Phát triển kinh tế số: Cơ chế nào khuyến khích sáng tạo?
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam (EU - EVFTA) đang chờ được phê chuẩn và triển khai thực hiện, phát triển kinh tế số sẽ là chìa khóa để đưa Việt Nam phát triển vượt bậc.
Muốn vậy, Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích sáng tạo. Đây là khuyến nghị được nêu ra tại buổi công bố Sách Trắng 2019: “EVFTA - Đổi mới và số hóa công nghiệp vì một Việt Nam thịnh vượng”, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức sáng 14/3.
62% doanh nghiệp đứng ngoài kinh tế số
Theo Eurocham, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi kết hợp với nhau sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Cách mạng Công nghiệp 4.0 thông qua quá trình số hóa diễn ra ở khắp các ngành nghề sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, đó là cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn nắm bắt cơ hội tiềm năng. Trong khi đó, EVFTA - một khi được phê chuẩn và triển khai - sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet cho biết, tại châu Âu, kinh tế số tăng trưởng gấp 7 lần so với các ngành khác. Việc phát triển kinh tế số sẽ giảm chi phí về vận tải, tạo công ăn việc làm cho cả nhóm người yếu thế, tàn tật có thể tham gia hoạt động kinh tế mà trước đây họ chưa từng làm. Đồng thời, kinh tế số giúp dịch vụ công được minh bạch, hiệu quả hơn; nền kinh tế và thị trường cũng trở nên minh bạch; quyền cá nhân được bảo đảm.
Tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế số. Theo Tiểu ban Công nghệ thông tin và truyền thông Eurocham, Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng internet, thuộc top 20 trên thế giới. Cả nước có khoảng 53% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014 và vượt xa nhiều nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam cũng có nguồn nhân lực không nhỏ làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với khoảng 250.000 người. Riêng về cơ sở hạ tầng, nhờ mở rộng mạng lưới viễn thông nên tổng băng thông kết nối internet quốc tế đạt hơn 3.816.000Mb/s, tăng gần 128% so với năm 2015…
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công thương Đặng Hoàng Hải bổ sung, Việt Nam đang có 4 nhóm chính sách liên quan phát triển kinh tế số. Thứ nhất là nhóm chính sách về giao dịch điện tử với Luật Giao dịch điện tử và Nghị định 26/2007 hướng dẫn thi hành Luật. Thứ hai là nhóm chính sách về an toàn mạng, đó là Luật An ninh mạng. Thứ ba là nhóm chính sách liên quan bảo vệ dữ liệu, gồm Luật An toàn thông tin mạng, Luật Công nghệ thông tin… Thứ tư là nhóm chính sách liên quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đó là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “So sánh với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi nhóm thứ nhất có 78% nước có cơ sở pháp lý, nhóm 2 có khoảng 38%, nhóm 3 khoảng hơn 40%... Việt Nam có cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ so với mặt bằng chung trong khu vực”, ông Hải nói.
Mặc dù vậy, tỷ lệ sẵn sàng cho kinh tế số trong cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa thực sự cao. Dẫn số liệu thống kê được Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thực hiện trong năm 2018 đối với hơn 2.600 doanh nghiệp cho thấy, trong khu vực công nghiệp, có 82% doanh nghiệp ở vị trí bắt đầu, 62% doanh nghiệp ở ngoài cuộc, 28% doanh nghiệp mới ở bước đi đầu tiên.
Tuy nhiên, trong khối thương mại, dịch vụ có khởi sắc hơn khi trong năm 2018 có sự phát triển vượt bậc khoảng 30%, doanh thu thương mại điện tử đạt khoảng 8 tỷ USD và dự đoán, đến năm 2025 là 15 tỷ USD, trở thành 1 trong 3 nước trong khu vực ASEAN phát triển mạnh nhất về thương mại điện tử.
Cần định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp
Dù thừa nhận Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế số, song nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế số, sẽ không tránh khỏi nguy cơ thụt lùi.
Theo ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nghiên cứu đã chỉ ra đến năm 2030, việc áp dụng công nghệ mới tại các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ tạo thêm 30 - 60 tỷ USD.
Do vậy, theo ông, để tận dụng các cơ hội do Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại, cần cải cách về thể chế và pháp luật để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho kinh tế số; đào tạo con người với những kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số để giải quyết vấn đề việc làm. Đồng thời, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D). Việc ra đời Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cũng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động này, qua đó đưa kinh tế số phát triển.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nêu ý kiến, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 bùng nổ với những công nghệ mới, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thì “không có cớ gì doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, bình chân như vại”.
Bởi lẽ, theo ông, yếu tố tồn tại hay không tồn tại tùy thuộc vào chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp đang áp dụng. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng dễ bị tác động nhất; do đó, Nhà nước cần hỗ trợ họ thông qua công tác đào tạo. Các yếu tố nội hàm của kinh tế số cần được làm rõ, “tức là các cơ quan quản lý cần định hướng cho doanh nghiệp phải làm gì, chính quyền làm gì”, ông Phòng kiến nghị.
Ông Denis Brunetti, đồng Chủ tịch Eurocham bổ sung, để phát triển kinh tế số, “không những Chính phủ Việt Nam mà ngay cả Chính phủ Mỹ cũng cần thúc đẩy công nghệ 5G. Đây là công nghệ mới song cũng cần bảo mật vì liên quan tới tất cả các ngành”.
Bên cạnh đó, theo ông, khi đã có công nghệ thì phải bảo đảm nguồn dữ liệu, “cũng giống như có con đường rộng phải có xe cộ đi lại mới phát huy hiệu quả”. Về giáo dục, phải nâng cao kỹ năng, đổi mới kỹ năng công nghệ số cho người lao động. Đặc biệt, về mặt pháp lý, “phải bảo đảm cộng đồng khởi nghiệp và người sáng tạo có cơ chế khuyến khích phát triển”, ông nói.