Dựa "vai người khổng lồ" để Việt Nam thu nhiều tỷ USD từ chip bán dẫn


Việc các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào ngành chip bán dẫn là tiền đề để Việt Nam phát triển chuỗi sản xuất, tiến tới phát triển sức mạnh “nội sinh” chuyên về thiết kế, nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ chuỗi sản xuất.

Sản xuất chip có rất nhiều công đoạn mà Việt Nam có thể tham gia và hưởng lợi. 
Sản xuất chip có rất nhiều công đoạn mà Việt Nam có thể tham gia và hưởng lợi. 

Một báo cáo của Gartner cho biết, doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029.

"Ông lớn" ngoại không dễ từ bỏ

Tuần trước, một thông tin trên hãng tin Reuters đã gây chú ý khi cho hay, Intel đã hủy kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam. Kế hoạch mà theo hãng này đưa tin hồi tháng 2 có có giá trị lên đến 1 tỷ USD.

Không bình luận về con số trên nhưng ngay sau đó, ông Kim Huat Ooi, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc Intel Products Việt Nam, lên tiếng rằng từ năm 2006 đến tháng 1/2021, tập đoàn này đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào nhà máy Intel Việt Nam. Đến nay, Intel vẫn tiếp tục thực hiện đầu tư theo các giai đoạn đã cam kết và vận hành hoạt động sản xuất ổn định.

“Intel Việt Nam là nhà máy có vị trí quan trọng trong hệ thống các nhà máy lắp ráp kiểm định chip của Intel trên toàn cầu. Tổng sản lượng của nhà máy tại Việt Nam đang chiếm hơn 50% sản lượng trong hệ thống nhà máy đóng gói và kiểm định của Intel trên toàn cầu”, vị này cho biết.

Bình luận về thông tin trên, GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài nói rằng, thực tế những ông lớn trong ngành sản xuất chip bán dẫn thế giới như Intel, Samsung… không dại gì mà không đầu tư vào Việt Nam. Lý do, Việt Nam đang nắm giữ chiếc chìa khóa vàng của ngành bán dẫn đó là đất hiếm.

Theo thống kê, các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam như Amkor Technology Việt Nam (1,6 tỷ USD), Hana Micron Vina đầu tư 600 triệu USD (1 tỷ USD vào năm 2025), Intel Vietnam (hơn 1 tỷ USD), Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD, sắp sản xuất linh kiện bán dẫn. Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Thêm vào đó, nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đang tìm đến Việt Nam để sản xuất chip bán dẫn, do vậy nếu không có “ông lớn” FDI này, tất sẽ có “ông lớn” ngoại khác thay thế. Cũng theo nguồn tin từ Reuters, trong chuyến công tác tới Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte mới đây, có khoảng 12 trong số 20 doanh nghiệp đi cùng là đại diện các công ty chip hoặc nhà cung cấp của các hãng bán dẫn, với mong muốn tìm kiếm cơ hội về hợp tác kinh doanh.

Theo GS.TS. Trần Xuân Hoài, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hiện chuỗi cung ứng ngành bán dẫn rất phức tạp nên hiện chưa có nước nào tự chủ được bán dẫn. Vì vậy nếu tự phát triển, Việt Nam có rất ít cơ hội phát triển công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, 'cuộc chiến' Mỹ - Trung tác động đến ngành bán dẫn và các DN FDI chuyển về giúp chúng ta có thể học hỏi và phát triển.

Việt Nam cần tìm cách hưởng lợi

Ông Hoài lấy ví dụ về một dự án sản xuất chip 7nm với tốc độ 26,2 TFLOPS cần tới 2 tỷ transistor (bóng bán dẫn). Ngoài ra, cần tới 43 tác giả gồm 30 tiến sĩ, 13 thạc sĩ với thời gian thiết kế (FABLESS) là 5 năm, tổng kinh phí 300 triệu USD trong đó nhân lực 150 triệu USD.

Vì mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn nên theo GS. Hoài, Việt Nam vẫn nên bắt đầu ở mức lắp ráp và đo kiểm, thiết kế và chế tạo. Sau đó, các startup có thể bắt đầu với khâu thiết kế chip ở thế hệ thấp.

“Có thể làm thuê hoặc các nhóm nhỏ có thể khởi nghiệp trong FABLESS từ Node > 29nm hay FPGA (mạch tích hợp cỡ lớn) ở mức thấp. Trung Quốc, Nga cũng đang làm như vậy”, GS Hoài khuyến nghị.

“Nếu người Việt Nam chịu khó học hỏi và nhà đầu tư FDI có thiện chí lan tỏa thì hy vọng sau độ chục năm, người Việt có thể thay thế trên 50% chuyên gia quốc tế”, vị chuyên gia này chỉ ra.

Ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) cũng cho rằng, trong làm chip có chuỗi ba công đoạn: thiết kế, sản xuất và đóng gói dùng thử, Việt Nam có khả năng phục vụ cả ba. Đặc biệt, nếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào nếu cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác nữa.

Hiện tại, chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nếu chúng ta xây dựng được tất cả chuỗi tại Việt Nam thì đó sẽ là một lợi thế rất lớn.

Như vậy, sẽ kêu gọi được nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Khi đó, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ về ngành bán dẫn, các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam có thể chuyển ngay sang các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất và đóng gói.

Tại tọa đàm “Chuỗi giá trị chip và cơ hội cho Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, phần thiết kế đóng góp 50% giá trị gia tăng cho chuỗi bán dẫn. Trong khi đó khâu sản xuất đóng góp 24% và đóng gói chiếm 6%.

Hiện nay, phần thiết kế chủ yếu ở Mỹ, còn phần sản xuất mạnh nhất ở Đài Loan. Trong khi đó khâu đóng gói đang tập trung ở Malaysia. Hiện, ở khâu này Việt Nam cũng có nhà máy của Intel. Ngoài chuỗi chính tạo ra chip còn có công nghiệp phụ trợ công nghệ cao.

Tuy vậy, ngoài 3 công đoạn chính - thiết kế, sản xuất phiến bán dẫn, đóng gói và kiểm tra. Theo ý kiến cá nhân của ông Minh, Việt Nam cần bổ sung thêm công đoạn hỗ trợ ứng dụng - thiết kế, sản xuất, kiểm tra cho khách hàng mua chip. Việt Nam đang có các công ty thiết kế (đạt tới trình độ tiên tiến ở một số loại chip). Các công ty sản xuất mới dừng ở mức đóng gói và thử nghiệm.

Ông Minh nêu quan điểm, các công ty thiết kế còn phụ thuộc vào các dự án của công ty FDI hoặc khách hàng, không chủ động về sản xuất, nhiều hay ít việc là do bên ngoài quyết định.

Theo Thy Lê/vnbusiness.vn