“Rong chơi” thị trường chứng khoán phái sinh
Chứng khoán phái sinh đã tồn tại ở một số nước từ vài thế kỷ trước. Công cụ phái sinh sơ đẳng từ thời Trung cổ là những hợp đồng mua bán nông sản giao hàng sau với giá được xác định trước. Đến thế kỷ XVII, hợp đồng quyền chọn trên hoa tulip xuất hiện ở Hà Lan và các hợp đồng tương lai lúa gạo xuất hiện ở Nhật Bản.
Với sự tăng trưởng nhanh chóng suốt vài thập kỷ qua, công cụ phái sinh đã được các công ty, định chế tài chính, ngân hàng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân sử dụng rộng rãi. Rất nhiều loại công cụ phái sinh được giao dịch trên thị trường đại chúng, sàn giao dịch và trở thành một bộ phận khá lớn trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo chuẩn mực quốc tế, công cụ phái sinh bao gồm nhiều loại, nhưng có thể liệt kê 5 loại chứng khoán phái sinh chủ yếu: quyền mua cổ phần, chứng quyền, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn.
Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu về quản trị rủi ro và đầu cơ bởi vì nó cho phép người ngại rủi ro chuyển giao rủi ro cho những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao để đạt được mức lợi suất đầu tư kỳ vọng.
Hiện nay, theo thống kê của Hiệp hội Giao dịch hợp đồng tương lai (FIA - Futures Industry Association), tổng khối lượng hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn giao dịch trên toàn cầu đạt 25,22 tỷ.
Khối lượng các hợp đồng tương lai phân theo thị trường năm 2016 đạt giá trị cao nhất ở châu Á là 41,5 tỷ, tiếp theo là 31,8 tỷ ở thị trường châu Âu, 29 tỷ ở thị trường Bắc Mỹ, 7,2 tỷ ở thị trường Mỹ Latin.
Về các hợp đồng quyền chọn, khu vực Bắc Mỹ đạt giá trị cao nhất với 45,1 tỷ, tiếp đó là khu vực Châu Á với 33,6 tỷ, khu vực Châu Âu đạt 12,3 tỷ và khu vực Mỹ Latin với 7,7 tỷ.
Theo các chuyên gia chứng khoán, thời gian tới, nhu cầu đối với chứng khoán phái sinh có thể tăng và ngày càng nhiều sản phẩm ra đời do tín dụng được mở rộng, xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương mua tài sản, FED tăng lãi suất và nhà đầu tư lo lắng về những bất ổn chính trị tại châu Âu.
"Cuộc chơi" ở Việt Nam
Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh là bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện cấu trúc thị trường tài chính Việt Nam theo thông lệ quốc tế, giúp cải thiện cơ sở nhà đầu tư đồng thời thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đó sẽ thúc đẩy thanh khoản trên thị trường chứng khoán vốn là kênh dẫn vốn của nền kinh tế.
Theo Quyết định 366/2014 của Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, việc phát triển thị trường chứng khoán phái sinh được chia làm ba giai đoạn:
Giai đoạn 2013 - 2015: Xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh, hệ thống giám sát và công bố thông tin tại các sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký và thành viên thị trường.
Giai đoạn 2016 - 2020: Tổ chức vận hành thị trường chứng khoán phái sinh. Trước mắt là các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số chứng khoán, trái phiếu chính phủ và cổ phiếu.
Giai đoạn sau năm 2020: Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của thị trường chứng khoán phái sinh, từng bước đa dạng hóa sản phẩm giao dịch.
Để thị trường chứng khoán phái sinh phát triển hoàn thiện, đạt được hết các tiềm năng và đặc tính vốn có thì phải mất một thời gian dài nữa. Cần tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt mới tạo được cơ sở dẫn đến thành công của thị trường chứng khoán phái sinh - "sân chơi" lớn, nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng.
Sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động kể từ ngày 10/8/2017, thanh khoản trên thị trường chứng khoán phái sinh, cụ thể là các hợp đồng tương lai đã thu được những kết quả ấn tượng, đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro cũng như đầu cơ, đa dạng hóa các công cụ tài chính.
Cơ hội và thách thức
Nhà đầu tư sẽ có hai mục đích khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh. Một là để quản trị rủi ro, hai là để đầu cơ.
Với mục đích quản trị rủi ro, thị trường chứng khoán phái sinh đơn thuần chỉ là công cụ để phòng ngừa, nhà đầu tư không đặt nặng tính sinh lời tại tài sản phái sinh. Ví dụ như một quỹ đầu tư muốn bảo hiểm cho danh mục đầu tư hoặc phòng ngừa rủi ro cho khoản đầu tư dự định trong tương lai, có thể sử dụng mua quyền chọn bán có bảo đảm để thực hiện mục tiêu bảo toàn vốn cho danh mục đầu tư sau một năm. Các quỹ đầu tư có thể tăng hoặc giảm tỷ trọng tài sản trong danh mục mà không cần giao dịch trên thị trường cơ sở.
Với mục đích đầu cơ, cơ hội sẽ rất lớn (mức sinh lời lớn) đi kèm theo rủi ro cao vì chứng khoán phái sinh có tỷ lệ đòn bẩy rất lớn để kiếm lợi nhuận từ những sai lệch giữa mức giá hợp lý của các hợp đồng tương lai và giá giao dịch trên thị trường. Nhà đầu tư sẽ sử dụng được chiến lược kinh doanh chênh lệch giá giữa các chứng khoán cùng tài sản cơ sở, mua bán hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF trên chỉ số đó.
Với đặc tính là tỷ lệ đòn bẩy cao, có thể cho mức sinh lợi cao, nhưng cũng có thể gây ra mức thiệt hại không nhỏ, vì thế, thị trường chứng khoán phái sinh thường dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, các quỹ đầu tư hơn là nhà đầu tư cá nhân, hoặc yêu cầu về kiến thức đối với nhà đầu tư cá nhân là khá cao.
Thách thức ban đầu đối với thị trường chứng khoán phái sinh còn rất non trẻ ở Việt Nam là việc hoàn thiện hệ thống, luật pháp, cơ sở hạ tầng, đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư.
Quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ tương đương 0,09%. Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt 33,7%.
Thêm nữa, do quy mô và vốn hóa của thị trường còn thấp nên tính thanh khoản chưa hấp dẫn dòng vốn của nhóm nhà đầu tư tổ chức lớn, nhà đầu tư nước ngoài.