Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ:

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

PV.

Đó là định hướng được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại hội nghị đóng góp cho Đề án Định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiều ngày 15/7, tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Ngành Du lịch luôn được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn hoặc ngành kinh tế có lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế về tài nguyên văn hóa và tự nhiên, du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực cạnh tranh và tốc độ phát triển so với các nước trong khu vực...

Trước thực trạng đó, Đề án định hướng đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự thảo nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của đất nước cũng như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng cường đóng góp của ngành cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm trong giai đoạn 2015-2020; ngành du lịch đóng góp 9-10% GDP; tổng thu từ du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tăng trưởng 14-16% giai đoạn 2015-2020.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá việc xây dựng đề án là cơ hội hiếm có để ngành du lịch tái cơ cấu, phát triển bền vững. Ban soạn thảo cần phân tích, đánh giá, tổng hợp tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp tại hội nghị để hoàn thiện đề án trình Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng gợi ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số vấn đề để phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay, trong đó có chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và đúc rút thêm bài học kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu ban soạn thảo cần phải làm rõ những rào cản, khó khăn và yếu kém so với tiềm năng lợi thế tĩnh và lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam; khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhưng không có nghĩa tỉnh nào cũng phải phát triển du lịch là mũi nhọn mà phải căn cứ và điều kiện cụ thể của địa phương.