Du lịch Hà Nội có cần thêm biểu tượng?

Theo tienphong.vn

Từ xưa đến nay, nhắc đến biểu tưởng của Hà Nội người ta sẽ nghĩ ngay đến Khuê Văn Các - Quốc Tử Giám hay Tháp Rùa - Hồ Gươm, Chùa Một cột, phố cổ… Tuy nhiên, với các khách du lịch chừng đó là chưa đủ hấp dẫn để họ nán lại lâu và tiêu tiền nhiều hơn. Hà Nội vẫn cần có những biểu tượng mới để hút khách.

Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn

Nhiều nhưng chưa sâu

Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà hiếm Thủ đô nào trên thế giới có được. Mặc dù là trung tâm phân phối khách du lịch của toàn miền Bắc, tuy nhiên, Hà Nội vẫn thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh, hấp dẫn và thiếu những khu, điểm du lịch tầm cỡ để tạo ấn tượng cho du khách quốc tế.

Các điểm đến không thể thiếu với du khách như Khuê Văn Các - Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, phố cổ Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm, làng gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc… Đó là những thứ đã hình thành hàng trăm, hàng nghìn năm qua, nay được giữ gìn và khai thác.

Việc đầu tư các sản phẩm này chỉ là nâng cấp, tu bổ, tôn tạo hạ tầng di tích, hạ tầng cơ sở với nguồn vốn còn khiêm tốn, hàng hóa thiếu đa dạng và vẫn chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách tham quan, nghỉ dưỡng và mua sắm – điều mang lại giá trị cao nhất khi phát triển du lịch.

PGS.,TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch từng đề cập “Sản phẩm du lịch đặc thù phải được phát triển dựa trên tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện cho tài nguyên du lịch. Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tuy nhiên mấu chốt đó là quyết tâm thực thi để xây dựng sản phẩm du lịch đủ hấp dẫn, thu hút du khách”.

Vai trò của sản phẩm, dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến. Sản phẩm tốt sẽ kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách du lịch khi đến với Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội vẫn cần thêm những điểm du dịch đặc sắc và đa dạng hơn.

Cần thêm biểu tượng hút khách

Gần đây dự án Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến được xây dựng tại khu vực Khu đô thị mới Tây Hồ Tây với tổng diện tích khoảng 14,1ha đang thu hút sự quan tâm của dự luận.

Nikken Sekkei Ltd (Nhật Bản) là đơn vị được đề nghị tư vấn, xây dựng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với 2 phương án đầu tư để chủ đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt.Đây cũng là công ty tư vấn thiết kế Tháp truyền hình Tokyo Skytree.

Theo chủ đầu tư, Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ là một biểu tượng cho sự năng động, phát triển của đất nước, là điểm nhấn trong quy hoạch phát triển của Thủ đô Hà Nội, mang lại nguồn lợi nhuận từ các dịch vụ thương mại, du lịch, khu vui chơi giải trí, gia tăng giá trị bất động sản, thu hút các nhà đầu tư, tạo hàng nghìn công ăn việc làm, đồng thời phục vụ cho nhiệm vụ truyền dẫn phát thanh, truyền hình, viễn thông, khí tượng thủy văn, an ninh quốc phòng…

Chưa nói đến bài toán quy hoạch, ngân sách và lợi nhuận, xét trên khía cạnh du lịch, đây chắc chắn sẽ là “thỏi nam châm vàng” giúp Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng thương hiệu, hút khách tham quan bên cạnh những điểm đến truyền thống. Du khách có thể đến đây tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm, vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật…

Hiệu quả kinh tế của Tháp truyền hình có thể nhận thấy rõ ràng từ Tokyo Sky Tree khánh thành năm 2012. Ngoài công dụng truyền tín hiệu kỹ thuật số, tòa tháp này còn cho thuê nhiều cửa hàng triển lãm, nhà hàng, quán cà phê... mỗi năm thu hút hàng triệu người đến tham quan, mua sắm, trong đó riêng năm đầu tiên hoạt động Tháp đã thu hút 6,4 triệu khách du lịch, cho thấy sự đúng đắn và thành công của dự án. Hơn thế, Sky Tree còn trở thành thành biểu tượng của một thành phố năng động, hiện đại và biểu tượng cho trình độ khoa học công nghệ của đất nước mặt trời mọc.

Trong khi đó, Tháp truyền hình Berlin (Đức) cao 368m, đưa vào sử dụng từ 1969, được coi là biểu tượng của quốc gia và thu hút 1,2 triệu lượt khách mỗi năm với giá vé 15-23 Euro. Như vậy nếu tính riêng doanh thu vé vào cửa, tháp truyền hình này đã thu về khoảng 18-28 triệu Euro mỗi năm. Hay như Tháp truyền hình CN ở Toronto của Canada cao 553m có khoảng 1,5 triệu lượt khách với vé vào cửa 22-29 đô la Canada, tương đương doanh thu 33-44 triệu đô la Canada mỗi năm.

Gần Việt Nam nhất có tòa Tháp truyền hình Minh Châu Phương Đông (Trung Quốc). Đây là ví dụ điển hình cho sự kết hợp thành công giữa một công trình quốc gia với việc kinh doanh, phát triển dịch vụ, du lịch. Thành công lớn nhất phải kể đến là tác động lan tỏa của công trình, thúc đẩy sự phát triển các dự án cạnh Sông Hoàng Phố. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thị trường bất động sản cũng nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ.

Với thành công từ các tòa tháp truyền hình trên, người Hà Nội hoàn toàn có quyền hy vọng Tháp Truyền hình Việt Nam sẽ là công trình biểu tượng mới cho sự phát triển năng động, hiện đại của Thủ đô ngàn năm văn hiến đồng thời là điểm nhấn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần tăng trưởng kinh tế. Đây cũng sẽ là công trình biểu tượng tâm huyết của VTV dành cho thế hệ sau.