Dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng cao, Việt Nam có nguồn lực cho đà tăng trưởng mới
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng và ước đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020...
Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á 2021 (ADO2021) của ADB vừa đưa ra các nhận định tích cực về Việt Nam. Trong đó, nổi bật là dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,7% trong năm nay. ADB cũng đồng thời dự báo năm 2022, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ còn tích cực hơn nữa với 7,0%.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, đà tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Trong số các động lực tạo tăng trưởng của nền kinh tế, ADB nhắc tới chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài chính của Việt Nam, đặc biệt là chính sách lãi suất thấp và quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Theo đại diện ADB, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất tái cấp vốn ba lần, từ 6,0% xuống mức thấp kỷ lục 4,0%; lãi suất chiết khấu giảm từ 4,0% xuống 2,5%. Đồng thời, trần lãi suất huy động tiền VND kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng hỗ trợ tín dụng thông qua cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất đối với các khoản vay hiện tại và áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên môi trường kinh doanh ảm đạm và tình trạng phá sản doanh nghiệp làm cho nhu cầu tín dụng sút giảm. Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng ước tính vào khoảng 11,0% so với năm 2019, giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm qua. Trái lại, cung tiền ước tăng 12,6% trong năm 2020, cao hơn so với mức 12,1% trong năm 2019.
Thặng dư tài khoản vãng lai ước vào khoảng 4,6% GDP trong năm ngoái, hầu như không thay đổi so với năm 2019, dựa trên cơ sở mức thặng dư thương mại đáng kể, mặc dù dịch vụ và thu nhập ròng giảm.
Thặng dư tài khoản tài chính giảm hơn một nửa xuống 3,1% GDP trong năm 2020, chủ yếu do sự sụt giảm dòng vốn vào từ vốn vay trung và dài hạn và đầu tư gián tiếp. “Vì lý do này mà thặng dư tổng cán cân thanh toán giảm mạnh xuống còn tương đương 6,1% GDP”, đại diện ADB nhấn mạnh.
Điểm sáng được các chuyên gia tại ADB đưa ra, là dự trữ ngoại hối Việt Nam đã tăng và ước đạt khoảng 4,2 tháng nhập khẩu vào thời điểm cuối năm 2020. Bên cạnh đó, lại có những mảng có sắc xám do khó khăn Covid-19 mang lại như thâm hụt tài khoá trong năm 2020 tăng lên mức ước tính 5,8% GDP. Thu ngân sách giảm 9,2% do giảm thương mại quốc tế, thu thuế GTGT và tổn thất từ sự sụt giảm giá dầu thô toàn cầu.
Tổng chi ngân sách chỉ tăng 1,2%, vì phần lớn chi tiêu của Chính phủ cho các chương trình an sinh xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, ước tính tương đương 11,5% GDP được chi bằng nguồn kết dư từ các năm trước, nguồn dự phòng và các quỹ ngoài ngân sách. Nợ công ước tính tăng nhẹ lên 55,4% GDP trong năm 2020, so với mức 55,0% trong năm 2019.
ADB cho biết, năm 2021, tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện hơn, nhờ được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi. “Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12,0% trong năm nay. Đồng thời cơ quan này đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ doanh nghiệp đang cố gắng đương đầu với tác động của đại dịch Covid-19”, báo cáo của ADB đánh giá.
Cũng theo ADB lưu ý, sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc và Mỹ sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam, ADO2021 phản ánh. Tuy nhiên, tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ trước đại dịch, do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế.
Đáng chú ý, định chế này nhận định với Việt Nam, đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ bong bóng tài sản, nếu như tín dụng không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.
Cụ thể là sự gia tăng trên thị trường chứng khoán và bất động sản từ cuối quý I/2021, dự báo tỷ lệ nợ xấu tăng khi đại dịch qua đi và lạm phát tăng nhẹ trong năm 2020 mặc dù tăng trưởng giảm - tất cả những yếu tố này đều không ủng hộ cho việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng tới; chính sách tài khoá sẽ tiếp tục mở rộng do nhu cầu chi tiêu cho các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc y tế và tiêm vaccine, cũng như khả năng thực hiện hỗ trợ tài khoá bổ sung.
“Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập. Chính phủ áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới”, ADB khuyến nghị.
Các số liệu của ADB đưa ra, theo giới chuyên môn, phản ánh sát bức tranh kinh tế của Việt Nam cũng như các động lực lẫn thách thức của nền kinh tế hiện nay. Trong đó, ở góc độ dự trữ ngoại hối, một chuyên gia đánh giá thêm, với việc được Mỹ đưa ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ trong trung tuần tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tạm thời "thở phào nhẹ nhõm" để rộng tay hơn trong chính sách điều hành tỷ giá và tăng mua ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại quốc gia khi có điều kiện thêm một khoảng thời gian, với sự thận trọng nhất định chuẩn bị cho kỳ đánh giá tiếp theo.
Với triển vọng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt vào Mỹ không lo chênh lệch lớn về thặng dư thương mại song phương hay nguy cơ bị áp thuế cao từ “mác” thao túng tiền tệ trước đây một khi được gỡ bỏ, cũng giúp doanh nghiệp thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và khai thác tối đa hiệu quả của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia.
“Cơ hội để tích lũy nguồn lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng cao đang hiện hữu. Thách thức không nhỏ là như ADB đã đề cập ở góc độ chính sách tiền tệ, nếu không hóa giải được nguy cơ bong bóng tài sản, Việt Nam có thể sẽ không nắm chắc được cơ hội để đạt tăng trưởng tới 7% vào năm tới. Tất nhiên, bên cạnh nguồn lực được tích lũy là nền tảng chắc chắn cho các mục tiêu tăng trưởng cao, cần nhớ cả yếu tố Covid-19 mà chúng ta đã tạm thời "trị" thành công, cũng có phần là ẩn số”, chuyên gia đánh giá.