Dự thảo Luật Chứng khoán: Sửa đổi từ thực tiễn
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010 vừa được Chính phủ nhất trí ngày 4/8/2010 và sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tới đây có nhiều thay đổi quan trọng được rút kinh nghiệm từ thực tiễn.
Đưa chào bán riêng lẻ vào luật
Hoạt động phát hành riêng lẻ được đề cập đến trong Luật Doanh nghiệp (DN) 2005 và mới đây nhất được quy định chi tiết trong Nghị định 01/2010-NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, do văn bản điều chỉnh chỉ là nghị định nên chưa khắc phục được mối quan hệ giữa Luật DN và Luật CK. Thực tế hai hoạt động chào bán CK riêng lẻ và chào bán ra công chúng không phải lúc nào cũng tách bạch. Chẳng hạn, nếu DN chào bán riêng lẻ nhiều lần có thể trở thành chào bán ra công chúng hoặc ngược lại, tuy đăng ký chào bán ra công chúng, nhưng quy mô NĐT tham gia lại không khác gì một đợt chào bán riêng lẻ.
Tinh thần của Nghị định 01 được đưa vào dự thảo Luật CK 2010 thể hiện ở 3 điểm chính: Giảm tối đa điều kiện phát hành; giới hạn chuyển nhượng tối thiểu 1 năm; quy định khoảng cách giữa các đợt chào bán ít nhất 6 tháng. Luật CK cũng chỉ điều chỉnh đối với các công ty đại chúng, các DN còn lại theo quy định của Luật DN.
Điều kiện chào bán đơn giản, không cần công bố thông tin, không cần các điều kiện về lãi/lỗ giúp DN có điều kiện kêu gọi các NĐT chuyên nghiệp tham gia góp vốn. Thực tế trên TTCK năm 2009 đã có DN bên bờ vực phá sản, cần huy động vốn nhưng do phát hành riêng lẻ chỉ giới hạn trong một số NĐT chuyên nghiệp nên bản thân các tổ chức đó đã phải xem xét, cân nhắc cơ hội, rủi ro.
Ràng buộc “chéo” với sự dễ dãi trong điều kiện phát hành, yêu cầu NĐT mua theo hình thức riêng lẻ phải nắm giữ tối thiểu 1 năm nhằm giảm bớt sự bất bình đẳng về giá giữa các NĐT. Đa số các đợt phát hành riêng lẻ đều bán với giá thấp. Các đợt phát hành riêng lẻ có thể bị biến tướng thành phát hành ra công chúng thông qua việc mua đi bán lại quyền mua. Ngoài ra, việc quy định thời gian tối thiếu giữa các đợt chào bán riêng lẻ là 6 tháng cũng nhằm tránh hiện tượng phát hành liên tục, pha loãng CP, biến tướng từ nhiều đợt phát hành riêng lẻ thành phát hành đại chúng. Thêm nữa, DN cũng cần thời gian để sử dụng hợp lý nguồn vốn đã huy động được qua mỗi lần phát hành.
Ép lên sàn
Một sửa đổi nữa rất được thị trường chờ đợi cũng được đưa vào dự thảo luật: Khi đăng ký chào bán CK ra công chúng, DN phải cam kết đưa CK vào giao dịch trên TTCK có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Đối với các DN đã niêm yết, việc đưa CP phát hành thêm vào giao dịch không có gì đáng nói, tuy nhiên thị trường không lạ gì các trường hợp “lần lữa” như Sabeco, Habeco và rất nhiều công ty khác sau cổ phần hóa.
Trước đây, các văn bản luật chưa có quy định buộc các công ty đại chúng phải đưa CK vào giao dịch tại các thị trường có tổ chức. Nhưng thực tế đã cho thấy có quá nhiều vấn đề về tính minh bạch, cơ sở pháp lý điều chỉnh giao dịch, rủi ro thanh toán, lừa đảo. Việc quy định thời hạn cụ thể buộc các công ty sau khi phát hành ra đại chúng phải đưa CP lên sàn tập trung là một thay đổi đột phá, không chỉ làm minh bạch hơn TTCK nói chung, mà còn tạo sức hút đối với dòng vốn đầu tư.
“Mở” cho công ty quản lý quỹ và công ty CK
Dự thảo Luật CK 2010 đã có hành động “sửa sai” liên quan đến các dịch vụ được cung cấp bởi công ty quản lý quỹ và CTCK. Hiện tại, công ty quản lý quỹ chỉ được cung cấp 2 dịch vụ là quản lý quỹ đầu tư CK và quản lý danh mục đầu tư CK. Tuy nhiên, để quản lý được danh mục đầu tư tốt, công ty quản lý quỹ cũng phải cung cấp cho NĐT các báo cáo phân tích, khuyến nghị liên quan - hoạt động không khác gì dịch vụ tư vấn đầu tư CK mà các CTCK đang làm.
Với CTCK, trước đây Luật CK “cắt” dịch vụ quản lý danh mục đầu tư, đưa sang cho công ty quản lý quỹ. Thực tế không ít CTCK đã lách luật bằng cách quản lý tài khoản cho khách hàng trên cơ sở hợp đồng ủy thác giữa nhân viên môi giới với khách hàng, đẩy rủi ro lớn về phía NĐT.
Để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, dự thảo đã cho phép công ty quản lý quỹ cung cấp thêm dịch vụ tư vấn đầu tư và CTCK được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch của NĐT cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính. Công ty quản lý quỹ cũng được mở rộng phạm vi của nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư sang các dạng tài sản khác theo quy định, không chỉ giới hạn với CK. Tuy nhiên, để tránh tái lập các hiện tượng CTCK mở sàn vàng, môi giới CK OTC, đầu tư chỉ số..., dự thảo luật đã cấm các CTCK triển khai các nghiệp vụ kinh doanh CK khi chưa được UBCKNN cấp phép hoặc chấp thuận.