Động lực tăng trưởng mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khép lại năm 2017 với phiên giao dịch ngày 29/12 đầy thăng hoa, VN Index vượt qua mốc 980 điểm - đạt 984,24 điểm, tăng trên 48% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016, quy mô vốn hóa của TTCK đạt 70,2% GDP, vượt mức kế hoạch 70% GDP đặt ra tại Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
Theo các chuyên gia phân tích, cơ sở của sự tăng trưởng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam trong năm qua được dựa vào các yếu tố cơ bản như nền tảng kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều thuận lợi, sự quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng với đó, nỗ lực không ngừng của cơ quan quản lý thị trường trong việc đưa ra các quyết sách đúng đắn và giải pháp kịp thời trong công tác điều hành thị trường đã giúp TTCK Việt Nam có sự tăng trưởng và bứt phá ngoạn mục.
Cùng nhìn lại diễn biến của TTCK Việt Nam 2017
Biểu đồ diễn biến chỉ số VN Index và HNX Index năm 2017 (xem trang 70) cho thấy, TTCK liên tục tích lũy tăng dần về điểm số và thanh khoản trong 10 tháng đầu năm và bật tăng mạnh mẽ trong 2 tháng cuối năm, giúp TTCK Việt Nam có một năm giao dịch thành công vượt bậc.
Mặc dù trước đó còn một số nhận định cho rằng TTCK năm 2017 sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức trước tình hình địa chính trị và nền kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Tuy nhiên ngay trong quý I/2017, TTCK đã được tiếp sức bởi sự quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch (ĐKGD) cổ phiếu trên TTCK, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy sự minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư và thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn nhằm tạo động lực, tạo nguồn cung hàng mới và có chất lượng tốt cho TTCK.
Thực tế trong thời điểm này, dòng tiền khá lớn cũng đã được đổ về thị trường để đón nhận việc gia nhập TTCK của những mã cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp lớn như: VJC (Vietjet Air), FOX (FPT Telecom), VIB (VIBank), hay PLX (Petrolimex)… Sự tham gia của các mã này không chỉ giúp số lượng và chất lượng hàng hóa trên TTCK được gia tăng cũng như tạo nên sự thay đổi không nhỏ trong cơ cấu vốn hóa của TTCK và chỉ số chung, mà còn giúp cho nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm cơ hội sinh lời trên TTCK.
Quan sát diễn biến giao dịch TTCK trong quý I cho thấy, VN Index đã có sóng tăng mạnh - từ mức xuất phát là 664,87 điểm (phiên đầu tiên của năm 2017) vượt qua các mốc 700 điểm, 710 điểm và đặc biệt vượt qua ngưỡng kháng cự “cứng” 720 điểm tại phiên 24/3/2017, khép lại tháng 3 ở mức 722,31 điểm, tăng tổng cộng 57,44 điểm (+38,19%). Còn HNX Index cũng đã tăng hơn 13,35% so với cuối năm 2016, đóng cửa ở mức 90,82 điểm. Đi cùng đó là thanh khoản trên 2 sàn trong quý I tăng mạnh.
Nếu như giá trị giao dịch (GTGD) bình quân toàn thị trường trong tháng 01 chỉ đạt 2.409,64 tỷ đồng/phiên, thì sang tháng 2 đã tăng lên trên 3.605 tỷ đồng/phiên và đến tháng 3 lại có sự tăng mạnh với mức trên 4.599 tỷ đồng/phiên. Điều đáng chú ý trong các phiên giao dịch của TTCK quý I/2017, đó là biên độ tăng điểm của thị trường được chia đều trong các phiên giao dịch mà không tăng một cách đột ngột mặc dù dòng tiền chảy vào thị trường khá mạnh, thêm vào đó, dòng tiền cũng có sự luân chuyển đều đặn giữa các nhóm ngành lớn như ngân hàng, bất động sản, cao su… đã tạo nên sự tăng trưởng ổn định cho thị trường.
