Du lịch vào mùa, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tái khởi động
Từ cuối tháng 4, nhu cầu du lịch quay trở lại cũng là lúc thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vào mùa cao điểm đón khách. Các hoạt động giao dịch đầu tư tại thị trường này vì lẽ đó cũng phục hồi rõ nét hơn.
Thị trường đang trong quá trình phục hồi
Theo báo cáo từ STR - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu thị trường khách sạn, hiện nay công suất phòng khách sạn tại Việt Nam vẫn chưa đạt được một nửa so với công suất cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, việc nới lỏng các hạn chế đi lại và mở cửa du lịch quốc tế đã giúp nhiều khách sạn trong thành phố cải thiện hoạt động kinh doanh.
Khách sạn và resort tại các địa điểm du lịch nghỉ dưỡng cũng đang trong quá trình hồi phục nhưng chưa ổn định, đặc biệt là tại các địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn khách quốc tế như Đà Nẵng và Nha Trang. Tính đến cuối tháng 3/2022, công suất phòng tại thị trường Việt Nam vẫn dưới mức 20%; giá phòng bình quân vẫn thấp hơn năm 2019 gần 20%.
Còn nhớ, trước dịch COVID-19, Đông Nam Á là một trong những điểm đến du lịch rất được ưa chuộng trên thế giới. Trong đó, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ cả về thị trường nội địa và quốc tế với 4 năm liên tiếp ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai con số (tính đến năm 2019). Tuy nhiên, khi dịch bùng nổ, giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC phân tích: “Từ đầu năm 2022, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại, bao gồm các hoạt động du lịch quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế. Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất của các khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”.
Cũng theo vị chuyên gia này, sau dịch, không thể không đề cập đến tốc độ tăng trưởng nguồn cung lớn tại một số địa điểm du lịch ở Việt Nam. Đặc biệt, ông dự báo số lượng dự án mang thương hiệu khách sạn của nhà điều hành quốc tế và khu vực dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025. Điều này có thể gia tăng áp lực cạnh tranh về giá tại một số điểm đến cũng như về nguồn nhân lực của ngành khách sạn Việt Nam.
Bên cạnh đó, bộ phận khách du lịch trong nước và quốc tế dần ý thức hơn về tính bền vững trong hoạt động du lịch, có thể kể đến như việc bảo tồn yếu tố cộng đồng, văn hóa bản địa và giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Do đó, các dự án chú trọng yếu tố bền vững có thể giúp nhiều chủ đầu tư gia tăng lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn vận hành.
Ngoài ra, những điểm đến mới như Quy Nhơn hay Phú Yên được chuyên gia đánh giá sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm từ các chủ đầu tư. Cảnh quan thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa đặc sắc là những lợi thế lớn của các địa phương này, đặc biệt trong việc thu hút thị trường khách quốc tế ưa chuộng trải nghiệm.
Bài toán nguồn cung và yếu tố thương hiệu
Ông Mauro Gasparotti cho rằng, ngày càng nhiều quốc gia trong khu vực đang dần nối lại các hoạt động du lịch như Thái Lan, Indonesia, Campuchia.
Để có thể cạnh tranh và khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá và xúc tiến du lịch. Điều này cần một sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực.
“Với các tín hiệu tích cực gần đây, tôi nhận thấy nhiều chủ đầu tư cũng như đội ngũ vận hành khách sạn đang tái khởi động hoạt động kinh doanh để đón đầu làn sóng phục hồi của thị trường quốc tế.
Nhiều dự án khách sạn cũng đang tích cực đẩy nhanh công tác xây dựng, hoàn thiện và triển khai hoạt động tiền khai trương để có thể chào đón du khách trong thời gian tới”, ông Mauro cho biết.
Dự kiến trong năm 2022, ngành khách sạn Việt Nam sẽ đón nhận nhiều dự án khách sạn mang thương hiệu quốc tế đi vào hoạt động tại các thị trường du lịch quen thuộc như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Đà Lạt...
Số lượng dự án khách sạn và resort mang thương hiệu tại Việt Nam đã tăng trưởng từ 36 dự án (8.200 phòng) vào năm 2010 lên 120 dự án (32.000 phòng) vào cuối tháng 1/2022.
Mô hình condotel vẫn sẽ là một sản phẩm chiếm thị phần không nhỏ của ngành du lịch Việt Nam. Theo thống kê của Savills, 16.000 căn condotel và biệt thự nghỉ dưỡng đã được mở bán trên thị trường vào năm 2019 và giảm mạnh chỉ còn 4.000 căn vào năm 2021. Trong năm 2022, thị trường dự kiến sẽ có hơn 8.000 sản phẩm được mở bán, với gần 50% nguồn cung mang thương hiệu khách sạn quốc tế và khu vực.
Trong bối cảnh hiện nay, người mua không chỉ đơn thuần xem xét giá bán và tiềm năng tăng trưởng, mà còn đòi hỏi các sản phẩm phải được hoạch định cẩn trọng với cấu trúc quản lý rõ ràng. Việc song hành cùng với thương hiệu có thể mang lại giá trị cộng hưởng cho dự án khi các chủ đầu tư có thể nhận được lợi ích từ chuyên môn, danh tiếng và uy tín của thương hiệu trong quá trình phát triển và tiếp cận thị trường.
Bà Carolina Fagnani, Giám đốc cấp cao, khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Tập đoàn khách sạn Radisson nhận định: “Trong quá trình phát triển dự án, quy trình hoạch định cẩn trọng cùng với bước thẩm định và nghiên cứu thị trường thấu đáo là những yêu cầu tất yếu nhằm giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển. Thành công của các dự án không thể không kể đến việc song hành cùng với một thương hiệu khách sạn hoặc nhà điều hành uy tín, đồng thời đi kèm với chính sách quản lý dự án chuyên nghiệp và phù hợp với thị trường mục tiêu”.
Theo vị chuyên gia này, đối với dự án tại địa điểm du lịch nghỉ dưỡng, việc gắn liền với một thương hiệu phù hợp sẽ giúp đảm bảo giá trị tài sản, đồng thời đem đến những trải nghiệm khác biệt và tiện ích đa dạng cho dự án. Việt Nam vẫn là một thị trường đang phát triển với nhiều dư địa tăng trưởng, do vậy các chủ đầu tư sẽ có được lợi thế cạnh tranh lớn nếu sớm nắm bắt các xu hướng mới trên thị trường.
Song song với những tín hiệu lạc quan về du lịch, tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý liên tiếp trong những tháng đầu năm 2022, các yếu tố về chính sách và kinh tế vĩ mô của Nhà nước như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để kích cầu và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, phân bổ ngân sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… đang mở ra nhiều cơ hội mới để các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung phát triển sôi động trở lại.
Ngoài ra, những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của ngành khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam hiện nay cũng bao gồm khả năng siêu lạm phát, áp lực gia tăng chi phí năng lượng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực cũng như nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.