Tiếp thu, chỉnh lý mô hình chính quyền đặc khu: Không thuần túy là đặc khu kinh tế
Tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt, trong đó, tập trung vào một nội dung “xương sống”, là vấn đề còn nhiều tranh luận từ khi dự luật được khởi thảo đến nay: Mô hình tổ chức chính quyền đặc khu. Đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật - cơ quan được giao chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, cho biết, hiện đang rà soát, thiết kế chính quyền đặc khu theo mô hình: Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND). Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động của HĐND và UBND đặc khu sẽ có những đổi mới căn bản so với mô hình truyền thống và sẽ phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho người đứng đầu cơ quan hành chính đặc khu.
Chỉnh sửa để có phương án hợp lý nhất
Việc thiết kế tổ chức chính quyền đặc khu theo phương án chỉnh sửa mới sẽ đáp ứng được những yêu cầu đặt ra đối với chính quyền đặc khu như thế nào?
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ phương án 1 tại Kỳ họp thứ Tư Quốc hội (QH) vừa qua như Chính phủ trình có thể lý giải được vì trong 2 phương án trình QH thì phương án 1 đáp ứng được các tiêu chí: đột phá với bộ máy tinh gọn, bảo đảm điều hành, quyết định linh hoạt, thông suốt; xác định được trách nhiệm cá nhân; xây dựng một “thể chế vượt trội” nhằm “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.
Nhưng hệ lụy đi kèm với phương án 1 thì ngay cả các ĐBQH ủng hộ cũng đã chỉ rõ. Đó không chỉ là việc không thống nhất với kết luận của Hội nghị Trung ương 11, Khóa XI, khẳng định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1, Điều 110 Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Phương án này cũng không bảo đảm quyền đại diện của Nhân dân, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, theo đó, nhân dân trực tiếp bầu ra đại biểu HĐND tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, ủy quyền cho HĐND bầu ra cơ quan hành chính, người đứng đầu cơ quan hành chính.
Và lo nhất là, một “ông” Trưởng đặc khu có quyền lực gần như “vô song”, được phân cấp cả những thẩm quyền rất quan trọng của Thủ tướng Chính phủ nhưng lại không có một cơ chế giám sát việc thực thi quyền lực hữu hiệu của cơ quan dân cử cùng cấp. Tuy có quy định về cơ chế giám sát là HĐND cấp tỉnh đối với đặc khu”.
Tuy nhiên, hoạt động của chính quyền đặc khu, những quyết đáp liên quan đến đời sống dân sinh, quyền lợi chính đáng của người dân diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Trong khi thực tế thí điểm không tổ chức HĐND ở một số quận, huyện, phường trước đây cũng đã cho thấy, HĐND tỉnh không phải lúc nào cũng giám sát thực sự hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp huyện.
Mặt khác, tại Kỳ họp thứ Tư của QH, nhiều ĐBQH cũng chưa tán thành với cả hai phương án và đề nghị phải nghiên cứu, đưa ra một mô hình hợp lý hơn. Vì thế, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý tìm phương án thực sự đáp ứng yêu cầu.
Ở đâu có quyền lực ở đó có sự giám sát, kiểm soát quyền lực
Mô hình tổ chức chính quyền đặc khu theo phương án mới có những đổi mới rất căn bản so với mô hình tổ chức chính quyền địa phương truyền thống.
Một là, cách thức tổ chức quyền lực nhà nước vẫn được giữ như quy định của Hiến pháp và kết luận của Trung ương nhưng HĐND đặc khu (hay Hội đồng đặc khu), sẽ được tổ chức hết sức tinh gọn chỉ từ 12-15 đại biểu, đa số hoạt động chuyên trách và không tổ chức Thường trực HĐND hay các ban HĐND thay vì có 30 - 35 đại biểu, đa số hoạt động kiêm nhiệm, có Thường trực HĐND và các Ban HĐND như quy định của luật hiện hành.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng đặc khu cũng sẽ không bao quát toàn bộ các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội… như HĐND cấp huyện hiện nay mà chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ chính gồm: bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban đặc khu; thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách đặc khu; cho ý kiến về quy hoạch đặc khu trước khi UBND tỉnh trình Thủ tướng phê duyệt và giám sát hoạt động của Ủy ban đặc khu và Chủ tịch Ủy ban đặc khu.
Hai là, Ủy ban đặc khu sẽ chỉ gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch với nhiệm vụ, quyền hạn cũng được thu hẹp hơn rất nhiều so với UBND hiện nay: Chỉ thảo luận, xem xét tập thể các vấn đề trình Hội đồng đặc khu quyết định và thảo luận một số vấn đề quan trọng trước khi Chủ tịch đặc khu quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định (chủ trương đầu tư công nhóm A, dự thảo quy hoạch đặc khu…).
Ba là, thiết chế Chủ tịch Ủy ban đặc khu. Dù vẫn được Hội đồng đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh và được Thủ tướng phê chuẩn nhưng Chủ tịch Ủy ban đặc khu sẽ được phân cấp, phân quyền rất mạnh mẽ.
Thẩm quyền quản lý, điều hành toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội ở đặc khu sẽ được tập trung cho Chủ tịch Ủy ban đặc khu. Theo phương án này, Chủ tịch Ủy ban đặc khu vẫn “nắm giữ” khoảng 90% thẩm quyền được giao so với phương án Trưởng đặc khu mà Chính phủ đề nghị và đây cũng là thực quyền với trách nhiệm cá nhân được xác định rõ chứ không phải là cơ chế tập thể như hiện nay.
“Phương án chỉnh sửa rất ổn” và “thuyết phục nhất” so với hai phương án đã trình trước đây, GS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 nhận xét.
Bởi lẽ, theo phương án này, “linh hồn” của đặc khu vẫn chính là Chủ tịch Ủy ban đặc khu như mong muốn của Chính phủ và một số chuyên gia, nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm được các nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước đã được Hiến pháp quy định, có cơ chế giám sát, kiểm soát của cơ quan dân cử cùng cấp nếu người đứng đầu cơ quan hành chính đặc khu có các hành vi lạm quyền, lộng quyền, đi ngược với lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân đặc khu.
Tất nhiên, sẽ không có mô hình nào là lý tưởng. Phương án chỉnh sửa mới vẫn có những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện. Nhưng cần lưu ý rằng, chúng ta muốn xây dựng một đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chứ không thuần túy là một đặc khu kinh tế. Tại sao các nước có đặc khu kinh tế là đơn vị hành chính rất thành công hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc… đều tổ chức chính quyền đặc khu có cơ quan đại diện của nhân dân?
Vì nguyên lý rất đơn giản là, ở đâu có quyền lực, ở đó có xu hướng lạm quyền và phải có sự giám sát, kiểm soát quyền lực. Sự phát triển của đặc khu sẽ không còn ý nghĩa nếu sự cân bằng trong phát triển kinh tế - xã hội bị phá vỡ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân ở đặc khu không được bảo đảm. Vì thế, mô hình chính quyền đặc khu phải vượt trội tối đa nhưng đồng thời, cũng không được phép tạo ra bất cứ sự chông chênh, hẫng hụt nào.