Bước sang đầu quý II, với những gam màu sáng, bức tranh TTCK trong 3 tháng đầu năm đã giúp thị trường tiếp tục ghi nhận sự tăng điểm mạnh, trong đó VN Index đã có 5 phiên tăng tính từ phiên 3/4 - 11/4 (ngoại trừ phiên ngày 5/4 thị trường giảm điểm và phiên ngày 6/4 nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương), để tiến thẳng lên trên 730 điểm. Mặc dù vậy, đà tăng này đã bị “ngắt lại” ngay phiên giao dịch ngày 12/4 và theo đó, VN Index đã có chuỗi 9 phiên giao dịch gần như liên tiếp bị sụt giảm mạnh xuống còn 707,58 điểm tại phiên giao dịch ngày 25/4.
Sự giảm điểm này đã khiến mặt bằng giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn kéo lực cầu bắt đáy gia tăng. Trong bối cảnh đó, hàng loại doanh nghiệp lớn trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý I với mức tăng trưởng khá cao, giúp VN Index phiên 26/4 bật tăng trở lại với đà tăng kéo dài sang tháng 5. HNX Index cũng có mức tăng 0,75%, đóng cửa tháng 4 ở mức 89,54 điểm. Tháng 4/2017, do TTCK điều chỉnh kéo mặt bằng giá cổ phiếu đi xuống khiến GTGD bình quân/phiên của toàn thị trường cũng bị sụt giảm nhẹ so với tháng 3, chỉ đạt gần 4.575,97 tỷ đồng (-0,5%).
Sau nhịp điều chỉnh của TTCK tháng 4, các phiên giao dịch trên TTCK tháng 5 đã có sự bứt phá với những kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ, VN Index vượt ngưỡng kháng cự mạnh 730 điểm và lần lượt vươn tới ngưỡng 745 - 750 điểm. Bên cạnh đó, dòng tiền tham gia vào thị trường cũng liên tục gia tăng với GTGD trên cả 2 sàn trong nhiều phiên đạt mức từ 5.000 - 6.000 tỷ đồng/phiên, đưa GTGD bình quân trên 2 sàn đạt 5.561,32 tỷ đồng/phiên (tăng 21,53% so với tháng 4).
Sự hưng phấn của TTCK tháng 5 như một hiệu ứng lan tỏa giúp thị trường tháng 6/2017 có một tháng giao dịch khá ấn tượng. Tháng 6, chỉ số VN Index tăng điểm trong 15/22 phiên giao dịch, VN Index đã bứt phá từ mốc 741,80 điểm tại phiên 1/6 lên 776,47 điểm tại phiên giao dịch 30/6. Trên HNX, chỉ số HNX Index cũng trong xu hướng tích cực khi chốt phiên 30/6 ở mức 99,14 điểm, tăng 5,23 điểm (tương đương tăng 5,57%) so với cuối tháng 5/2017.
Thanh khoản thị trường mặc dù không được như tháng trước đó nhưng vẫn ổn định và đạt 4.874,97 tỷ đồng/phiên trên cả hai sàn. Dòng vốn ĐTNN, yếu tố hỗ trợ không nhỏ cho giai đoạn tăng trưởng tích cực của TTCK trong quý I và II/2017, đã chuyển từ trạng thái rút ròng mạnh trong những tháng cuối năm 2016 sang mua ròng mạnh mẽ trong cả hai quý, với tổng giá trị mua ròng trong 6 tháng đầu năm đạt 8.805 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự tăng điểm không ngừng nghỉ của TTCK đã thúc đẩy tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư tăng cao khiến diễn biến giao dịch TTCK quý III bắt đầu chững lại. Đáng chú ý, diễn biến TTCK tháng 7 và 8 khá tương đồng với nhau, đó là tăng mạnh trong những phiên đầu tháng, sụt giảm mạnh trong cung đoạn giữa tháng và sau đó lại có sự phục hồi vào cuối tháng.
Quan sát diễn biến thị trường từ tháng 7 - 8/2017 có thể thấy: VN Index có chuỗi 5 phiên leo dốc, vượt qua đỉnh 780 điểm tại phiên 6/7, sau đó đã có những phiên VN Index điều chỉnh mạnh, xuyên thủng ngưỡng 760 điểm tại phiên 24/7, nhưng xu hướng chung của thị trường sau đó lại được duy trì tăng cho đến hết tháng 7, thiết lập mốc mới tại phiên 31/7 ở mức 783,55 điểm.
