Dự báo VN-Index có thể đạt 1.500 điểm năm 2018
“Nếu các yếu tố hỗ trợ vẫn duy trì, kinh tế vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều và chứng khoán thế giới tốt thì mức tăng của VN-Index có thể đạt 1.500 điểm”, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Vietnam nhận định.
“Cú sốc” trên thị trường chứng khoán Việt Nam vừa qua được cho là chịu tác động lớn từ sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán thế giới, trong đó chủ yếu là từ thị trường Mỹ. VN-Index có phiên đã giảm xuống dưới mốc 1.000 điểm.
Xoay quanh diễn biến trên thị trường, BizLIVE đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Vietnam.
Theo ông tác động thị trường chứng khoán thế giới trong đợt sụt giảm vừa qua tới thị trường Việt Nam liệu có quá đà?
Ông Phan Dũng Khánh. |
Ông Phan Dũng Khánh: Nếu so với thị trường quốc tế đặc biệt là Mỹ thì mức giảm vừa rồi của thị trường khá tương đồng nhưng nếu so với kinh tế vĩ mô và những gì Việt Nam đạt được trong thời gian qua cùng với tương quan với các thị trường trong khu vực, các chỉ số đánh giá thị trường như P/E thì mức giảm vượt mức bình thường.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo tăng lãi suất, theo ông điều này có ảnh hưởng ra sao tới dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán như Việt Nam?
Tôi cho rằng có sự ảnh hưởng rất mạnh, đặc biệt nếu mức tăng của FED theo CME Group dự báo tần suất có thể sẽ nhiều hơn các năm trước (năm 2017 là 3 lần, 2016 là 1 lần và 2015 là 1 lần) và mức độ cũng có thể cao hơn (các lần trước mỗi lần chỉ là 0,25%).
Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đang tăng lên, khi thị trường trái phiếu bị bán tháo thì thị trường cổ phiếu cũng khó mà không bị theo được.
Ngoài ra, chi phí vay mượn trong nền kinh tế sẽ ngày càng cao hơn, doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ hơn về các khoản vốn đầu tư, kinh doanh, các lĩnh vực kinh doanh cũng như xem xét các kênh đầu tư khác (vàng, ngoại hối, tiền số, bất động sản, tiết kiệm khi lãi suất tăng).
Dòng vốn có thể sẽ dịch chuyển mạnh sang nhiều thị trường khác (các quốc gia và các kênh đầu tư khác) và dĩ nhiên TTCK sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Đánh giá của ông về những "bom tấn" IPO của các thương vụ lên sàn thuộc khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?
Những thương vụ IPO lớn rất thành công trong năm 2017 dù lác đác vẫn có những IPO “bom xịt” như Becamex, Sông Đà... bất kể thị trường rất tốt năm 2017.
Vì vậy thị trường năm 2018 nếu tình hình diễn biến xấu hơn hoặc không tích cực bằng năm 2017 (năm ngoái VN-Index tăng 48%) thì những thương vụ IPO khả năng bị ảnh hưởng, đặc biệt hiện nay ngoài IPO thì nhiều nhà đầu tư còn quan tâm ICO, phong trào khởi nghiệp lan rộng và ai cũng cần vốn khiến nguồn vốn còn bị phân tán hơn nữa bên cạnh lo ngại lãi suất tăng. Ngoài ra IPO tư nhân với quan niệm của nhiều nhà đầu tư thì mức độ "long lanh" cũng không bằng các doanh nghiệp có vốn Nhà nước nên sự quan tâm cũng bị giới hạn hơn.
Ông dự báo VN-Index có thể đạt mức bao nhiêu điểm trong năm nay và lưu ý về cổ phiếu ngành đầu tư?
Nếu các yếu tố hỗ trợ vẫn duy trì, kinh tế vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều và chứng khoán thế giới tốt thì mức tăng của VN-Index có thể đạt 1.500 điểm. Ngược lại kỳ vọng yếu hơn, mức tăng chỉ có thể đạt 1.300 điểm còn nếu có những diễn biến xấu từ thế giới, các yếu tố hỗ trợ mất đi thì thị trường có thể quay về dưới 1.000 điểm.
Nhóm ngân hàng, chứng khoán được quan tâm trong nửa đầu năm 2018. Các nhóm cổ phiếu penny cũng cần quan tâm bên cạnh các cổ phiếu công nghệ, hàng tiêu dùng, năng lượng.
Xin cảm ơn ông!