Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Hiệu quả đặt lên hàng đầu
Mục tiêu của việc thành lập 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc nhằm tạo ra động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy lợi thế so sánh của từng khu vực. Đã là kinh tế, thì hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, nhiều Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mong muốn, Ban soạn thảo dự án Luật phải trả lời cho được câu hỏi: 3 đặc khu kinh tế này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước.
Bỏ ra cái gì, thu được cái gì?
Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt có nhiều chính sách mới, mang tính thử nghiệm. Càng mới càng phải thận trọng, làm từng bước vững chắc, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đây cũng là dự án luật được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước đột phá, động lực trong phát triển kinh tế ở 3 đặc khu nói riêng và cả nước nói chung. Phải làm sao phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, tạo sự phát triển nhanh chóng?
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển, đã là kinh tế thì hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Câu hỏi đặt ra là 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước. Chúng ta sẽ bỏ ra cái gì và thu được cái gì? Trong ngắn hạn chúng ta phải bỏ tiền đầu tư, nhưng trong dài hạn phải mang lại lợi ích thiết thực.
Ví dụ, có thông tin cho rằng, 3 đặc khu này muốn phát triển cần hơn 1 triệu tỷ đồng, vậy nguồn lực này từ đâu? Chưa kể, ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp, còn hỗ trợ gián tiếp thông qua hình thức miễn, giảm, giãn thuế… Làm kinh tế phải tính toán thu như thế nào, chi như thế nào, phải nhìn nhận tổng quát chứ nhìn định tính thì khó.
Cùng lo ngại về nguồn vốn đầu tư, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cần khẳng định rõ là chủ yếu là thu hút đầu tư chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Ngân sách đầu tư phát triển cả nước trong 5 năm khoảng 2 triệu tỷ đồng, làm sao chỉ đầu tư riêng cho 3 đặc khu 1 triệu tỷ đồng?
Ở góc độ phân tích đặc điểm địa lý, đặc tính dân cư, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, kinh tế của các đặc khu có những điểm giống và khác nên phải có ưu tiên phát triển khác nhau để phát huy lợi thế so sánh của từng đặc khu. Đơn cử, Vân Đồn giáp Trung Quốc có thể giao thương với các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Chưa kể, kéo theo đó, ngành nghề đưa vào đây phải tính toán.
Vân Đồn có thể trở thành một khu vực thiên đường mua bán, trao đổi hàng hóa tự do, chế biến nông sản, hàng hóa của Việt Nam đi ra khu vực và tiếp nhận hàng hóa. Nổi bật là phát huy các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, trong đó có câu chuyện casino...
Bắc Vân Phong có lợi thế là cảng nước sâu, nên chăng mũi nhọn kinh tế là biển, dịch vụ cảng biển, dịch vụ hàng hải để hình thành các đội tàu, sửa chữa tàu biển để phục vụ hoạt động du lịch qua đường biển hay các khu nghỉ dưỡng cho các thủy thủ đoàn. Đó phải là nơi vươn ra để khai thác phát triển kinh tế biển. Đối với Phú Quốc, nên tính toán về vai trò trung tâm tài chính, nghỉ dưỡng, y tế cao cấp…
Không ưu đãi tràn lan
Ở góc độ hướng tới sự phát triển nội lực ở 3 đặc khu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chúng ta cho cơ chế, chính sách chứ không cho tiền. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi cũng không nên quá tràn lan.
Ưu đãi phải có trọng tâm, trọng điểm vào các dự án lớn, tạo sự đột phá, tránh làm méo mó và biến dạng chính sách thuế. Đơn cử, cũng là công dân Việt Nam, đầu tư ở đặc khu kinh tế - hành chính đặc biệt rất được ưu đãi, nhưng ở các vùng miền khác lại không được ưu đãi như vậy? Nên chăng chuyển dần quan điểm ưu đãi cho các địa phương theo từng vùng sang ưu đãi theo ngành nghề, theo dự án sẽ hợp lý hơn.
Hơn nữa, ưu đãi không phải là điều kiện tối đa để thu hút đầu tư, mà môi trường đầu tư thân thiện, cơ sở hạ tầng, cơ hội phát triển tương lai mới là yếu tố quan trọng. Ưu đãi tràn lan là gây khó cho việc quản lý và khó cho việc tạo nguồn thu, Chủ nhiệm UB Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, điều nhà đầu tư cần chính là môi trường đầu tư, và môi trường này phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, trong môi trường đầu tư không thể chỉ hiểu đơn thuần là thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phong cách, trách nhiệm của người quản lý đặc khu.
Tiếp thu những ý kiến của các thành viên UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, khẳng định nguyên tắc xây dựng dự án Luật là tạo ra thể chế vượt trội nhằm hình thành nên cực tăng trưởng mới.
Theo đó, chỉ tạo ra thể chế là chính, hỗ trợ ngân sách một phần, ngân sách ở đây chỉ là “vốn mồi” để thu hút các nhà đầu tư. Vấn đề quan trọng mà Ban soạn thảo dự án luật hướng tới đó là tạo ra thể chế mới, phân cấp, phân quyền cho đặc khu kinh tế nhiều hơn, tạo sự chủ động cho 3 đặc khu và bảo đảm các nhà đầu tư hấp thụ được chính sách.
Đồng tình với quan điểm chính sách ưu đãi không phải yếu tố quyết định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án luật sẽ tạo môi trường đầu tư bình đẳng và bảo đảm sự cạnh tranh. Hiện, dự án Luật cũng có 25/85 điều quy định về môi trường và chính sách đầu tư. Ban soạn thảo cũng đã rà soát lại các ngành nghề được ưu tiên đầu tư, bảo đảm không tràn lan.
Lợi thế của 3 đặc khu kinh tế đã rõ, nhưng phải làm sao thu hút và níu giữ được các nhà đầu tư tốt. Như yêu cầu của Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, chính sách không nên quá cụ thể để tránh bó hẹp, nhưng cũng không quá mở rộng để tránh tràn lan. Khi tràn lan sẽ không còn đặc biệt nữa.