Khi bước sang tháng 8, VN Index đã có 5 phiên liên tiếp tăng vượt qua ngưỡng 790 điểm tại phiên 7/8, đóng cửa phiên ở mức 793,31 điểm. Từ phiên giao dịch ngày 9/8, sau khi VN Index lao dốc mạnh, đánh mất gần 18 điểm trước tin đồn thất thiệt liên quan đến cựu lãnh đạo của một ngân hàng lớn, TTCK đã có một đợt sụt giảm kéo dài đến phiên giao dịch ngày 23/8 và tạo đáy tháng 8 ở mức 765,98. Tuy nhiên, thị trường sau đó đã lấy lại được đà tăng, VN Index quay lại mốc trên 780 điểm, đóng của phiên 31/8 ở mức 782,76 điểm.
Riêng đối với tháng 9, ngay từ đầu tháng TTCK đã thể hiện rõ xu hướng giao dịch lình xình tăng - giảm đan xen. Cho dù VN Index đã chính thức lấy lại mốc 800 điểm tại phiên giao dịch ngày 8/9 sau gần một thập kỷ, nhưng ngoài việc trụ vững ở ngưỡng này, sức hút lớn đối với dòng tiền đầu tư dường như chưa trở lại với thị trường khi mốc 800 điểm đạt được chủ yếu nhờ vào “số ít” mã như MSN, SAB, GAS, BID…
Mặc dù thị trường quý III có nhiều phiên giao dịch ảm đạm trong xu thế lình xình đi ngang, nhưng VN Index vẫn trụ vững ở mốc 800 điểm và trong cả quý không có phiên nào giảm quá sâu. Theo các chuyên gia phân tích, một trong những yếu tố chính giúp TTCK các tháng 7, 8 và 9/2017 ổn định, đó là nền kinh tế Việt Nam đang được thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nhờ đó đã thu hút được các dòng vốn lớn đổ vào cổ phiếu thuộc nhiều nhóm ngành giúp những mã này phân hóa và tích lũy.
Bên cạnh đó, dòng vốn ĐTNN cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho TTCK tăng trưởng vì khối này luôn là nhân tố góp phần đưa chỉ số VN Index xác lập kỷ lục mới khi họ tích cực gom mua những mã cổ phiếu tốt, giúp thanh khoản TTCK tăng mạnh. Ngược lại, tại những phiên TTCK giảm sâu, nhà ĐTNN đã đẩy mạnh mua ròng, từ đó ngăn bớt đà đi xuống của thị trường.
Ngoài ra, theo các chuyên gia phân tích, sự ổn định của TTCK cũng nhờ vào những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc giảm lãi suất cho vay và tăng trưởng tín dụng. Tại kỳ họp Chính phủ tháng 8, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%, đồng thời cố gắng đạt mức tăng trưởng tín dụng 21% và theo đuổi tăng trưởng kinh tế 6,8%.
Sau khi chính thức lấy lại mốc 800 điểm tại phiên 8/9 và duy trì mức 820 điểm trong những phiên cuối tháng 9/2017, VN Index đã tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong tháng 10/2017 và hình thành xu hướng tăng điểm ngoài kỳ vọng của nhà đầu tư khi bứt phá lên mốc 840 điểm. Trong tháng 10, thị trường đã được chứng kiến những phiên giao dịch đầy khởi sắc khi có nhiều yếu tố hỗ trợ như báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp đang dần hé lộ với kết quả khả quan, tăng trưởng GDP quý III/2017 đã đạt 7,46%...
Với số phiên tăng điểm áp đảo số phiên giảm điểm, trong tháng 10/2017, VN Index có 13/22 phiên tăng điểm, chốt tháng đạt 837,28 điểm, tăng 32,86 điểm so với cuối tháng 9, tương đương tăng 4,08%. Tuy nhiên, HNX Index lại có xu hướng giảm nhẹ khi chốt phiên 31/10 ở mức 105,16 điểm, giảm 2,5 điểm (giảm 2,3%) so với cuối tháng 9/2017. GTGD bình quân của cổ phiếu trên cả hai sàn HOSE và HNX đạt 4.513 tỷ đồng/phiên, tăng 7% so với tháng trước đó.
