Đổi mới sáng tạo: Chìa khoá cho doanh nghiệp Việt vươn mình

Bích Hà

Trong xu thế cạnh tranh toàn cầu hiện nay, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển; đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh để tận dụng cơ hội mới.
Doanh nghiệp Việt cần mạnh dạn đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh để tận dụng cơ hội mới.

Nâng tầm giá trị thương hiệu

Phát biểu tại Tọa đàm “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, tỷ lệ đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp hiện đạt khoảng 1,96% tổng doanh thu. Đặc biệt, với nhóm doanh nghiệp thuộc Chương trình Thương hiệu Quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, con số này cao hơn, đạt 2,6% doanh thu.

Tọa đàm “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt”
Tọa đàm “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo: Nâng tầm giá trị thương hiệu Việt”

Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với đổi mới sáng tạo, không chỉ ở công nghệ mà còn ở mô hình kinh doanh, sản phẩm và cách tiếp cận thị trường. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2023, khoảng 3% tổng số doanh nghiệp trên cả nước đưa ra thị trường sản phẩm mới. Trong khi đó, ở nhóm doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia, tỷ lệ này đạt tới 80% trong 2 năm gần đây, phản ánh sức sáng tạo mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tàu.

Chỉ ra một số thách thức trong đổi mới sáng tạo, ông Trần Chí Dũng - Trưởng Ban Công nghệ - Đổi mới sáng tạo (Hiệp hội Logistics Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp Việt sở hữu nhiều điểm tựa để bước vào kỷ nguyên mới. Đó là tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, kinh nghiệm tích lũy qua 15 - 20 năm phát triển và khả năng quan sát thăng trầm của các nền kinh tế. Trong lĩnh vực logistics, doanh nghiệp Việt đang chuyển mình từ vai trò hỗ trợ hậu cần sang dẫn dắt, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đặt mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh doanh để tận dụng cơ hội mới. Sự thiếu quyết đoán trong đổi mới tư duy quản trị và chiến lược thương hiệu đang cản trở tiềm năng vươn xa của các doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm, ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Phát triển năng lực xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, ở bình diện quốc gia, mức đầu tư cho khoa học công nghệ của Việt Nam còn khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 0,4% GDP, trong khi các nước trong khu vực dao động từ 1,3% đến 3,7% GDP, như Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Dù doanh nghiệp đã có những bước đi mạnh mẽ, vẫn cần sự đồng hành và đầu tư bài bản, đặc biệt trong chính sách và nguồn lực dành cho khoa học công nghệ, để nâng tầm năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Chủ động thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

“Chúng ta vẫn thường nói nhiều về việc Nhà nước, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu phải phối hợp ra sao để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi góc nhìn: Doanh nghiệp cần chủ động đặt ra yêu cầu và nhu cầu rõ ràng, từ đó Nhà nước mới có thể ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để đồng hành" - ông Cường nói.

Thực tế, để thích ứng, nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đổi mới sáng tạo, tiêu biểu là Công ty CP Bioway Group (Bioway). TS. Nguyễn Thanh Liêm - Trưởng Ban Phát triển bền vững của Bioway chia sẻ, đổi mới sáng tạo là trụ cột chiến lược của doanh nghiệp.

"Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường, chúng tôi đã và đang xây dựng một Hệ sinh thái sản xuất tuần hoàn; đồng thời tiếp tục mở rộng các nhà máy xử lý ở các vùng nguyên liệu trọng điểm để rút ngắn chuỗi cung ứng và giảm phát thải", ông Liêm nói.

Ở góc độ cơ quan xúc tiến thương mại, ông Tạ Mạnh Cường cho hay, lĩnh vực xúc tiến thương mại coi đổi mới sáng tạo là một tiêu chí quan trọng trong việc lựa chọn hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia Chương trình Thương hiệu Quốc gia.

Đây không chỉ là sự ưu tiên mang tính hình thức. Trong khuôn khổ chương trình, cứ mỗi 2 năm, doanh nghiệp đều phải trải qua quá trình đánh giá lại các tiêu chí. Trong đó, năng lực đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt. Doanh nghiệp muốn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là các chương trình quốc tế, buộc phải chứng minh được khả năng tiên phong, khả năng đáp ứng tiêu chuẩn thị trường, và có các sản phẩm mang tính đổi mới rõ rệt.

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại đổi mới, từ hỗ trợ chuyển đổi số cho hợp tác xã, tổ chức hội chợ quốc tế, đến xây dựng thương hiệu ngành hàng chiến lược. Những hoạt động này không chỉ thúc đẩy tiêu thụ nông sản, thủy sản, sản phẩm OCOP mà còn nâng tầm hình ảnh sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.