BOT là chủ đầu tư mỏng vốn, tức vốn chủ sở hữu quá ít nên chủ yếu dựa vào tín dụng của NH.
Trước việc ồ ạt đầu tư cho các dự án ĐTM, chúng ta không nên quên bài học về BOT.
Đây là nguy cơ cần phải tính toán, phải chọn ra các nhà đầu tư có năng lực tài chính ở mức độ cần thiết, không thể tiếp diễn tình trạng đầu tư theo kiểu “tay không bắt giặc” và dựa hoàn toàn vào tín dụng NH.
Chính vì chi phí tài chính quá lớn do chủ đầu tư không có tiền phải dùng vốn vay, cộng với tiêu cực phí trong quá trình xây dựng khiến các dự án đó đội vốn lên dẫn đến không hiệu quả và gặp khó khăn.
Theo tôi, bài học này tiếp tục có giá trị đối với mọi loại dự án đầu tư dài hạn khác, kể cả vấn đề năng lượng tái tạo và không nên tiếp diễn tình trạng như vậy.
Việc nhà đầu tư nhộn nhịp tham gia thị trường ĐMT nói riêng và lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung là tín hiệu tốt. Nhưng ngoài nguồn vốn NH, còn có nguồn vốn nào khác phù hợp và hiệu quả hơn?
Phát triển nguồn năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, ĐMT, là định hướng mang tính chiến lược về năng lượng quốc gia Việt Nam. Theo đó, các dự án về ĐMT nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung cũng hấp dẫn vốn NH.
Tuy nhiên, tôi cho rằng nên đa dạng hóa nguồn tín dụng, bởi vốn dài hạn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo chỉ dựa vào vay NH là không ổn. Có mấy cách để giải quyết vấn đề này. Thứ nhất, hướng tới chính sách buộc nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo yếu hợp nhất lại để có nguồn vốn chủ sở hữu tương đối lớn, tương đối cần thiết.
Thứ hai, hiện Chính phủ đang khuyến khích doanh nghiệp mở rộng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nên cần có giải pháp giúp những dự án này phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán để huy động vốn trực tiếp.
Nguồn thứ ba mới tính đến vốn của các NHTM. Đó là những nguồn cần tính tới, và đặc biệt lưu ý trái phiếu dự án có tính khả thi lưu hành trên thị trường chứng khoán huy động trực tiếp là điều kiện rất tốt cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hiện nay, quốc tế cũng có những quỹ hỗ trợ các dự án này nhưng chủ đầu tư phải tự tìm, còn Nhà nước không có quỹ riêng cho vấn đề này.
Đối với xu hướng rót vốn vào dự án ĐMT của các NHTM hiện nay, khi cho vay NH cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là dự án phải nằm trong quy hoạch. Bởi dự án trong quy hoạch mới được Nhà nước chấp nhận cho EVN mua điện, đấu nối vào lưới điện quốc gia và đảm bảo giá cả.
Những điều kiện đó đầy đủ, các dự án năng lượng tái tạo sẽ không có rủi ro, còn nếu không đáp ứng được, NH cho vay sẽ gánh rủi ro và bài học nhãn tiền có thể nhìn thấy ngay là BOT. Tôi tin các TCTD cũng đủ cẩn trọng cần thiết cho vấn đề này.
Xin cảm ơn ông!