Sự tích lũy của TTCK trong 10 tháng đầu năm 2017 đã tạo đà cho thị trường trong 2 tháng cuối năm thăng hoa với mức bứt phá khá nhanh, đưa VN Index từ 837,28 điểm tại phiên giao cuối tháng 10 vượt qua các mốc 850 điểm, 900 điểm, 950 điểm và khép lại năm 2017 (phiên 29/12) ở mức 984,24 điểm, tăng 48,03% so với phiên giao dịch cuối năm 2016; chỉ số HNX Index cũng chốt năm 2017 tại 116,86 điểm, tăng 46% so với cuối năm 2016.
Đi cùng với sự thăng hoa của chỉ số là sự tăng trưởng khá ngoạn mục của thanh khoản thị trường khi ghi nhận những phiên giao dịch với GTGD vượt qua 9.500 tỷ đồng/phiên (phiên 14/11 và 28/11) và đặc biệt tại phiên 13/11, tổng GTGD toàn thị trường đạt 14.033 tỷ đồng và phiên 20/11 có tổng GTGD toàn thị trường đạt trên 21.020 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia phân tích, cơ sở cho sự tăng trưởng này được đánh giá chủ yếu là dựa vào nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định và đặc biệt là xu hướng dòng tiền chảy vào thị trường lớn mạnh nhờ hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như nhờ vào triển vọng nâng hạng của TTCK Việt Nam.
Giao dịch của nhà ĐTNN
Có thể thấy, trong năm 2017, dòng vốn ĐTNN là một trong những nhân tố góp phần tăng quy mô vốn hóa cho TTCK Việt Nam khi GTGD của nhà ĐTNN trong năm 2017 tăng mạnh. Trong năm qua, nhà ĐTNN đã giải ngân vào thị trường cổ phiếu với con số lên đến gần 28 nghìn tỷ đồng đã kích thích thêm sự tham gia của dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước.
Trên HOSE, nhà ĐTNN đã lập kỷ lục về giá trị mua ròng lên đến 27.920 tỷ đồng, được dàn rộng trong năm, ngoại trừ hai tháng 9 và 10 bán ròng trên 685,60 tỷ đồng. Đáng chú ý, tháng 11 ghi nhận giá trị mua ròng cao ở mức kỷ lục (trong vòng 1 tháng) từ trước tới nay của nhà ĐTNN trên TTCK Việt Nam, đạt giá trị 10.421,42 nghìn tỷ đồng.
Giá trị mua ròng mạnh của nhà ĐTNN trong tháng 11 đến từ một số thương vụ lớn như mua ròng hơn 5.200 tỷ đồng cổ phiếu VRE, mua ròng gần 2.700 tỷ đồng cổ phiếu VNM. Và đây cũng chính là 2 mã được nhà ĐTNN mua ròng nhiều nhất trong năm 2017 với giá trị tương ứng là 5.237,46 tỷ đồng đối với tân binh VRE và 2.562,26 tỷ đồng đối với cổ phiếu VNM.
Tại HNX, năm 2017 nhà ĐTNN đã tăng mạnh giao dịch trên thị trường cổ phiếu với tổng khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng đạt 691,83 triệu cổ phiếu, GTGD tương ứng đạt 13.163 tỷ đồng, tăng 6,2% về khối lượng giao dịch và tăng 25,2% về GTGD so với năm trước.
Tuy nhiên, đây là một năm nhà ĐTNN bán ròng nhẹ trên HNX với tổng giá trị rút ròng là 0,3 nghìn tỷ đồng. Các tháng mà nhà ĐTNN bán ròng mạnh trên HNX bao gồm: tháng 7 bán ròng 263,6 tỷ đồng; tháng 9 là 463,8 tỷ đồng; tháng 10 là 221,76 tỷ đồng.
Động lực tăng trưởng mới cho TTCK năm 2018
Có một thực tế trên TTCK thời gian qua là dù thị trường trải qua giai đoạn khởi sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng không hẳn nhà đầu tư mua bất cứ cổ phiếu nào cũng có lãi. Theo các chuyên gia phân tích, trong thời gian qua, động lực giúp thị trường tăng điểm chủ yếu phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn bởi nhóm này đang là tâm điểm thu hút mạnh dòng tiền vào TTCK.
