Đua lãi suất “siết” lợi nhuận ngân hàng?

Nghi Thu

TCTC - Dù nhiều ngân hàng (NH) vừa công bố lợi nhuận khá khả quan trong 4 tháng đầu năm song, song trước cuộc đua chạy lãi suất ngày càng quyết liệt khiến các NH lo lắng về kết quả lợi nhuận trong thời gian tới.

Đua nhau “tung chiêu”

Cuộc đua lãi suất huy động từ những ngày đầu tháng 5/2009 bắt đầu tăng nhiệt với các kỳ hạn gửi càng dài thì lãi suất càng cao. Theo nhận định của các chuyên gia, mức lãi suất huy động có thể chưa dừng lại ở mức 9,7%/năm, thậm chí có thể lên tới mức lãi suất trần cho vay theo quy định của NHNN là 10,5%/năm tới đây.

ABBank tăng lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1 - 0,9%/năm, đáng chú ý kỳ hạn 18 tháng, lãi suất  là 9%/năm; 24 tháng là 9,2%/năm; 36 tháng là 9,4%/năm… và mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 60 tháng là 9,5%/năm. Đó là chưa kể nếu gửi số tiền lớn, khách hàng sẽ được cộng lãi suất để hưởng lãi suất tối đa 9,7%/năm và gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng hoặc 3.000 USD trở lên sẽ được nhận quà tặng. Trong khi đó, mức lãi suất cao nhất mà Maritime Bank đang áp dụng là 9,5%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng; kỳ hạn 18 - 24 tháng, lãi suất là 9 - 9,3%/năm...

VPBank cũng vừa thông báo ban hành biểu lãi suất huy động mới, trong đó điều chỉnh tăng lãi suất huy động vốn bằng VND ở hầu hết kỳ hạn với mức điều chỉnh tăng bình quân thấp nhất là 0,2%/năm và bình quân cao nhất là 0,75%/năm. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất huy động bằng VND của VPBank với các khoản tiền gửi có kỳ hạn bình quân thấp nhất là 4,70%/năm (kỳ hạn 1 tuần) và bình quân cao nhất là 8,55%/năm (kỳ hạn 36 tháng). Nhiều NHTMCP khác cũng đẩy lãi suất lên trên 9%/năm để thu hút vốn.

Để thực sự hấp dẫn khách hàng, các NHTM đua nhau tung "chiêu" khuyến mãi hút khách hàng. Maritimebank áp dụng chương trình "cào trúng ngay, quà trao tay" với hơn 100.000 thẻ cào với các phần thưởng động viên khách hàng. OceanBank cũng chính thức triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng “Khám phá vận may cùng OceanBank” với cơ cấu giải thưởng lên tới hơn 500 triệu đồng kèm theo các tài sản có giá trị khác như xe máy Lead, laptop thế hệ mới, tivi LCD hiện đại…

Không nằm ngoài cuộc đua, một số NH quốc doanh cũng tham gia vào cuộc đua này. Vietinbank phát hành chứng chỉ ghi danh bằng VND với lãi suất cao nhất là 9%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng… Khách hàng mua chứng chỉ có giá trị từ 100 triệu đồng (đối với cá nhân), 500 triệu đồng (đối với DN) trở lên sẽ được cộng thêm lãi suất 0,2 - 0,3%/năm. Như vậy, mức lãi suất chứng chỉ ghi danh tại Vietinbank có thể đạt tới 9,3%/năm.

"Lách" nhưng vẫn "lo" lợi nhuận không đạt

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động tối thiểu là 3%/năm thì NH mới có thể duy trì hoạt động. Vì thế, cuộc đua huy động hiện nay sẽ bóp nghẹt lợi nhuận từ kênh kinh doanh truyền thống của NH.

Tuy nhiên, trong điều kiện phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư hấp dẫn khác như chứng khoán, vàng, ngoại tệ…, các NH chẳng còn sự lựa chọn nào khác nhằm vừa giữ khách, vừa thu hút tiền gửi phục vụ cho nhu cầu vay vốn của cá nhân, DN. Bà Dương Ánh Tuyết, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân của Maritime Bank cho biết: “Mục đích chính của đợt tăng lãi suất tiền gửi lần này là nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của NH trong thời gian tới, khi nhu cầu tín dụng đang có dấu hiệu phục hồi dần. Đồng thời, trước những diễn biến mới trên thị trường, chúng tôi cũng mong muốn đảm bảo và gia tăng quyền lợi cho khách hàng đã và đang gửi tiền trong hệ thống Maritime Bank”.

Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đồng loạt tăng lãi suất còn bởi NH muốn tham gia vào gói kích cầu để hưởng các chính sách hỗ trợ khác. Hơn nữa, hiện các NH vẫn thiếu vốn, đặc biệt vốn trung và dài hạn, nên cuộc đua này sẽ giúp các NH giải quyết bài toán khó này.

Một bản phân tích triển vọng ngành NH gần đây cho rằng, năm 2009, cơ hội để tạo lợi nhuận lớn ngoài lãi của các NH không còn nhiều như ở đầu tư trái phiếu, kinh doanh vàng trong năm 2008; trong khi đó nguồn thu từ tín dụng cũng đang gặp khó khăn do tỷ lệ lãi biên duy trì ở mức thấp, dao động dưới 3%. Đó là chưa tính đến nhiều khoản chi phí NH phải bỏ ra trong hoạt động thường xuyên, trong các chiến dịch huy động vốn… Tất cả những điều này sẽ gây áp lực lớn đối với kết quả lợi nhuận của các NH trong thời gian tới. Và để có lợi nhuận thì cân đối lại tất cả nguồn thu, chi là yêu cầu số 1 của NH.

Trên thực tế, nhiều NH sẽ bù lãi suất bằng các chiến thuật khác như đẩy mạnh cho vay tiêu dùng hoặc tìm kiếm các kênh đầu tư mới. Hiện nay, cho vay tiêu dùng không bị giới hạn trần lãi suất, các NH có thể tập trung kế hoạch sử dụng vốn cho vay tiêu dùng lớn để bù lãi. Lãi suất thỏa thuận càng cao, NH càng thu lợi. Tuy nhiên, tỷ trọng của tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ chung của các NH hiện vẫn ở mức thấp, phổ biến trên dưới 10%. Và khi lãi suất huy động tăng cao, lãi suất cho vay đầu ra với những đối tượng này cũng “tăng” theo, khiến khách hàng sẽ cân nhắc nhu cầu vay vốn.

Và như vậy, những khó khăn của NH vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo.