Giữ niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Năm 2017 là một năm thành công vượt bậc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với nhiều kết quả ấn tượng. Nhân dịp năm mới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng đã có những chia sẻ với phóng viên về thành công 2017 và định hướng 2018.
Năm 2017 là một năm thành công vượt bậc của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam với nhiều kết quả tích cực như quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 70,2% GDP - vượt qua kế hoạch (70% GDP) đã đề ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg1, chỉ số VN Index lần đầu tiên sau một thập kỷ vượt qua mức 980 điểm; TTCK phái sinh (TTCKPS) đã được khai trương và đưa vào vận hành…
Sự phát triển mạnh của TTCK Việt Nam trong năm 2017 sẽ là tiền đề quan trọng cho sự tăng trưởng tiếp theo trong thời gian tới, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với thị trường và cơ quan quản lý trong việc nâng cao tính minh bạch để giữ niềm tin của các nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch, với tư cách là người đứng đầu UBCKNN, Chủ tịch đánh giá như thế nào về sự phát triển của TTCK Việt Nam trong năm qua?
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng |
Ông Trần Văn Dũng: Trong năm 2017, TTCK đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật là mức vốn hóa lên đến 3.500 tỷ đồng, tăng 80,5% so với cuối năm 2016, tương đương 70,2% GDP của năm 2017, vượt chỉ tiêu 70% GDP đặt ra tại Quyết định số 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm qua, TTCK đã có sự bứt phá ngoạn mục khi chỉ số đại diện thị trường VN Index tăng 48% so với năm 2016; HNX Index cũng tăng 46%. Thanh khoản thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết cũng có mức tăng khá ấn tượng là 66%, từ trung bình 3.000 tỷ đồng/phiên năm 2016 lên trên 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017. Hiện thị trường có 737 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) và 690 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM, với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 978 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2016.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP), dư nợ TPCP niêm yết đạt 997,5 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cuối năm 2016 (tương đương 20% GDP). Mặc dù quy mô thị trường chỉ tăng nhẹ, song thanh khoản thị trường TPCP cũng có mức tăng khá ngoạn mục với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 9.000 tỷ đồng/phiên, tăng 42% so với năm 2016. Thị trường TPCP tiếp tục có bước phát triển mạnh về chiều sâu, giá trị giao dịch repo tăng 84% so với năm 2016, chiếm 49% tổng giao dịch toàn thị trường trái phiếu.
Một trong những sự kiện quan trọng đối với thị trường tài chính Việt Nam diễn ra trong năm 2017, đó là việc TTCKPS chính thức được đưa vào vận hành ổn định và đạt được kết quả khá khả quan ban đầu. Sự ra đời của TTCKPS vào tháng 8/2017 là dấu mốc quan trọng, tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc bên cạnh thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu. TTCKPS đi vào hoạt động đã góp phần hoàn thiện cơ cấu của TTCK, hoàn chỉnh cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam bao gồm thị trường huy động vốn và thị trường phân tán rủi ro. Sau gần 5 tháng đi vào hoạt động, đến hết năm 2017, TTCKPS đã có sự tăng trưởng về cả khối lượng hợp đồng, giá trị giao dịch và số lượng tài khoản.
Cùng với đó, dòng vốn nước ngoài vào ròng với giá trị cao nhất 9 năm qua. Tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng mạnh, đạt gần 32,9 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2017 so với hơn 17,3 tỷ USD cuối năm 2016, điều đó thể hiện sự phục hồi, tiếp tục phát triển của TTCK Việt Nam và những tín hiệu tốt tác động từ những chính sách cải cách của Chính phủ.
Tổng mức huy động trên TTCK đạt gần 245 nghìn tỷ đồng, trong đó đấu thầu TPCP đạt hơn 194,3 nghìn tỷ đồng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt hơn 47,9 nghìn tỷ đồng và đấu giá cổ phần hóa (CPH) qua 2 Sở SGDCK đạt hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2017, 2 SGDCK đã tổ chức 74 phiên đấu giá CPH và thoái vốn với tổng giá trị đạt 125,4 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 52,4%. Trong đó đã tổ chức nhiều đợt đấu giá CPH, thoái vốn lớn qua SGDCK như: Sabeco, Vinamilk, Viglacera, Idico... Các đợt đấu giá thành công đã góp phần đem lại nguồn vốn cho ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp lớn sau khi CPH đã lựa chọn UPCoM cho hành trình hướng đến sự minh bạch và công khai.
TTCK năm 2017 đã khẳng định tốt vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ, cho doanh nghiệp, là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng, đóng góp quan trọng vào công cuộc CPH, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và thu hút vốn ĐTNN vào Việt Nam. Cho đến nay, tổng giá trị vốn hóa của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và thị trường trái phiếu đạt hơn 100% GDP. Điều này cho thấy thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam đang đạt cơ cấu tương đối cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây. Đây là một điểm nhấn để Việt Nam thay đổi mô hình phát triển và tài trợ cho sự phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.
