Dự báo về thị trường bất động sản những tháng cuối năm
(Tài chính) Trong thời gian gần đây thị trường bất động sản nước ta đang có những bước khởi sắc và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Song, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động của thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường phát triển đúng hướng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2011 - 2013, nhiều dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội giảm giá bán đến 60%. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá bán của những dự án này đang được giữ ở mức ổn định, không tiếp tục giảm; đặc biệt, một số dự án có giá bán tăng nhẹ, khoảng 1-2%. Lượng giao dịch bất động sản thành công tăng liên tiếp trong 7 tháng năm 2014. Trong đó, có khoảng 5.100 giao dịch thành công tại Hà Nội, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013; con số này của TP. Hồ Chí Minh là 4.500 giao dịch, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2013.
Thị trường nhà ở đã và đang phát triển mạnh mẽ. Cụ thế, tính đến hết năm 2013, quỹ nhà ở của cả nước đạt 1.768 triệu mét vuông; bình quân tăng khoảng 80 triệu mét vuông/năm và năm 2014 dự kiến đạt mức 1.859 triệu mét vuông. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hiện cả nước có 427 dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản, với tổng vốn đăng ký khoảng 51 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2014, phân khúc thị trường văn phòng cho thuê cũng tăng trưởng cao tại thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nguyên nhân do, hai thành phố này tiếp tục là thị trường mục tiêu của các nhà bán lẻ trong năm 2014. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm và có kế hoạch phát triển dự án ở phân khúc này. Ngoài ra, theo đại diện của Công ty Bất động sản Savills Việt Nam, văn phòng cho thuê của nước ta có mức giá cạnh tranh so với các nước trong khu vực, nhất là trong phân khúc khách sạn, bán lẻ và căn hộ dịch vụ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản trong nước hiện vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh, không ổn định. Bởi nhiều địa phương cấp phép đầu tư tràn lan khiến nguồn cung bất động sản vượt qua nhu cầu sử dụng. Hơn nữa, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào phân khúc nhà ở cao cấp, chỉ chiếm 20% nhu cầu của người dân, nên có sức tiêu thụ chậm. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có quy mô nhỏ, năng lực yếu vẫn cố tham gia; thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, phiền hà, làm cho dự án kéo dài, gây lãng phí.
Gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển thị trường bất động sản đã được quan tâm: từng bước hoàn thiện thể chế, bảo đảm thị trường cung - cầu phát triển cân đối; rà soát, điều chỉnh các dự án; giải quyết nợ xấu và hỗ trợ tín dụng... Vì vậy, thị trường bất động sản đã khởi sắc trở lại và được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Song, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục chú trọng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động của thị trường; hoàn thiện cơ sở pháp lý cho thị trường phát triển đúng hướng. Theo đó, cần tăng cường tính minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng; kiên quyết dẹp bỏ tình trạng đặt ra nhiều thủ tục, vượt cấp, gây khó dễ, lãng phí thời gian, đánh mất cơ hội của dự án và làm nản chí các nhà đầu tư hiện vẫn đang xảy ra ở nhiều địa phương.