Du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra

Võ Hạnh Giang - Công ty TNHH Kaotours

Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có ý nghĩa lớn về nhiều phương diện như: tạo việc làm, tăng thu nhập, đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần, cải thiện sức khỏe con người và thân thiện với môi trường… Cũng như các lĩnh vực khác, trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0 hoạt động du lịch đã và đang có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Bài viết hướng tập trung phân tích một số lợi ích cũng như những thách thức đối với hoạt động du lịch trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần phát huy những mặt tích cực và ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc cách mạng này đến hoạt động du lịch.

Một số quan niệm về du lịch và du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Về du lịch

Theo quan điểm phổ biến của Du lịch học, du lịch là hoạt động rời khỏi nơi cư trú (làm việc) đến một nơi xa lạ không nhằm mục đích định cư hay kiếm sống mà nhằm thỏa mãn trí tò mò nâng cao sự hiểu biết, hoặc đơn thuần chỉ là một sự giải trí, nghỉ ngơi và thư giãn. Theo Luật Du lịch 2017: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.

Trên thực tế quan niệm về du lịch rất đa dạng có thể căn cứ vào 6 nhóm tiêu chí để phân loại du lịch, cụ thể gồm: theo mục đích của chuyến đi, theo thời gian thực hiện, theo đặc điểm địa lý, theo phương tiện, theo lãnh thổ hoạt động và theo hình thức tổ chức. Ngoài ra, hiện nay xuất hiện một hình thức du lịch khá phổ biến và hấp dẫn đối với giới trẻ đó là du lịch “phượt”, khám phá, chinh phục.

Về du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Du lịch trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là một sáng kiến của Tổ chức Du lịch Thái Lan với mục đích thúc đẩy tinh thần kinh doanh, hỗ trợ du lịch và khởi nghiệp du lịch cũng như thúc đẩy đổi mới toàn ngành Du lịch trong nước. Theo đó, Tổ chức Du lịch Thái Lan hoạt động như một cơ quan tư vấn và điều phối viên bằng cách thúc đẩy thành lập các liên minh và hợp tác giữa các đại lý khác nhau, tạo điều kiện cho việc tiếp cận tài trợ, đào tạo và tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Du lịch nhờ đó góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh năng động ở Thái Lan.

Du lịch 4.0 ra đời cùng với cuộc CMCN 4.0. Đó là khi các ứng dụng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, công nghệ thực tế ảo, dữ liệu lớn… được ứng dụng vào ngành Công nghiệp du lịch. Tất cả những công nghệ hiện đại nhất sẽ tạo động lực đổi mới ngành Du lịch và cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà quản lý và khách du lịch đều được hưởng lợi. Du lịch 4.0 là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng đáp ứng tối đa nhu cầu cá nhân của du khách dựa vào các công nghệ tiên phong.

Lợi ích và thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động du lịch

Lợi ích

Cuộc CMCN 4.0, với nền tảng công nghệ hiện đại mang lại nhiều lợi ích cho tất cả các ngành, trong đó có ngành Du lịch. Lợi ích đối với du lịch 4.0 thể hiện trên nhiều lĩnh vực, với nhiều chủ thể tham gia vào hệ thống du lịch và cho cả xã hội.

- Đối với khách du lịch: Công nghệ 4.0 góp phần thôi thúc nhu cầu du lịch của đông đảo người dân thông qua những thông tin hấp dẫn về điểm du lịch mà họ tiếp cận được qua môi trường internet. Việc phát triển internet kết nối vạn vật có thể truy cập và tìm hiểu tất cả những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh du lịch nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây chính là cú huých quan trọng làm nảy sinh nhu cầu đi du lịch ở mọi người dân, là cơ hội để mở rộng thị trường du lịch trong và ngoài nước, với nhiều đối tượng du khách khác nhau.

Du lịch 4.0 giúp du khách chủ động trong tất cả các khâu từ tìm địa chỉ đến tìm kiếm khách sạn hay nơi cần lưu trú, tìm hiểu đường đi, phương tiện di chuyển…với giá cả hợp lý. Ngoài ra công nghệ 4.0 còn giúp du khách luôn có thể kết nối, giữ liên lạc thường xuyên với các cơ sở du lịch, bạn bè, người thân, thậm chí giải quyết công việc bình thường.

