Nên đưa thuê đất trả tiền một lần ra khỏi xác định giá trị doanh nghiệp

Hà Anh

Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN thì mới gỡ được “điểm nghẽn” để đẩy nhanh cổ phần hóa DN.

Ông Nguyễn Hồng Long -  Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN phát biểu tại Hội thảo.
Ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại DN” do Tạp chí Tài chính phối hợp với Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) tổ chức sáng ngày 17/5/2022, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, việc xác định giá trị DN thực hiện theo Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ. Đồng thời, hai văn bản này cũng quy định rõ đất đai nào thuê hàng năm có trả tiền một lần mới tính vào giá trị DN, còn đất trả tiền thuê hàng năm sẽ không tính vào.

Cho rằng đây là vấn đề vô cùng khó, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN phân tích, về lý thuyết, phải xác định theo giá trị trường, nhưng thế nào là giá thị trường khi mà chưa ra đấu thầu, kể cả đấu thầu cũng không chắc đó là giá trị trường, vì có khi giá cao quá, có khi giá thấp quá. Vậy, nếu muốn đưa đất ra khỏi giá trị DN thì phải có văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ nội dung này.

“Rõ ràng việc thuê đất trả tiền một lần phải đưa ra khỏi xác định giá trị DN thì mới gỡ được “điểm nghẽn” lớn, góp phần đẩy nhanh cổ phần hóa. Còn muốn đưa ra thì phải có văn bản quy phạm pháp luật đồng nhất”- ông Nguyễn Hồng Long khẳng định.

Về phương án sử dụng đất, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, cổ phần hóa, thoái vốn xong sẽ mất đất là không đúng, mà vấn đề cốt lõi là thất thu ngân sách nhà nước. Từ thực tế nêu trên, ông Nguyễn Hồng Long đề nghị, phải xem xét lại phương án sử dụng đất và coi đây là vấn đề cốt lõi. Ví dụ: Quá trình chuẩn bị cổ phần hóa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã sắp xếp phương án sử dụng của hàng nghìn miếng đất, nhưng mới đạt hơn 94% thì cũng không thể tiến hành cổ phần hóa.

Nêu những khó khăn trong việc xác định giá trị đất sát với thị trường và phương án sử dụng đất, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, đây đều là vướng văn bản quy phạm pháp luật nên muốn tháo gỡ phải đồng bộ, chứ không chỉ tính riêng cho cổ phần hóa hay thoái vốn. Chính vì vậy, nên sửa đổi theo hướng quyền sử dụng đất đối với cho thuê một lần hoặc cho thuê hàng năm nên tách ra khỏi xác định giá trị DN, nhưng phải có văn bản quy phạm pháp luật xác định rõ ràng.