Dự báo Kinh tế số của Việt Nam đạt 30 tỷ USD vào năm 2025

Ngô Kiến

Trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, kinh tế số Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết; Trong đó, vấn đề thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng nền tảng phát triển kinh tế số là những thách thức không nhỏ.

Trong những năm qua, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách và quan tâm đầu tư các cơ sở hạ tầng quan trọng, phát triển ngành công nghệ thông tin - truyền thông, thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ hiện đại phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển thịnh vượng.

Cụ thể như: Quyết định số 392/2015/QĐ-TTg đề ra mục tiêu phát triển công nghệ thông tin tới năm 2020, tầm nhìn đến 2025; Quyết định số 149/2016/QĐ-TTg đề ra mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng băng tần và viễn thông tới năm 2020; Chỉ thị số 16/2017/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng Đề án quốc gia về chuyển đổi số, trong đó đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để chuyển đổi số nền kinh tế, xã hội, chuyển đổi số cơ quan nhà nước và một số ngành trọng điểm.

Trong lĩnh vực viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chiến lược mới để nâng cao tính cạnh tranh, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông sớm triển khai thử nghiệm công nghệ 5G. Hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép dịch vụ Mobile Money…

Chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu khách quan đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) nhận định, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) cũng khẳng định, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Mặc dù Việt Nam đã có những chương trình, giải pháp phát triển kinh tế số nhưng trong thực tế, thách thức lớn nhất và cũng là một trong những điểm yếu nhất của Việt Nam, đó là khoảng cách giữa hoạch định chính sách và việc triển khai trong thực tiễn. Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý cũng là vấn đề Việt nam cần chú trọng hoàn thiện. Kinh tế số đang tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số.

Đặc biệt, để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sản xuất và việc làm cũng cần chú trọng tới việc phát triển hạ tầng kết nối, khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, xây dựng xa lộ internet cho các dịch vụ nhiều người dùng, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác, đào tạo nguồn nhân lực các chuyên ngành an ninh mạng, công nghệ thông tin, truyền thông, giải trí...

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, tới đây sửa đổi Luật Doanh nghiệp thì một số điều kiện như gia nhập thị trường sẽ đơn giản hoá. Theo đó, gia nhập thị trường của doanh nghiệp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, doanh nghiệp chỉ cần qua một cổng duy nhất để hoàn thiện các thủ tục. Cùng với đó cần nâng cao quản trị số trong quản trị doanh nghiệp...

Ở góc độ doanh nghiệp nước ngoài, TS. Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam cũng chỉ ra bốn việc cần thực hiện để góp phần phát triển kinh tế số. Cụ thể gồm:

Một là, thúc đẩy kinh tế số ở mọi thành phần. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất.

Hài là, tìm ra giải pháp thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở cả bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi công nghệ mới xuất hiện, những doanh nghiệp này sẽ khó có đủ tiềm lực để tìm hiểu và triển khai.

Ba là, đảm bảo an toàn an ninh mạng, chuẩn bị nhân lực, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế số.

Bốn là, những sáng kiến, những dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, những hạ tầng hiện đại nhất…