- Đối với các nhà quản lý và kinh doanh du lịch: Du lịch 4.0 dưới tác động của CMCN 4.0 đã giúp các nhà quản lý và kinh doanh du lịch thực hiện quảng bá sản phẩm, bán hàng và thanh toán trực tuyến dễ dàng qua internet, nhờ đó tiết giảm số nhân viên cần sử dụng, giảm thời gian, chi phí, giá thành các dịch vụ du lịch tạo bước phát triển đột phá cho doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh. Đồng thời, thông qua sử dụng thành tựu CMCN 4.0, du lịch 4.0 có thể phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, phong phú, hấp dẫn hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch: Du lịch 4.0 giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch mở rộng thị trường nhờ internet kết nối vạn vật giúp xóa bỏ mọi giới hạn về không gian và thời gian. Việc số hóa các cơ sở dữ liệu du lịch như giới thiệu các dạng tài nguyên du lịch (tự nhiên và nhân văn), bản đồ các điểm du lịch, hệ thống các nhà hàng, khách sạn, hệ thống giao thông… của mỗi địa phương, mỗi quốc gia đang được các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch triển khai rộng rãi. Điều này, không chỉ mang lại doanh thu cho các đơn vị kinh doanh du lịch mà còn mang lại tiện ích cho các nhà quản lý và du khách ở khắp nơi trên thế giới.

- Đối với cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động du lịch: Ứng dụng các công nghệ từ CMCN 4.0 trong du lịch sẽ giúp quảng bá hình ảnh du lịch đất nước, đồng thời giúp các cơ quan quản lý hoạt động du lịch tốt hơn. Ngoài ra, CMCN 4.0 còn là nền tảng kết nối thực hiện các lợi ích khác mang tầm quốc gia như: Truyền bá, giáo dục lịch sử dân tộc, văn hoá truyền thống; Tuyên truyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; Mở mang các quan hệ đối ngoại nhân dân; Xây dựng tình đoàn kết các dân tộc… Mặt khác, thông qua các trang web, mạng xã hội các cơ quan quản lý du lịch cũng sẽ nắm được những mặt tiêu cực trong hoạt động du lịch, từ đó có những biện pháp để kịp thời giải quyết dứt điểm, không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch các địa phương hay quốc gia; thực hiện quản lý nhà nước về du lịch theo đúng pháp luật.

Khó khăn, thách thức

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn và căn bản mà du lịch 4.0 mang lại cho xã hội. Tuy vậy, dưới tác động của CMCN 4.0, du lịch 4.0 cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như sau:

Thứ nhất, do đặc thù của các điểm du lịch, sản phẩm, cơ sở du lịch… nên có tổ chức, cá nhân lợi dụng cơ chế “ảo” để tuyên truyền, quảng bá thiếu trung thực, quá khuếch trương làm cho khách hàng nhận thông tin không chính xác gây phản ứng và mất niềm tin của khách hàng, nhất là khách quốc tế. Bên cạnh đó, lợi dụng công nghệ một số đối tượng đã thực hiện những hành vi trục lợi cho mình, gây tổn hại cho người khác, ảnh hưởng xấu hình ảnh du lịch.

Thứ hai, năng lực công nghệ thông tin và điều kiện thực hiện các dịch vụ cung cấp thông tin của các cơ sở kinh doanh du lịch còn hạn hẹp. Hiện nay, ở nước ta mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp kinh doanh du lịch chuyên nghiệp như: Công ty Cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải (Vietravel), Công ty du lịch châu Âu (Euro Travel), Công ty TNHH MTV du lịch lữ hành SaiGonTourist, Công ty Lữ hành HanoiTourist – Tổng công ty du lịch Hà Nội… phần lớn còn lại là các công ty vừa và nhỏ. Đặc biệt, có nhiều cơ sở kinh doanh du lịch chỉ có quy mô gia đình như mô hình du lịch cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa.

Hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp mặc dù đã được chú trọng nhưng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, thiếu hụt dữ liệu (các báo cáo, phân tích thông tin); tâm lý e ngại trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới cũng là những thách thức lớn với các doanh nghiệp.

