Dự báo triển vọng thị trường chứng khoán
Sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh, trở thành chỉ số chứng khoán tăng tốt nhất thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trải qua đợt điều chỉnh giảm sâu. Diễn biến tới đây của TTCK sẽ như thế nào? Cần những điều kiện gì để thị trường phát triển bền vững và minh bạch. Ðó là những nội dung chính được thảo luận tại diễn đàn do Báo Nhân Dân phối hợp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức tại Hà Nội vừa qua.
Sau cơn mưa trời lại sáng...
Bình luận về việc thị trường vừa trải qua cơn điều chỉnh sâu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Phạm Hồng Sơn cho rằng: Ðây là điều nằm trong dự báo của các công ty chứng khoán (CTCK) và tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam. “Với diễn biến thị trường tăng quá nóng, sự điều chỉnh từ đầu tháng 4 cho đến giữa tháng 7 là cần thiết để thị trường tìm điểm cân bằng” - ông Sơn nhấn mạnh.
Nhận định của nhà quản lý được khẳng định thêm khi mà chính các CTCK vẫn bày tỏ niềm tin vào dự đoán được đưa ra từ đầu năm 2018, VN Index xoay quanh ngưỡng 1.100 điểm. “Sau cơn mưa trời lại sáng” được thể hiện rõ từ phiên giao dịch ngày 12-7 cho đến nay, khi thị trường dần phục hồi, chỉ số VN Index đang xoay quanh mức 950 điểm, thanh khoản trên cả hai sàn HOSE và HNX đã đạt hơn 5.000 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với nửa đầu tháng 7 chỉ đạt hơn 3.900 tỷ đồng/phiên... Các nhà đầu tư nước ngoài (NÐTNN) cũng đang giảm tần suất bán ròng. Rõ ràng, dù mới hơn nửa tháng, nhưng sự phục hồi trở lại của TTCK đã mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư (NÐT) trên TTCK Việt Nam.
Một tín hiệu mang lại nhiều triển vọng cho TTCK đã được bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK của UBCKNN đưa ra tại diễn đàn: Thời gian qua, TTCK phát triển nhanh, khá đồng bộ về cơ cấu, trong đó, nổi trội nhất đó là đã thể hiện được chức năng huy động vốn cho nền kinh tế và cho các DN. Theo đó, tính đến tháng 6-2018, TTCK đã huy động hơn 2,1 triệu tỷ đồng thông qua nhiều hình thức khác nhau. Ðiển hình như giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu cộng lại đạt khoảng 100% GDP. Mặt khác, chất lượng “hàng hóa” trên thị trường đã được cải thiện thông qua các chuẩn mực về quản trị công ty, công bố thông tin, chế độ báo cáo của công ty đại chúng, với nhiều quy định hướng tới thông lệ quốc tế và nâng cao tính minh bạch của DN.
Bình luận về triển vọng thị trường cuối năm 2018 và năm 2019, theo các chuyên gia chứng khoán phân tích, động lực tăng trưởng của thị trường vẫn được tiếp tục bởi đến từ sự quyết liệt thoái vốn, đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nhưng cũng phải kể đến động lực quan trọng là kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt; tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các DN niêm yết khá ổn định, cơ hội nâng hạng thị trường và đà tăng trưởng kinh tế...
Ông Phạm Thiên Quang, Trưởng Bộ phận ngành và cổ phiếu, Công ty CP chứng khoán MB (MBS) nhận định: Trong hai quý cuối của năm 2018, TTCK vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ động lực của NÐTNN và nguồn vốn trong nước, trên nền tảng tăng trưởng ổn định của kinh tế vĩ mô và sự tăng trưởng tốt của các DN niêm yết.
Về cơ hội đầu tư, cũng theo MBS, sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, TTCK đang đứng trước cơ hội tăng trở lại, với các nhóm ngành chủ yếu là ngân hàng-chứng khoán, bất động sản, điện và bán lẻ. Dự báo mức tăng trưởng trung bình của các DN tốp đầu là 24,2% trong năm 2018 và 19,9% năm 2019. Dựa theo phân tích kỹ thuật, MBS dự báo chỉ số VN Index có khả năng phục hồi về mức 975-1.050 điểm vào cuối năm 2018 và đạt mức hơn 1.100 điểm trong năm 2019 phụ thuộc vào tăng trưởng của nhóm DN dẫn đầu.
Chất và lượng
Ðể vận hành TTCK Việt Nam trong thời gian tới phát triển bền vững và minh bạch, theo đại diện UBCKNN cho rằng, trong thời gian tới UBCKNN sẽ có một số giải pháp chính gia tăng chất-lượng tăng trưởng cho thị trường, hướng tới mục tiêu TTCK phát triển ngày càng bền vững, công khai, minh bạch. Các giải pháp được đưa ra như: Tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán theo hướng giải quyết các vướng mắc hiện hành với Luật DN và Luật Ðầu tư, cũng như bổ sung thẩm quyền cho UBCKNN trong việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức (tổ chức tín dụng, tổ chức dịch vụ viễn thông...), cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác thanh tra giám sát TTCK... Mặt khác, đa dạng và nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua việc đẩy mạnh công tác CPH, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Ðồng thời, nghiên cứu ban hành quy định hướng dẫn nghiệp vụ chào bán, phát hành theo phương pháp dựng sổ (book building).
Công tác tăng cường kiểm tra, đặc biệt là giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận, minh bạch thông tin, tổ chức triển khai áp dụng bốn tội danh trong lĩnh vực chứng khoán khi Bộ luật Hình sự mới bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018. Ðồng thời, UBCKNN cũng khuyến khích các DN niêm yết áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS); các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế; phát triển cơ sở NÐT, thu hút vốn ÐTNN; nâng hạng TTCK Việt Nam và tăng cường tính minh bạch của TTCK...
Một thông tin được nhiều NÐT quan tâm đã được Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn đưa ra: Sẽ thành lập sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam trên cơ sở hợp nhất hai SGDCK và phát triển, phân định các khu vực thị trường, gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và TTCK phái sinh để nâng cao vị thế của SGDCK Việt trong khu vực ASEAN. Ðặc biệt UBCKNN sẽ sớm nghiên cứu áp dụng thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho cả các giao dịch trên thị trường cơ sở như các nước trong khu vực và trên thế giới, giúp thiết lập cơ chế phòng ngừa rủi ro một cách đầy đủ và đồng bộ nhằm làm cho TTCK Việt Nam phát triển công khai, minh bạch hơn nữa.