Du lịch tạo "cú hích" cho tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á


Du lịch được kỳ vọng sẽ là điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2024.

Du lịch Đông Nam Á đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực
Du lịch Đông Nam Á đang cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực

Du khách Trung Quốc đang dần quay trở lại Thái Lan sau một thời gian dài vắng bóng do ảnh hưởng từ đại dịch, trong đó có những người chưa từng đặt chân đến Đông Nam Á. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực của sự phục hồi trong lĩnh vực du lịch trong khu vực.

Theo bài viết được đăng tải gần đây, SCMP trích dẫn lời ông Picharnyut Rodjananon, 44 tuổi, nhiếp ảnh gia Thái Lan cho biết: “Năm nay là năm tốt nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vì có nhiều khách du lịch Trung Quốc đến hơn và họ chi tiêu nhiều hơn. Họ không mặc cả hay phàn nàn, họ chỉ muốn chụp thêm nhiều ảnh".

Chính phủ Thái Lan đang nhắm tới việc thu hút 8 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc trong năm nay, với việc miễn thị thực và giá vé máy bay rẻ hơn dự kiến. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch Thái Lan.

Trong dịp Tết Nguyên đán, cơ quan du lịch Thái Lan cho biết gần 30.000 du khách Trung Quốc đã đến quốc gia này mỗi ngày. Nhưng những con số đó vẫn giảm so với mức trước đại dịch, ngay cả khi lượng người du lịch ra nước ngoài từ Trung Quốc đại lục đã bắt đầu tăng sau một năm 2023 không mấy nổi bật.

Dự kiến vào cuối năm nay, chính quyền Thái Lan lạc quan rằng sẽ đạt kỷ lục 40 triệu du khách từ nước ngoài – với số lượng khách du lịch Ấn Độ, Hàn Quốc và châu Âu cũng tăng mạnh – vượt qua con số trước đại dịch và củng cố vị thế của Thái Lan là nước dẫn đầu về thu hút du khách quốc tế ở Đông Nam Á.

Theo nền tảng du lịch trực tuyến LY.com, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày vừa qua, lượng đặt phòng của du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Trung Quốc, tại Malaysia và Singapore đã cao gấp 9 lần so với năm trước.

Trong khi đó, dữ liệu nghiên cứu của Agoda cho thấy Việt Nam trở thành điểm du lịch được quan tâm của người dân Trung Quốc vào đầu năm 2024. Đặc biệt, lượng tìm kiếm từ Trung Quốc đến Việt Nam trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua gần phục hồi so với trước khi có đại dịch.

Các nhà kinh tế tại HSBC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước rằng người dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm liên quan đến du lịch bất chấp những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô ở trong nước. “Chúng tôi nghĩ rằng chi tiêu liên quan đến du lịch của người dân Trung Quốc có thể tiếp tục vượt xa mức tiêu dùng nội địa nói chung”, HSBC nhận định.

Các chuyên gia phân tích dữ liệu kinh doanh về ngành du lịch dự báo sự phục hồi của du lịch của khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục vào năm 2024 và đạt gần mức trước đại dịch năm 2019.

Đặc biệt, thống kê lượng khách du lịch toàn cầu đến châu Á-Thái Bình Dương từ ngày 23/12/2023 đến ngày 6/1/2024, ForwardKeys cho biết, VietJet Air, Air Asia và Thai Air Asia đã vượt quá công suất ghế năm 2019 lần lượt là 105%, 6% và 27%. 

Theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), sự khởi đầu của năm mới nhìn chung có vẻ lạc quan với việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại và mở lại các điểm đến ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Paul Pruangkarn, Chánh văn phòng PATA lưu ý: “Có một số điều không chắc chắn vẫn tồn tại, có thể ngăn cản việc phục hồi lượng khách du lịch về mức trước đại dịch”.

Ông chỉ ra: “Những bất ổn này là do các điều kiện kinh tế không thuận lợi như cuộc chiến chống lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng và niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm sút".

Đồng quan điểm, chuyên gia phân tích Lai của Euromonitor thừa nhận rằng môi trường lãi suất cao kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu, chẳng hạn như chi tiêu đi lại. Thêm vào những bất ổn trong năm mới là các cuộc bầu cử chính trị quan trọng ở Mỹ và Indonesia.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn