Dự trữ vàng của các nước tăng gần 10% kể từ sau năm 2008

Theo TTXVN

Thống kê của Diễn đàn các Viện Tiền tệ và Tài chính Chính thức (OMFIF) cho hay kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dự trữ vàng thêm gần 10% (tương đương 2.800 tấn).

Từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới dao động trong khoảng 1.000-1.600 USD/ounce.
Từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới dao động trong khoảng 1.000-1.600 USD/ounce.

Điều này phản ánh sức hấp dẫn của vàng trong vai trò là phương tiện tích trữ và đầu tư an toàn, trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn và lãi suất cơ bản ở mức siêu thấp, thậm chí ở mức âm. 

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng thế giới trong quý II/2016 tăng 15% giữa bối cảnh các quỹ giao dịch vàng (ETF) và ngân hàng trung ương các nước đều tích cực mua vàng. Nhờ đó, giá vàng trong 6 tháng đầu năm nay tăng 25%, mức cao chưa từng có trong hơn 35 năm trở lại đây. 

OMFIF cho hay Ngân hàng trung ương của Nga và Trung Quốc đã giảm dự trữ ngoại tệ, nhất là đồng USD, và thay vào đó tăng dự trữ vàng. Trong khi đó, ngân hàng trung ương các nước phương Tây, gồm cả Ngân hàng trung ương Anh (BoE), đã ngừng việc bán dự trữ vàng ồ ạt kéo dài trong nhiều thập niên. 

Năm 2016, trong nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Vương quốc Anh là một trong những nước có lượng vàng dự trữ thấp nhất, chỉ chiếm 0,9%, trong khi Mỹ có dự trữ vàng lớn nhất với tỷ trọng 24,8%. 

Báo cáo của OMFIF cho hay lượng vàng các ngân hàng trung ương mua vào trong 8 năm qua đã trở lại ngưỡng trung bình của 100 năm tính đến năm 1970, thời điểm lượng vàng mua vào ròng hàng năm ở mức 350 tấn. 

BoE bị chỉ trích nhiều về việc đã bán 395 tấn vàng với giá trung bình 275,60 USD/ounce trong thời gian từ tháng 7/1999 đến tháng 3/2002. Nước Anh đã bị thiệt khoảng 4 tỷ bảng sau khi giá vàng hồi phục lên mức xấp xỉ 1.000 USD/ounce. Từ năm 2008 đến nay, giá vàng thế giới dao động trong khoảng 1.000-1.600 USD/ounce.