ADB thay đổi cách tiếp cận để hỗ trợ Việt Nam


Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang thay đổi cách tiếp cận để hành động phù hợp hơn, hướng đến khối kinh tế tư nhân, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn cho quá trình phát triển.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA.

Đó là khẳng định của ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam tại buổi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều ngày 17/9.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ 3 định hướng của Việt Nam trong thời gian tới, đó là: tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam.

Đến nay, ADB đã tài trợ cho Việt Nam các khoản vay với tổng số gần 17 tỷ USD, đã giải ngân 14 tỷ USD (đạt 83,1% số đã ký).

"ADB là đối tác truyền thống của Việt Nam, do đó Chính phủ Việt Nam mong ADB sẽ phối hợp, hợp tác tốt hơn nữa trong thời gian tới"- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. 

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất 3 khoản vay hỗ trợ ngân sách của ADB cho Việt Nam trị giá khoảng 900 triệu USD.

Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi trong đó có nguồn vốn vay của ADB, phù hợp kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sắp được Quốc hội thông qua và định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 và phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược Đối tác quốc gia cho giai đoạn mới (2021-2025).

Tỷ lệ giải ngân các chương trình dự án ADB trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 36% và theo kế hoạch từ nay đến cuối năm vẫn còn hơn 900 triệu USD cần phải giải ngân theo kế hoạch. Thủ tướng đề nghị ADB phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đàm phán, ký kết trong danh mục 2020-2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các dự án có chất lượng thực sự hiệu quả, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển.