Dự báo giá vàng thế giới tuần từ 25/7/16 tới 30/7/16
Diễn biến của giá vàng thế giới trong tuần qua có dấu hiệu của sự giảm điều chỉnh và dự kiến trong tuần này sẽ tiếp tục giảm.
Diễn biến tuần qua (18/7/16 tới 23/7/16): Giảm điều chỉnh
Tuần qua, giá vàng thế giới giảm 0,75 % tương đương 10 Usd/Oz khi mở cửa tại 1332 Usd/Oz và đóng cửa tại 1322 Usd/Oz. Mức cao nhất chỉ đạt 1338 Usd/Oz trong khi mức thấp nhất vàng đã điều chỉnh giảm trong tuần là 1310 Usd/Oz.
Đồng USD tăng giá và thị trường chứng khoán tăng điểm đã hút dòng vốn đầu tư, nỗi lo về tình hình khủng hoảng hậu Brexit giảm khiến kim loại quý cũng giảm.
Dự báo tuần này (25/7/16 tới 30/7/16): Tiếp tục giảm
Giá mở cửa tuần này tại 1322 Usd/Oz và hiện đang dao động quanh mức 1316 Usd/Oz. Xu hướng giảm tiếp tục được đánh giá cao trong tuần này.
Các thông tin kinh tế trong tuần sẽ có tác động mạnh mẽ tới giá vàng, cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) có thể cho biết tín hiệu về quyết định tăng lãi suất trong thời gian tới, các thông tin về niềm tin tiêu dung, doanh số nhà mới… nếu lãi suất được điều chỉnh tăng sớm hơn dự kiến, tin tức tốt cho nền kinh tế, giá vàng sẽ tiếp tục giảm.
Nhận định giá vàng thế giới tuần 25/7/16 tới 30/7/16 theo phân tích kỹ thuật
Các chỉ báo xu hướng của thị trường như Stochastic, MACD đều cho tín hiệu giảm. Mức thấp mà giá có thể tìm về trong tuần nằm quanh 1300 Usd/Oz, trên mức hỗ trợ của đường trung bình giá 14 ngày (MA14), thậm chí giá có thể giảm về mức 1290 – 1280 Usd/Oz.
Biểu đồ giá vàng thế giới tuần (Weekly).
Tác động đến giá vàng trong nước:
Giá vàng trong nước tuần qua đóng cửa chiều mua và bán ở mức 36,31 – 37,65 triệu đồng/lượng (SJC HCM), giảm 210.000 đồng/lượng chiều mua (- 0,57%) và 230.000 đồng/lượng chiều bán (- 0,62%) so với giá mở cửa đầu tuần tại 36,52 – 37,88 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới giảm tác động giảm tới giá vàng trong nước. Tâm lý mua vàng tích trữ giảm trước sự biến động khó lường của giá vàng trong những tuần trước đó.
Giá mở cửa đầu tuần này được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào bán ra ở mức 36,19 – 36,52 triệu đồng/lượng, giảm 120.000 đồng/lượng chiều mua và 130.000 đồng/lượng chiều bán so với giá đóng cửa cuối tuần trước. Chênh lệch giá mua vào và bán ra là 330.000 đồng/lượng.
Tỷ giá Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua – bán ổn định ở mức 22260 – 22330 VNĐ/USD. Giá vàng trong nước có xu hướng tiếp tục giảm theo đà giảm của giá vàng thế giới và đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 700.000 – 850.000 đồng/lượng.
Hiện dư luận đang rất quan tâm tới thông tin Thủ tướng Chính Phủ giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo giải pháp khai thác nguồn lực trong dân bao gồm tiền, vàng…
Đề xuất của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam về việc khai thác 500 tấn vàng ước tính trong dân làm dấy lên lo lắng tình trạng vàng hóa có thể lại tái diễn nếu không có những biện pháp và chính sách phù hợp.
Ngoài những mặt tích cực như có thể giúp gia tăng vốn cho phát triển kinh tế, phát triển đất nước trong bối cảnh nhà nước đang thiếu nhiều vốn để triển khai, nguồn vốn ODA và các nguồn vốn có mức lãi suất thấp ngày càng hạn hẹp, khó tiếp cận… để triển khai được điều này, cần lường tới những mặt tiêu cực có thể xảy ra, đi ngược lại chính sách ổn định thị trường vàng và chống vàng hóa khá nhất quán bấy lâu nay của nhà nước.
Sự biến động thất thường và khó đoán định của giá vàng có thể gây rủi ro lớn nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn vốn vàng huy động, chưa kể tới hiệu quả đầu tư có thể không đạt như kỳ vọng…
Tuy nhiên, có thể có những giải pháp tiếp cận gián tiếp khác như tăng lãi suất tiền gửi VND… người dân có thể xem xét bán vàng để chuyển sang tích trữ tiền đồng đưa vào gửi Ngân hàng lấy lãi, nếu kinh tế ổn định, đồng nội tệ không mất giá, niềm tin gia vào sự điều hành của Chính phủ gia tăng…
Truyền thống tích lũy vàng như tài sản đảm bảo an toàn tăng hay giảm phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế trong và ngoài nước, cũng như các chính sách kinh tế, tài chính của nhà nước.
Biểu đồ giá vàng trong nước 10 ngày qua.