Thứ ba, phần lớn các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch đều là các doanh nghiệp nước ngoài, đặt trụ sở chính ở nước ngoài nên sự liên kết hay kết nối các hoạt động du lịch cũng như giữa các doanh nghiệp du lịch có nhiều khó khăn. Công tác quản trị rủi ro của doanh nghiệp và quản lý nhà nước về du lịch bị hạn chế.

Thứ tư, CMCN 4.0 đòi hỏi năng lực cạnh tranh rất cao. Thực tế cho thấy, khả năng cạnh tranh về lữ hành và du lịch điểm đến của du lịch Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Du lịch Việt Nam hiện vẫn còn mang nặng tính truyền thống. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số nói chung và du lịch truyền thống sang du lịch 4.0 đang còn một số rào cản như về tư duy cũng như một số nhận thức và cách làm chưa quyết tâm.

Thứ năm, công nghệ mới sẽ đem lại cho ngành Du lịch Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển như IoT, điện toán đám mây, công nghệ thực tế ảo… Tuy nhiên, mặt trái của thế giới kết nối đó là nguy cơ mất an toàn thông tin. Do đó, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin rất quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, trên hết là các quyền lợi của du khách.

Giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0

Để phát huy lợi thế, hạn chế những khó khăn, thách thức góp phần phát triển du lịch 4.0, tác giả đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành những văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết về phát triển du lịch số để định hướng cho ngành Du lịch và các địa phương trong việc triển khai thực hiện.

Hai là, cơ quan quản lý du lịch các cấp xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển du lịch thông minh có lộ trình và bước đi phù hợp. Cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ cho ngành Du lịch; xác định và ưu tiên đầu tư cho phát triển du lịch số, điểm đến du lịch thông minh; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành du lịch; sản xuất các phần mềm, hệ thống, chương trình, ứng dụng, tiện ích thông minh cho công tác quản lý và phát triển điểm đến…

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo môi trường phát triển và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật cho thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại, hỗ trợ pháp lý phát triển các hình thức kinh doanh mới; đổi mới hoạt động quảng bá, xúc tiến trên cơ sở áp dụng công nghệ số và thiết bị số tiên tiến; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch dựa trên nền tảng công nghệ số; hợp tác, chuyển giao công nghệ và hợp tác đầu tư phát triển công nghệ cho Việt Nam…

Ba là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sử dụng và vận hành công nghệ, sẵn sàng tiếp cận và thích ứng với du lịch thông minh… Để tận dụng được những cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được những yêu cầu về số lượng và chất lượng là yếu tố rất quan trọng. Trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo năng lực chuyên môn (theo chuyên ngành), tin học và ngoại ngữ.

Bốn là, cần nhanh chóng nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, giúp thị trường vận hành thông suốt; tạo môi trường và hệ sinh thái thuận lợi, bao gồm hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin tiên tiến, giúp đa số người dân tiếp cận internet dễ dàng qua thiết bị di động trên nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Nâng cấp, phát triển website du lịch quốc gia và phát triển, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch. Phát triển các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp visa xuất nhập cảnh. Hiện nay các thủ tục cấp visa xuất nhập cảnh đã được cải thiện nhiều theo hướng tinh giản, gọn nhẹ hơn. Tuy nhiên, việc cấp visa còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nên còn khá phức tạp. Trong xu thế số hoá và tích hợp nhiều dữ liệu thân nhân cá nhân và cơ sở dữ liệu chung nên các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hơn nữa việc xác thực cấp và công nhận visa xuất nhập cảnh. Điều này có ý nghĩa rất lớn hỗ trợ cho hoạt động du lịch, đặc biệt du lịch mang tính quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Du lịch số 09/2017/QH14, ngày 19/6/2017;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 ban hành “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”;
  3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2022), Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL, ngày 21/12/2022 phê duyệt đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
  4. Tổng cục Du lịch (2023), Quyết định số 553/QĐ-TCDL ngày 11/4/2023 về Kế hoạch triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”;
  5. Vũ Đức Minh (2008), Tổng quan về Du lịch, NXB Thống kê, Hà Nội.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 8/2023