Do nhiều cổ phiếu blue-chips đã tăng mạnh trong một thời gian dài trước khi lập đỉnh, hoạt động chốt lời diễn ra phổ biến ở nhóm cổ phiếu này sẽ “hãm” đà tăng của thị trường. Do đó, cũng có nhiều ý kiến quan ngại về biến động của TTCK trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sau khi đạt mức tăng 48% trong năm 2017, bước sang năm mới 2018, TTCK Việt Nam đã tiếp tục tăng trưởng mạnh, VN Index đã chinh phục mốc 1.000 điểm tại phiên giao dịch ngày 04/1/2018 và tiếp tục tiến xa hơn ngưỡng này. Tính từ phiên giao dịch ngày 02/1/2018 - 19/1/2018, TTCK tiếp tục thăng hoa khi có tới 11 phiên tăng điểm, chỉ có 3 phiên giảm điểm (phiên giao dịch 17/1/2018, VN Index sụt giảm mất 28,27 điểm), VN Index đóng cửa ở mức 1.062,07 tại phiên 19/1/2018. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường với mức độ hưng phấn cao độ, đạt bình quân 8.903 tỷ đồng/phiên trong khi tháng 12/2017 chỉ đạt 6.621 tỷ đồng/phiên.
Có thể thấy TTCK Việt Nam trong cả năm 2017 và những phiên giao dịch đầu năm 2018 đã có những bước tăng trưởng đột phá nhìn dưới góc độ vốn hóa cũng như khối lượng giao dịch trên 2 sàn. Theo các chuyên gia phân tích, việc TTCK liên tục vượt các mốc điểm cao mới nếu so với hơn 11 năm trước, cần phải ghi nhận nhiều thay đổi về lượng cũng như về chất.
Nguyên nhân của việc tăng điểm bùng nổ của thị trường đến từ sự ổn định kinh tế, tăng trưởng GDP đạt mức cao (6,81% năm 2017), các chỉ tiêu kinh tế được đánh giá tiếp tục ấn tượng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số sản xuất công nghiệp PMI, dự trữ ngoại hối... Đặc biệt, 2017 là năm nhà ĐTNN giải ngân rất mạnh (gần 28 nghìn tỷ đồng), điều này cho thấy TTCK Việt Nam đang là điểm thu hút sự quan tâm từ phía các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo các chuyên gia phân tích, động lực tăng trưởng của TTCK năm 2018 chủ yếu được dựa vào các yếu tố chính sau:
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục ổn định, đóng vai trò nền tảng hỗ trợ cho TTCK phát triển; quan điểm điều hành thị trường tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá USD/VND, khuyến khích tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ cao…, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển; hệ thống doanh nghiệp nói chung có điều kiện thuận lợi về vốn để đầu tư mở rộng phát triển kinh doanh.
Thứ hai, năm 2018 là năm bản lề trong giai đoạn 2016 – 2019, thực hiện mục tiêu đưa TTCK Việt Nam thăng hạng lên nhóm TTCK mới nổi. Do đó, những quyết sách của Chính phủ trong việc đưa thị trường tiệm cận với tiêu chí của nhóm thị trường này chắc chắn sẽ thể hiện mạnh mẽ.
Thứ ba, năm 2018, theo kế hoạch sẽ CPH hơn 64 doanh nghiệp nhà nước, con số này cao hơn nhiều so với năm 2017 và điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục giúp TTCK thu hút mạnh dòng vốn từ các thị trường quốc tế.
Theo đó, hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn cũng sẽ diễn ra với quy mô lớn trong năm 2018, có thể lớn hơn nhiều so với con số đã thực hiện trong năm 2017.
Thứ tư, hệ thống doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng mạnh về kết quả kinh doanh. Kinh tế tư nhân đã được Chính phủ định vị có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mọi điều kiện về vĩ mô đều hướng tới tạo điều kiện cho hệ thống doanh nghiệp mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh. Đây chính là động lực cho sự tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và cả hệ thống doanh nghiệp nói chung.