Có thể thấy, sự thăng hoa của TTCK được hỗ trợ từ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là sự tăng trưởng ngoạn mục của nền kinh tế với GDP cả năm 2017 đạt mức 6,81%, vượt mục tiêu đề ra ở mức 6,7%; CPI được kiểm soát dưới mức mục tiêu 4%; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% tương ứng tăng 73,74 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016; tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định; mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp; tín dụng được đẩy mạnh, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh; dự trữ ngoại hối cao kỷ lục xấp xỉ 52 tỷ USD là con số ấn tượng, đóng góp lớn vào việc ổn định vĩ mô và tạo niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư, đặc biệt nhà ĐTNN đối với nền kinh tế.
Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2017, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết có sự cải thiện đáng kể, tổng lợi nhuận 9 tháng so với cùng kỳ tăng 23%, mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tăng 9 bậc, từ vị trí 91 lên vị trí 82/190 nền kinh tế.
Trong ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5/10. Chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tăng 5 hạng, từ 60 lên 55/137. Ngoài ra, trong năm qua, Chính phủ cũng đã công bố kế hoạch CPH và thoái vốn trong từng năm với số lượng và tên doanh nghiệp cụ thể, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn nhằm tăng cung hàng hóa có chất lượng cao cho thị trường, qua đó tăng tính hấp dẫn và minh bạch cho TTCK.
Năm 2017 chứng kiến hoạt động giao dịch mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử TTCK Việt Nam của các nhà ĐTNN, với việc mua ròng gần 28 nghìn tỷ đồng cổ phiếu. Chủ tịch có bình luận gì về động thái này?
Trong năm 2017, dòng vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam tăng mạnh với tổng giá trị mua ròng trên thị trường cổ phiếu gần 28 nghìn tỷ đồng. Sự tham gia tích cực của nhà ĐTNN đóng vai trò quan trọng trong tạo tính thanh khoản và tính bền vững cho TTCK.
Với chính sách thông thoáng, cởi mở nhằm thu hút các nhà ĐTNN vào TTCK Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan luôn quan tâm đến việc cải thiện cơ chế, chính sách để thu hút dòng vốn ĐTNN và tạo điều kiện thuận lợi cho TTCK phát triển.
Nhiều chính sách, giải pháp để thu hút vốn ĐTNN vào TTCK Việt Nam đã và đang được thực hiện như: Nghị định số 60/2015/NĐ-CP2 cho phép nhà ĐTNN sở hữu đến 100% cổ phần doanh nghiệp, trừ những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện và một số ít doanh nghiệp Nhà nước xác định vốn nắm giữ cổ phần; Thông tư số 123/2015/TT- BTC3 hướng dẫn hoạt động ĐTNN trên TTCK Việt Nam với nhiều quy định giảm thiểu các thủ tục hành chính cho nhà ĐTNN. Ví dụ như một số tài liệu không nhất thiết phải dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt, bãi bỏ một số quy định hợp pháp hóa lãnh sự, các nhà ĐTNN được đăng ký mã số giao dịch trực tuyến… đã rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính xuống rất nhiều.
Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, UBCKNN cũng đã rất tích cực mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia vào các diễn đàn vốn trên thế giới. UBCKNN đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ song phương và đa phương với các thị trường tài chính phát triển trên thế giới như Anh, Pháp và có hợp tác rất tốt với Cơ quan quản lý các TTCK châu Âu (ESMA). Từ những ký kết biên bản ghi nhớ này, nhiều quỹ ĐTNN có cơ sở ra quyết định tham gia đầu tư vào thị trường tài chính, TTCK Việt Nam, qua đó có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Năm 2017, với sự tích lũy của TTCK từ kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, các nhà ĐTNN đã thu lại những khoản lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán khá cao (các quỹ ĐTNN có mức lợi nhuận trên dưới 30%). Mặc dù vậy, để thị trường phát triển nhanh hơn và bền vững hơn, Việt Nam vẫn rất kỳ vọng nhà ĐTNN quan tâm nhiều hơn nữa đến TTCK Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, bên cạnh các giải pháp thu hút khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp để tháo gỡ những điểm còn tồn tại, vướng mắc như một số quy định tại Luật Đầu tư thông qua việc ban hành Luật Chứng khoán sửa đổi; Tháo gỡ các thủ tục về tài khoản đầu tư gián tiếp bằng ngoại tệ; nghiên cứu triển khai việc bán khống… Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên (Frontier Market) lên mới nổi (Emerging Market) trên bảng xếp hạng MSCI…
Việt Nam có nền kinh tế mở, vốn có thể vào và có thể ra. Vì vậy, cần có chính sách để giữ dòng vốn lâu dài đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát dòng vốn giữa các Bộ, ngành để chủ động đối phó khi có biến động chính trị - kinh tế thế giới.
TTCK càng phát triển, các hoạt động, thủ đoạn, các đối tượng có hành vi gian lận trên TTCK càng tinh vi hơn. Vậy, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ có những giải pháp cụ thể nào trong công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thưa Chủ tịch?
Trong thời gian qua, UBCKNN luôn chú trọng đến công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành pháp luật về chứng khoán và TTCK đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan như cơ quan thuế, cơ quan công an… Các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK đã được xử lý nghiêm minh, kịp thời và được công bố công khai theo quy định.
Trong năm 2017, UBCKNN đã tổ chức 83 đoàn thanh kiểm tra, đã ban hành 349 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân. Trong đó, UBCKNN đã triển khai kiểm tra giao dịch bất thường đối với 23 mã chứng khoán, xử phạt 06 trường hợp giao dịch thao túng và 1 trường hợp giao dịch nội gián, chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ việc có dấu hiệu bất thường trong giao dịch cổ phiếu hoặc hoạt động của doanh nghiệp; và cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố 1 vụ việc.
Thị trường càng phát triển thì các hoạt động, thủ đoạn, hành vi gian lận trên TTCK càng tinh vi hơn. Do vậy, quan điểm của cơ quan quản lý thị trường là không bao giờ được thỏa mãn với những kết quả đã đạt được và luôn tâm niệm phải cố gắng tối đa để theo dõi được những diễn biến của TTCK và theo dõi cho đến cùng những hành vi vi phạm, khi phát hiện được thì tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ hành vi vi phạm, phối hợp với các cơ quan điều tra trong trường hợp cần thiết để bảo đảm công khai và minh bạch của thị trường.
Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát TTCK và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó: (i) Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về chứng khoán và TTCK của các đối tượng có nghĩa vụ báo cáo, CBTT của thành viên thị trường trong hoạt động giao dịch; đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề; (ii) Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của UBCKNN, hai SGDCK và TTLKCK trong giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, các hành vi gian lận, vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, CBTT của thành viên thị trường, cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan; (iii) Tổ chức triển khai quy định về 4 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi theo Luật số 12/2017/QH14 khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2018.
Nghiên cứu phương pháp tính thiệt hại cho nhà đầu tư đối với 04 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán, tính khoản thu lợi bất chính đối với 2/4 tội danh chưa có quy định để tạo thuận lợi cho phối hợp với các cơ quan tố tụng trong điều tra, giám định thiệt hại, xử lý tội phạm về chứng khoán. (iv) Củng cố và nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp, phát hiện, phản ứng và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.
Trước thềm Năm mới, xin Chủ tịch chia sẻ một số dự định trong kế hoạch cũng như giải pháp phát triển TTCK Việt Nam trong năm 2018 để TTCK Việt Nam luôn giữ trọn niềm tin đối với nhà đầu tư?
TTCK năm 2017 thăng hoa chắc chắn sẽ mang lại nhiều niềm vui cho tất cả các thành viên thị trường. Tuy nhiên, xen trong niềm vui ấy cũng đặt ra cho cơ quan quản lý bài toán là làm thế nào để thị trường từng bước đi lên bền vững trong thời gian tới? Từ câu chuyện vĩ mô, quyết tâm của Chính phủ, dự báo tăng trưởng trong 5 năm tới của thị trường là khá lạc quan.
Thêm vào đó, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian qua tăng mạnh, điều này đồng nghĩa với sức cầu thực đang có diễn biến tích cực. Nếu liên tưởng lại đợt tăng của thị trường trước đây trong giai đoạn 2006 - 2007 thì đợt tăng của TTCK trong giai đoạn hiện nay bền vững hơn nhiều cả về phương diện dòng vốn, nền tảng kinh tế vĩ mô và kinh tế thực. Do đó, có thể lạc quan cho rằng TTCK Việt Nam năm 2018 tiếp tục phát triển bền vững.
Ưu tiên của UBCKNN trong năm 2018 là bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của TTCK, phát triển TTCK theo chiều sâu và kiên trì công tác tái cấu trúc TTCK với một số nội dung trọng điểm như sau:
Thứ nhất, triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2018 và thông qua vào năm 2019.
Thứ hai, tiếp tục tham gia có hiệu quả vào công tác huy động vốn cho ngân sách nhà nước, vào công tác CPH, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch để tranh thủ cơ hội tăng quy mô của thị trường; kết hợp công tác tăng quy mô với tăng chất lượng của doanh nghiệp thông qua việc thi hành Nghị định 714.
Thứ ba, trong năm 2018, ngành chứng khoán dự kiến sẽ triển khai hai sản phẩm mới. Cụ thể, sẽ triển khai sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (CW) tại HOSE vào cuối quý I/2018 và sản phẩm Hợp đồng tương lai TPCP tại SGDCK Hà Nội (HNX) vào quý III/2018.
Thứ tư, phối hợp với các đơn vị liên quan để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho sự hình thành thị trường TPDN, dự kiến đưa thị trường giao dịch TPDN vào hoạt động năm 2019.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên TTCK. Công tác giám sát sẽ được tiến hành toàn diện đối với các hoạt động thao túng giá chứng khoán, hoạt động CBTT và tuân thủ của các CTĐC, hoạt động của các SGDCK, TTLKCK, công ty chứng khoán (CTCK) và các công ty kiểm toán hiện nay đang kiểm toán các CTĐC. Chúng tôi cho rằng đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch cho TTCK từ đó thúc đẩy thị trường phát triển bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!