Dự báo GDP trung bình của Việt Nam đạt 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023


Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam" vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 22/4/2021 dự báo 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

CIEM vừa công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023. Đây là những kịch bản tăng trưởng được xây dựng trên 3 tiêu chí Bình thường; Nới lỏng tài khóa và tiền tệ; Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế. Đáng chú ý, 3 kịch bản này đều được xây dựng trong điều kiện, Việt Nam kiểm soát được hoàn toàn đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021.

Kịch bản 1 (Bình thường): Kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,98%, cùng tỷ lệ lạm phát 3,51% năm 2021. Mức tăng trưởng sẽ tăng lên 6,45% và 6,61% trong các năm 2022 và 2023.

Kịch bản 2 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ): Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,43% năm 2021. Với việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, CIEM dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3,78%. Bước sang năm 2022, 2023, mức tăng trưởng mà CIEM dự báo lần lượt là 6,8% và 6,83%.

Kịch bản 3 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế): Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,47% năm 2021. Dù mức tăng trưởng cao hơn song đáng chú ý, CIEM dự báo mức lạm phát trong năm 2021 chỉ là 3,56%. Kinh tế trong năm 2022 và 2023 được đẩy lên mức: 6,88% và 6,92%.

Theo CIEM, nếu chỉ nới lỏng tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Trong khi đó, nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm thì tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm cải thiện đáng kể về năng suất. Khi đó, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Tại Báo cáo, CIEM cũng đề xuất lộ trình cải cách trong giai đoạn 2021-2023. Theo đó, trong giai đoạn này Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Cụ thể, năm 2021, tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế; Năm 2022, kết hợp giải pháp lục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế; Năm 2023, rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.